50 năm giải phóng - Đất Sen hồng vươn mình bứt phá

Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975 là mốc son vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam - ngày mà quân và dân ta giành được thắng lợi hoàn toàn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua 50 năm giải phóng, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ra mắt chính quyền ngày thành lập tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Hoàng Dũng)

Ra mắt chính quyền ngày thành lập tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Hoàng Dũng)

Những năm tháng hào hùng

Với lịch sử phát triển hơn 300 năm, Đồng Tháp được biết đến là vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời; Nhân dân Đồng Tháp có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm. Hòa chung phong trào cách mạng miền Nam, phong trào đấu tranh cách mạng ở Đồng Tháp hình thành rất sớm và liên tục phát triển.

Ngay từ những năm 1929 - 1930, các chi bộ Đảng đầu tiên trên địa bàn Đồng Tháp đã lần lượt ra đời và sớm trở thành lực lượng chủ yếu lãnh đạo Nhân dân toàn tỉnh bền bỉ đấu tranh chống thực dân, đế quốc và phong kiến tay sai, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thiết lập chế độ mới của dân, do dân và vì dân. Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã đoàn kết, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, vượt qua mọi thử thách, cam go, cùng cả nước kiên cường chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc.

Theo dòng lịch sử, tháng 8/1974, Trung ương Cục giải thể tỉnh Kiến Phong, thành lập tỉnh Sa Đéc và Long Châu Tiền. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong 2 ngày (15 - 16/4/1975), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sa Đéc họp mở rộng khẩn cấp, tập trung thảo luận Nghị quyết đặc biệt và Mệnh lệnh Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa của Trung ương Cục. Đây là hội nghị có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, là ánh sáng trực tiếp mở đường, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đến toàn thắng.

Ngày 26/4/1975, Tỉnh ủy Sa Đéc nhận được lệnh hiệp đồng với mặt trận Sài Gòn vào Chiến dịch Hồ Chí Minh. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, mặt trận Sài Gòn giành toàn thắng và Tổng thống ngụy Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng. Tại thị xã Cao Lãnh, 23 giờ ngày 30/4/1975, quân cách mạng tiến vào tiếp quản và làm chủ hoàn toàn thị xã Cao Lãnh. 7 giờ sáng ngày 1/5/1975, quân ta từ nhiều hướng tiến vào tiếp quản và làm chủ hoàn toàn thị xã Sa Đéc. Hết ngày 2/5, hầu hết tỉnh Sa Đéc được giải phóng. Ngày 2/5/1975, UBND cách mạng tỉnh Sa Đéc ra bản Tuyên bố: Kể từ giờ phút này, đất nước ta sạch bóng quân Mỹ, tỉnh ta đã hoàn toàn giải phóng. Cũng từ giờ phút đó, lịch sử chứng kiến một bước ngoặt vĩ đại đối với tỉnh Sa Đéc nói riêng, cả nước nói chung: kết thúc thắng lợi 30 năm liên tục, bền bỉ và anh dũng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, đưa cả nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Đồng Tháp đã kiên cường chiến đấu trên 16.000 trận lớn nhỏ, chiến công nối tiếp chiến công. Đồng Tháp có hơn 18.300 liệt sĩ, 6.948 thương binh, 2.227 Mẹ Việt Nam anh hùng cùng những chứng tích lịch sử như: Di tích Gò Tháp - “thủ đô kháng chiến” vùng Nam Bộ, Di tích Xẻo Quít - căn cứ kháng chiến Tỉnh ủy, chiến thắng Giồng Thị Đam... góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Với những hy sinh, đóng góp to lớn trong kháng chiến, Nhân dân và lực lượng vũ trang Đồng Tháp vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như: “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cùng 68 tập thể, 41 cá nhân được tuyên dương anh hùng và được tặng hơn 27.000 Huân, Huy chương cao quý khác.

Nhân dân thị xã Cao Lãnh (nay là TP Cao Lãnh) diễu hành chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng (Ảnh: Hoàng Dũng)

Nhân dân thị xã Cao Lãnh (nay là TP Cao Lãnh) diễu hành chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng (Ảnh: Hoàng Dũng)

Hành trình 50 năm đổi mới và phát triển

Sau khi đất nước thống nhất, Đảng bộ, quân và dân Đồng Tháp đã kịp thời hàn gắn vết thương chiến tranh, đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương. Đồng chí Nguyễn Đắc Hiền - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp bồi hồi chia sẻ: “Thời điểm tháng 4/1975, tôi được giao nhiệm vụ là Phó Ban Thường trực Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Sa Đéc. Từ sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975 đến nay, tôi khó lòng nói hết những đổi thay kỳ diệu của Đất Sen hồng. Ai từng sống ở đất này 50 năm trước mới thấy diện mạo quê hương ta đổi thay to lớn, khác một trời một vực so với trước kia. Trong lời Di chúc để lại, Bác Hồ có dặn: “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Làm theo lời Bác, 50 năm qua, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Đồng Tháp đã vượt qua biết bao khó khăn, vươn lên mạnh mẽ như cây tràm, cây sen Đồng Tháp và có thể thưa với Bác: Chúng con đã thực hiện đúng lời Bác dặn. Nhìn lại đổ nát do bom pháo, chất độc hóa học, càn quét giặc Mỹ gây ra, Nhân dân thiếu thốn, đói nghèo, cơ cực thời chiến tranh, rồi sau 50 năm khắc phục, phấn đấu vươn lên, chúng ta có quyền cười vui, nước mắt dâng trào vì sung sướng, nhìn quê hương, con người Đồng Tháp đổi mới “hơn mười ngày nay”.

Một góc nội ô TP Cao Lãnh (Ảnh: Hoàng Trọng)

Một góc nội ô TP Cao Lãnh (Ảnh: Hoàng Trọng)

Sau giải phóng, tỉnh Đồng Tháp gặp nhiều thách thức do chiến tranh, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất manh mún, thiếu hạ tầng. Sản lượng lúa năm 1975 ước khoảng 270 ngàn tấn, không đủ ăn, tỷ lệ hộ nghèo, thiếu đói còn cao. Đến nay, vùng đất Đồng Tháp năm nào nay đã “thay da, đổi thịt”, những khó khăn năm xưa nay đã lùi xa, nhường chỗ cho sự phát triển. Lĩnh vực nông nghiệp chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét, dấu ấn nổi bật là khai thác thành công Đồng Tháp Mười và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ vùng đất ngập sâu, nhiễm phèn, hoang hóa, trở thành vùng đất trù phú; từ sản xuất lúa mùa 1 vụ sang sản xuất lúa 3 vụ chất lượng cao; sản lượng lúa đạt 3,34 triệu tấn (năm 2024), đứng thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhờ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và mô hình “Nông nghiệp thông minh”. Nông sản của tỉnh đã có mặt tại hơn 150 quốc gia, kể cả các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU...

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng cao rõ rệt. Những công trình giao thông, chỉnh trang đô thị được đầu tư; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát phát huy hiệu quả. Đồng Tháp có 3 thành phố, trong đó TP Cao Lãnh và TP Sa Đéc đạt đô thị loại II, TP Hồng Ngự đạt đô thị loại III; tỷ lệ đô thị hóa ước đạt trên 39% và 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

TP Sa Đéc trên đường phát triển (Ảnh: Hóa Vân)

TP Sa Đéc trên đường phát triển (Ảnh: Hóa Vân)

Về y tế và giáo dục, từ hơn 80% dân mù chữ, cơ sở vật chất thiếu thốn; đội ngũ giáo viên ít, nay hệ thống giáo dục phát triển mạnh cả về quy mô, chất lượng và dạy nghề, trường đạt chuẩn Quốc gia tăng. TP Cao Lãnh và TP Sa Đéc được UNESCO công nhận là thành viên “Mạng lưới học tập toàn cầu”. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở ngày càng hoàn thiện; chất lượng khám, chữa bệnh nâng cao. Môi trường văn hóa được cải thiện, các di sản văn hóa, di tích lịch sử được bảo tồn. Du lịch phát triển với nhiều sản phẩm đặc trưng, phát triển thị trường khách du lịch nội địa thông qua các sự kiện, lễ hội như: Lễ hội Sen, Lễ hội Xoài, Ngày hội Cá tra, Festival Hoa - Kiểng. Thương hiệu “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen” được lan tỏa mạnh mẽ. Chuẩn mực văn hóa, con người Đồng Tháp được chú trọng với những phẩm chất như “Yêu nước, đoàn kết, trung thực, tự lực, chăm chỉ, hợp tác, nghĩa tình, năng động, sáng tạo”. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai toàn diện, đạt nhiều kết quả tích cực. Tình hình chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại ngày càng được quan tâm...

Nhìn lại chiều dài lịch sử, trải qua 50 năm giải phóng đến nay là hành trình rất dài cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, khẳng định truyền thống của vùng đất anh hùng cách mạng. Với nền tảng vững chắc đã dựng xây, tin rằng, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục vươn mình bứt phá và phát triển mạnh mẽ, cùng cả nước triển khai quyết liệt, hiệu quả những chủ trương mới theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương; trong đó có cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và thực hiện các giải pháp tăng trưởng kinh tế. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đất Sen hồng vững niềm tin, khát vọng, nỗ lực xây dựng quê hương trong không gian phát triển lớn hơn, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

D.CHINH - N.NGUYỄN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/50-nam-giai-phong-dat-sen-hong-vuon-minh-but-pha-131123.aspx
Zalo