'Sống xa quê hương gần 70 năm nhưng tôi vẫn là người Việt Nam'

Giáo sư - Tiến sỹ Vật lý hạt nhân Lê Văn Hóa đã có hơn nửa thế kỷ sống và làm việc tại Mỹ. Ông chưa bao giờ coi mình là một Việt Kiều mà chỉ là người Việt Nam sống xa quê hương.

Quê gốc ở Quảng Nam và sang Mỹ từ năm 1957 khi chỉ có khoảng 30 sinh viên Việt Nam trên toàn nước Mỹ, GS.TS Lê Văn Hóa đã có nhiều năm theo đuổi nhiều ngành khác nhau như Vật lý hạt nhân, Vật lý chất rắn, Bức xạ y học, Pháp luật, Kinh tế chính trị và Quan hệ quốc tế tại nhiều trường Đại học nổi tiếng ở Mỹ.

Sau chuyến về thăm quê đầu tiên vào năm 1977, GS.TS Lê Văn Hóa cùng với 2 Giáo sư người Mỹ sáng lập Ủy ban Hoa Kỳ về hợp tác khoa học với Việt Nam trong năm 1978 và được đề cử làm Tổng thư ký của Ủy ban này.

Tiếp đó, ông là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Quỹ Hoa Kỳ - Việt Nam, tổ chức phi chính phủ thành lập năm 1992 để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục và kinh tế giữa hai nước.

Giáo sư - Tiến sỹ Lê Văn Hóa tại cuộc gặp của Tổng bí thư Tô Lâm với 100 kiều bào tiêu biểu dự Xuân Quê hương 2025

Giáo sư - Tiến sỹ Lê Văn Hóa tại cuộc gặp của Tổng bí thư Tô Lâm với 100 kiều bào tiêu biểu dự Xuân Quê hương 2025

Từ năm 1997, ông cùng với Giáo sư Lê Thế Trung và các nhà khoa học Việt Nam hàng đầu khác, tổ chức nhiều hội nghị quốc tế liên quan đến các vấn đề về khoa học, y tế và kinh tế - xã hội, làm cầu nối một số trường đại học trong nước với các trường đại học ở Mỹ.

Sống xa quê hương gần 70 năm nhưng GS.TS Lê Văn Hóa luôn ý thức mình là một người Việt Nam và đối với ông, một khi sinh ra là người Việt Nam thì mình không thể nào mất bản chất đó được.

“Tôi rất biết ơn Việt Nam tại vì mẹ tôi là “người mẹ Việt Nam”, một cách nói chung không hẳn chỉ là mẹ sinh ra tôi. Tôi về thăm quê hương là tôi về thăm “người mẹ Việt Nam” của tôi, với sự kết nối thiêng liêng giữa tôi và mẹ Việt Nam. Tôi nghĩ mình có một bổn phận phải thương yêu mẹ mình như thế nào, thương yêu anh em mình như thế nào nhưng cùng một lúc, tôi không thể nào quên công ơn của nước Mỹ đã đào tạo tôi. Một người Việt Nam sinh ra ở Việt Nam và có một người mẹ Việt Nam như vậy sẽ luôn hướng tình thương của mình về nơi chôn nhau cắt rốn của mình”, GS.TS Lê Văn Hóa xúc động nói.

Đặc biệt, dù nghiên cứu lĩnh vực Vật lý hạt nhân, nhưng với tình yêu đối với Việt Nam và niềm đam mê đối với lịch sử và chính trị kinh tế học, GS.TS Lê Văn Hóa từng bảo vệ Luận án Thạc sỹ về “Những đặc trưng truyền thống của cuộc Cách mạng Việt Nam tháng Tám 1945” và hoàn thành luận án tiến sỹ về “Nền tảng văn hóa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh”. Cuốn sách về “Nền tảng văn hóa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh được Nhà xuất bản Hà Nội phát hành năm 1996 và tái bản nhiều lần.

GS.TS Lê Văn Hóa không chỉ mang những kiến thức của mình đóng góp cho Việt Nam, còn giúp nâng vị thế và mở rộng vai trò của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Cách đây 3 năm, ông nghĩ đến vai trò của Việt Nam và Mỹ có thể chung vai để đưa lại hòa bình thế giới, do đó ông đã thành lập Viện nghiên cứu ASEAN vì Hòa bình và Thịnh vượng Kinh tế.

Đối với ông, giữa Việt Nam và Mỹ có những giai đoạn, có những hình thức dù không nói ra nhưng hai bên đều thấy rõ giá trị của nhau và từ đó, nếu có sự cộng hưởng và đoàn kết hai nước, cả hai quê hương của ông đều có thể tiến liên cùng lúc và cấu tạo ra những môi trường cho hòa bình của khu vực và thế giới.

GS.TS Lê Văn Hóa chưa bao giờ xem mình là một Việt kiều, mà luôn ý thức mình là một người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, chỉ là sống xa quê hương mà thôi. Giờ đây, sau những năm làm việc nơi xứ người, ông luôn nhớ về quê hương và mong muốn được đóng góp cho quê hương, cho đồng bào mình. Có lẽ điều đó cũng giống như mong muốn của phần đông người Việt Nam đang sống xa quê cha đất tổ - đó là truyền thống “Lá rụng về cội”.

“Thường thường khi tôi nghĩ đến quê hương, tôi nhớ lại những câu ca dao mà mẹ tôi hay hát hồi tôi còn nhỏ “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Những tình cảm đó chỉ có thể ở trong tâm mình mà thôi. Nhiều khi nghĩ đến đó tôi tự nói với mình là tại sao mình lại cần tình cảm đó. Mẹ Việt Nam có thể không cần tôi nhưng tôi cần mẹ Việt Nam. Đó là cái nhân vị mà ông cha ta đã truyền cho chúng ta, đó là văn hóa của Việt Nam, là điều mà tôi mong muốn rằng thế hệ sau này, dù ở đâu cũng nhớ đến. Tôi cũng biết rằng rất nhiều người Việt Nam ở Mỹ rất mong ước được trở về quê hương, dù chỉ để chôn nắm xương tàn của mình ở quê cha đất tổ. Đó là nét văn hóa của Việt Nam mình mà nhiều nước có thể không hiểu được”, GS.TS Lê Văn Hóa bày tỏ.

Phạm Huân/VOV-Washington

Nguồn VOV: https://vov.vn/nguoi-viet/song-xa-que-huong-gan-70-nam-nhung-toi-van-la-nguoi-viet-nam-post1196011.vov
Zalo