Đà Nẵng kêu gọi đầu tư dự án phòng thí nghiệm vi mạch bán dẫn trị giá 1.800 tỷ đồng

UBND TP. Đà Nẵng thông qua Sở Tài chính vừa công bố lời mời đầu tư vào Dự án Phòng thí nghiệm phục vụ sản xuất công nghệ đóng gói tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 1.800 tỷ đồng. Dự án được quy hoạch tại khu đất rộng 2.298 m² thuộc Công viên phần mềm số 2, phường Thuận Phước, quận Hải Châu.

Đề xuất đầu tư do Công ty CP VSAP LAB lập ngày 8/5/2025. Theo đó, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ thực hiện theo hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, không qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án.

Sở Tài chính thành phố mời gọi các tổ chức, cá nhân quan tâm nộp hồ sơ đăng ký từ ngày 10/5/2025 đến hết ngày 24/5/2025. Các nhà đầu tư có trách nhiệm đảm bảo tính pháp lý và độ chính xác của hồ sơ, đồng thời tự chịu mọi chi phí và rủi ro phát sinh trong trường hợp dự án không được phê duyệt.

Phòng thí nghiệm sẽ được thiết kế gồm 4 tầng nổi và tum mái, trang bị hạ tầng kỹ thuật hiện đại bao gồm hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc, điều hòa không khí và kiểm soát môi trường.

Thiết bị công nghệ được đầu tư bài bản, bao gồm: máy wafer bonding, wire bonding, FOWLP, thiết bị quang khắc, mạ điện, đóng gói chuẩn, đo lường và phân tích (X-ray, SEM), cùng với máy kiểm tra tự động (ATE). Công suất thiết kế đạt 10 triệu sản phẩm mỗi năm, phục vụ đóng gói và kiểm thử tiên tiến cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Mục tiêu chiến lược của dự án là hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Quyết định số 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây cũng là bước đi quan trọng trong đề án phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) của thành phố Đà Nẵng.

Theo kế hoạch phát triển lĩnh vực bán dẫn và AI của Đà Nẵng, thành phố triển khai theo 2 giai đoạn:

Giai đoạn 2024 - 2027: Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút đầu tư trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu - phát triển công nghệ tại các trường đại học, doanh nghiệp khởi nghiệp và các cơ sở sản xuất nhỏ

Giai đoạn 2027 - 2030: Hướng đến phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp nội địa, đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực đóng gói và kiểm thử vi mạch, từng bước chuyển dịch từ thiết kế sang sản xuất.

Tầm nhìn đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu để kinh tế số đóng góp tối thiểu 35 - 40% GRDP; thu hút ít nhất 5.000 nhân lực chất lượng cao trong ngành bán dẫn (gồm 2.000 kỹ sư thiết kế và 3.000 nhân sự trong lĩnh vực đóng gói - kiểm thử); đồng thời phát triển thêm tối thiểu 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và dịch vụ liên quan.

Bên cạnh đó, thành phố kỳ vọng thu hút từ 1 đến 2 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực đóng gói và kiểm thử, cũng như hỗ trợ hình thành ít nhất 5 startup bán dẫn được ươm tạo và tăng tốc phát triển.

Trong lĩnh vực AI, Đà Nẵng hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ 3.000 nhân lực chất lượng cao, phát triển 20 sản phẩm AI do doanh nghiệp địa phương thực hiện và ươm tạo tối thiểu 5 startup trong lĩnh vực này.

Không chỉ là cơ sở sản xuất, Phòng thí nghiệm còn đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vi mạch và AI, kiểm nghiệm kỹ thuật, cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo, bảo trì và giải pháp kỹ thuật cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cao.

Dự án được cấp phép hoạt động với thời hạn 50 năm kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự kiến sẽ khởi công trong quý 2/2025 và hoàn thành vào quý 4/2026.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/da-nang-keu-goi-dau-tu-du-an-phong-thi-nghiem-vi-mach-ban-dan-tri-gia-1-800-ty-dong-317778.html
Zalo