Startup AI, một tuần làm việc 7 ngày là không đủ

Tại Thung lũng Silicon, nơi văn hóa 'hustle' (hối hả) được tôn vinh, nhiều startup còn đẩy giới hạn năng suất lên mức cao hơn…

Giờ làm việc dài là phần không thể thiếu trong văn hóa của các công ty khởi nghiệp.

Giờ làm việc dài là phần không thể thiếu trong văn hóa của các công ty khởi nghiệp.

Những cái tên như Arrowster (nền tảng hỗ trợ sinh viên du học), kỳ lân tuyển dụng Mercor hay Corgi, startup được Y Combinator hậu thuẫn, đều yêu cầu nhân viên làm việc tới 6 hoặc 7 ngày mỗi tuần.

“LÀM Ở STARTUP LÀ PHẢI LÀM VIỆC CẬT LỰC”

“Không thể tô hồng sự thật. Làm ở startup là phải làm việc cật lực”, ông Kenneth Chong, CEO của Arrowster, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Forbes.

Arrowster hiện chỉ có năm thành viên, làm việc ở nhiều múi giờ khác nhau: CEO Kenneth Chong làm việc từ khu vực Vùng Vịnh (bang California), ba nhân viên còn lại làm việc từ Việt Nam.

Arrowster không phải là công ty khởi nghiệp duy nhất xóa nhòa ranh giới giữa ngày làm việc và ngày nghỉ. Một ví dụ khác là Corgi, startup trong lĩnh vực bảo hiểm được Y Combinator hậu thuẫn, cũng nêu rõ trong tin tuyển dụng rằng nhân viên sẽ làm việc suốt tuần. Trong một chia sẻ trên LinkedIn đầu tháng này, người sáng lập của họ cho biết: “Chúng tôi làm việc 7 ngày/tuần tại văn phòng để hoàn thành mọi việc đến nơi đến chốn”.

Xu hướng làm việc 6 ngày mỗi tuần đang lan rộng trong giới startup. Một số công ty như LatchBio (công nghệ sinh học), Autotab (công cụ dữ liệu AI) và Mercor (nền tảng tuyển dụng được định giá tỷ đô) đều yêu cầu nhân viên có mặt tại văn phòng ít nhất 6 ngày mỗi tuần.

Mercor, công ty vừa gọi vốn thành công 100 triệu USD với mức định giá 2 tỷ USD hồi tháng 2/2025, thậm chí còn đưa ra khoản thưởng nhà ở lên đến 10.000 USD cho những nhân viên sống trong bán kính dưới 1 km quanh văn phòng.

Thời gian đầu, Mercor từng làm việc cả 7 ngày mỗi tuần, nhưng khoảng một năm sau khi thành lập, công ty bắt đầu cho nghỉ ngày chủ nhật, theo lời CEO Mercor, ông Brendan Foody. Hiện công ty có khoảng 90 nhân viên, và Brendan Foody cho biết ông hiểu rằng văn hóa làm việc cường độ cao sẽ cần điều chỉnh khi quy mô công ty lớn dần lên. “Nhưng nếu có thể, chúng tôi vẫn muốn duy trì tinh thần đó càng lâu càng tốt”, ông Brendan Foody cho biết.

Công khai theo đuổi văn hóa làm việc "hết ga" đôi khi lại là cách để doanh nghiệp thu hút sự chú ý, lôi kéo nhân tài và chinh phục nhà đầu tư.

Công khai theo đuổi văn hóa làm việc "hết ga" đôi khi lại là cách để doanh nghiệp thu hút sự chú ý, lôi kéo nhân tài và chinh phục nhà đầu tư.

Tại Decagon, startup sử dụng AI để xử lý cuộc gọi khách hàng, làm việc ngày chủ nhật không phải là quy định bắt buộc, nhưng đã trở thành một phần của văn hóa. Jesse Zhang, đồng sáng lập, cho biết khoảng một phần ba trong số 80 nhân viên của công ty thường đến văn phòng làm việc vào ngày chủ nhật.

Thói quen này xuất phát từ chính hai nhà sáng lập Jesse Zhang và Ashwin Sreenivas thường xuyên làm việc thêm vào cuối tuần. Dần dần, các thành viên khác cũng làm theo. “Không có chiếc tên lửa nào cất cánh nếu thiếu đi cường độ làm việc đủ lớn để tạo ra lực đẩy”, Jesse Zhang nói.

Trước đây, các nhà sáng lập thường kỳ vọng nhân viên sẽ làm việc hết mình, cống hiến không kể giờ giấc. Nhưng hiếm ai công khai nói thẳng rằng công ty mình theo đuổi một văn hóa làm việc khắc nghiệt, áp lực cao. Tuy nhiên, mọi chuyện đã khác khi trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ và lan rộng khắp Thung lũng Silicon.

Giờ đây, các startup công nghệ không chỉ phải cạnh tranh với nhau, mà còn phải đối đầu với các tập đoàn lớn như OpenAI hay Anthropic – những "gã khổng lồ" có thể khiến một công ty non trẻ bị bỏ lại phía sau chỉ bằng một bản cập nhật sản phẩm.

Thậm chí, công khai theo đuổi văn hóa làm việc "hết ga" đôi khi lại là cách để doanh nghiệp thu hút sự chú ý, lôi kéo nhân tài và chinh phục nhà đầu tư.

Tháng 11/2024, Daksh Gupta, đồng sáng lập Greptile, một startup chuyên đánh giá mã nguồn do AI tạo ra, đã đăng trên mạng xã hội X (Twitter) rằng công ty không hề đề cao sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, và yêu cầu nhân viên làm việc ít nhất 6 ngày mỗi tuần.

Daksh Gupta cho biết sau đó, hộp thư của ông "ngập tràn phản hồi", trong đó 20% là những lời đe dọa…còn 80% là đơn xin việc.

THẾ GIỚI CŨNG CÓ NHIỀU TIỀN LỆ LÀM VIỆC CẢ TUẦN

Tại Trung Quốc, văn hóa “996” – làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần từng là tiêu chuẩn ngầm trong ngành công nghệ, đặc biệt ở những tập đoàn lớn như Alibaba, ByteDance hay JD.com.

Tại Hy Lạp, Chính phủ thậm chí đã chính thức hóa tuần làm việc 6 ngày trong một số lĩnh vực như sản xuất và dịch vụ hoạt động 24/7, kèm mức lương làm thêm giờ tăng 40%. Tại Hàn Quốc, hàng loạt tập đoàn lớn, bao gồm cả Samsung, cũng yêu cầu các nhà quản lý làm việc 6 ngày mỗi tuần từ năm 2024.

Ở Thung lũng Silicon, dù không có một thuật ngữ “996” tương tự, nhưng giờ làm việc dài vẫn là phần không thể thiếu trong văn hóa của các công ty khởi nghiệp. Những cuộc thi lập trình xuyên đêm hay “hackathon” – nơi các kỹ sư làm việc liên tục với cà phê để hoàn thành dự án đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong ngành công nghệ.

Trụ sở của ByteDance được cho là sáng đèn 24/7.

Trụ sở của ByteDance được cho là sáng đèn 24/7.

Tại Mỹ, không có luật liên bang nào giới hạn số ngày hay giờ làm việc, nhưng mỗi tiểu bang lại có bộ luật lao động riêng. Ví dụ, ở California, nơi có nhiều công ty khởi nghiệp, nhân viên được trả lương có thể được miễn một số điều kiện nhất định, chẳng hạn như công việc quản lý điều hành hoặc có chuyên môn đặc thù như luật sư, và phải kiếm được gấp đôi mức lương tối thiểu của tiểu bang — một yêu cầu mà đa số nhân viên công nghệ đều dễ dàng đáp ứng.

Nhiều người tin rằng trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra một kỷ nguyên năng suất mới, giúp rút ngắn thời gian làm việc. Tuy nhiên, nghịch lý là các công ty AI hiện nay lại đang phải lao động vất vả hơn bao giờ hết. Dẫu vậy, những nỗ lực của họ hôm nay có thể chính là nền tảng để tạo ra một tương lai mà người lao động sẽ được hưởng lợi với một tuần làm việc ngắn hơn.

Giám đốc điều hành JPMorgan, Jamie Dimon, từng cho rằng: "Con cái của bạn sẽ sống đến 100 tuổi và không mắc bệnh ung thư nhờ công nghệ. Chúng có thể chỉ cần làm việc ba ngày rưỡi mỗi tuần".

Lazarus AI, một công ty chuyên phát triển các mô hình AI nền tảng, cũng tuyên bố rằng AI có thể "hoàn toàn" giúp giảm tuần làm việc xuống còn bốn ngày khi các mô hình ngày càng trở nên hiệu quả hơn.

Hạ Chi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/startup-ai-mot-tuan-lam-viec-7-ngay-la-khong-du.htm
Zalo