Sơn La ghi dấu ấn tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 6 về Thành phố học tập của UNESCO
Thành phố Sơn La đã đại diện cho các thành phố học tập của Việt Nam có bài trình bày mở màn cho Phiên thảo luận song song tại Hội nghị quốc tế lần thứ 6 về Thành phố Học tập toàn cầu của UNESCO tại Jubail, Saudi Arabia.
Hội nghị Quốc tế lần thứ 6 về Thành phố Học tập (ICLC 6), diễn ra từ ngày 3 - 5/12/2024 đã thu hút khoảng 1.200 đại biểu, bao gồm lãnh đạo thành phố, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và nhà giáo dục thuộc Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO trên toàn thế giới.
Với chủ đề “Thành phố học tập tiên phong trong hành động vì khí hậu”, hội nghị tập trung vào việc xây dựng các thành phố học tập bền vững, bao trùm và thích ứng thông qua học tập suốt đời.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 6 đến từ 3 thành phố: Vinh (tỉnh Nghệ An), Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) là thành viên của Mạng lưới từ năm 2020 và Sơn La (tỉnh Sơn La), thành viên mới gia nhập Mạng lưới từ tháng 2/2024.
Đại diện cho các thành phố học tập của Việt Nam, thành phố Sơn La vinh dự mở màn cho Phiên hảo luận song song của Hội nghị lần thứ 6 với bài trình bày về chủ đề “Đầu tư cho tương lai: Các mô hình huy động tài chính hiệu quả chống biến đổi khí hậu tại các đô thị và giáo dục cho phát triển bền vững".
Mở đầu bài phát biểu, ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND thành phố Sơn La đã giới thiệu về Sơn La - một thành phố miền núi giàu bản sắc văn hóa tại khu vực Tây Bắc Việt Nam, có dân số 120.000 người gồm 12 dân tộc anh em. Điều này vừa tạo nên nét độc đáo và đa dạng của thành phố, vừa đặt ra nhiều thách thức mang tính đặc thù cho vấn đề biến đổi khí hậu và giáo dục vì sự phát triển bền vững.
Là một thành phố miền núi với nguồn lực kinh tế, tài chính còn tương đối hạn chế so với nhiều tỉnh, thành phát triển khác và những thách thức mang tính đặc thù về cấu trúc dân số, để hiện thực hóa được những mục tiêu ưu tiên đã đề ra về chống biến đổi khí hậu và giáo dục vì sự phát triển bền vững, thành phố đã huy động sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực, bao gồm: các nguồn lực về vốn, nhân lực, khoa học công nghệ, hợp tác liên vùng, liên ngành thực hiện các mô hình, sáng kiến đầu tư cho tương lai dựa trên 4 trụ cột: (1) Đầu tư công; (2) Hợp tác công tư; (3) Quỹ tín dụng, ngân hàng, doanh nghiệp, HTX, người dân, cộng đồng dân cư; và (4) nguồn bên ngoài (ODA).
Điểm nhấn của bài thuyết trình thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu quốc tế chính là cách làm sáng tạo, huy động nguồn lực từ dân và nâng cao nhận thức, năng lực của người dân để họ có thể tự giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển bền vững tại chính địa phương nơi mình sinh sống theo cách thức phù hợp với văn hóa, tập quán, mong muốn, và nhu cầu của chính họ.
Mô hình Ngôi nhà Trí tuệ, Tủ sách Nhân ái phát triển mạnh mẽ phủ khắp các cộng đồng dân cư là một minh chứng nổi bật cho chủ trương và cách làm này. Đây là mô hình thành phố và nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, mang đến không gian học tập suốt đời, phát triển văn hóa đọc, giáo dục vì sự phát triển bền vững thông qua những hoạt động văn hóa, giáo dục đậm đà bản sắc của các dân tộc tại Sơn La.
Ông Đỗ Văn Trụ chia sẻ, Thành phố Sơn La coi giáo dục là trụ cột chính trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, lồng ghép giáo dục biến đổi khí hậu vào chương trình học chính thống và các sáng kiến cộng đồng. Những dự án như cuộc thi “Sơn La – Thành phố toàn cầu tôi yêu” đã thu hút sự tham gia rộng rãi, với hơn 300 tác phẩm sáng tạo giải quyết các vấn đề môi trường. Các sáng kiến này đã thúc đẩy văn hóa đổi mới và hợp tác, tạo ra những tác động tích cực trong quy hoạch và phát triển địa phương.
Những chia sẻ của thành phố Sơn La tại hội nghị nhấn mạnh vị thế tiên phong của thành phố học tập trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, quốc gi và địa phương về biến đổi khí hậu. Cam kết, hướng đi và cách làm của Sơn La đối với sự phát triển bền vững, học tập suốt đời và khả năng chống chịu với khí hậu phù hợp với tầm nhìn của UNESCO về việc trao quyền cho cộng đồng thông qua giáo dục.