'Thực hiện quân với dân một ý chí' ở Quân khu 9 - Bài 3: Không ngừng chăm cho 'chắc gốc, bền cây' (Tiếp theo và hết)
Khó khăn chung của nền kinh tế cùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan sẽ còn tác động tiêu cực đến đời sống người dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế này đòi hỏi các đơn vị LLVT Quân khu 9 cần tiếp tục bám sát tình hình địa bàn, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân để giúp đỡ nhân dân thiết thực, hiệu quả hơn nữa; tiếp tục củng cố, tăng cường sức mạnh khối đoàn kết quân-dân trên địa bàn Tây Nam Bộ.
Sẵn sàng có mặt khi nhân dân cần
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, ngập lụt, sụt lún, sạt lở, hỏa hoạn... các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 9 luôn xem trọng nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn góp phần giảm thiểu thiệt hại, ứng cứu kịp thời, coi đây là “nhiệm vụ chiến đấu” thời bình. Bám sát phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, do vậy khi có tình huống xảy ra, các đơn vị luôn kịp thời huy động lực lượng, phương tiện cơ động ứng phó, khắc phục.
Điển hình như vào khoảng 20 giờ 15 phút ngày 12-10-2024, nhận được tin báo xảy ra vụ cháy tại tổ 23, khóm Vĩnh Tây 1, phường Núi Sam, Ban CHQS TP Châu Đốc (Bộ CHQS tỉnh An Giang) đã huy động phương tiện và gần 50 cán bộ, chiến sĩ cùng các lực lượng tại địa phương kịp thời tham gia chữa cháy, khắc phục hậu quả. Hay như chiều 9-10-2024, khi được tin trên các địa bàn ấp Ngọc Bình (xã Ngọc Chúc), ấp Hòa Sơn (xã Hòa Thuận), ấp Vĩnh Thanh (xã Vĩnh Thạnh), cùng thuộc huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) xảy ra mưa to kèm lốc xoáy, Ban CHQS huyện Giồng Riềng đã điều động gần 70 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ cơ động đến hiện trường hỗ trợ cứu chữa người dân bị thương, giúp thu gom đồ đạc, thống kê thiệt hại ban đầu...
Trước đó, trong đợt nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra vào đầu tháng 4-2024, LLVT Quân khu 9 đã huy động hơn 1.500 lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ phối hợp với các lực lượng vận chuyển hơn 12.000m3 nước sạch, hơn 200 dụng cụ chứa nước hỗ trợ người dân trên địa bàn các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang và Tiền Giang...
Đại tá Nguyễn Hữu Cương, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Hiện nay, 100% ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp ở tỉnh Đồng Tháp được kiện toàn. Công tác huấn luyện, phối hợp giữa LLVT tỉnh với các đơn vị đứng chân trên địa bàn được thực hiện chặt chẽ. Khi có tình huống xảy ra, chúng tôi kịp thời chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, điều động lực lượng, phương tiện cơ động ứng phó, khắc phục một cách nhanh nhất”.
Tại TP Cần Thơ những năm gần đây, triều cường dâng cao làm nhiều tuyến đường trên địa bàn ngập sâu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Nhằm chủ động ứng phó, LLVT thành phố đã tổ chức rà soát, bổ sung, xây dựng phương án di dời, sơ tán người dân và tài sản. Ngoài ra, LLVT thành phố đã phối hợp với các lực lượng khác tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các tuyến đường, ao, hồ ngập sâu; gia cố hệ thống đê bao ngăn lũ; tăng cường kiểm tra, vận hành các van ngăn triều cường; phát huy tốt vai trò đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã... nhờ đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Theo báo cáo tổng hợp của Phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu Quân khu 9, từ năm 2014 đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Quân khu đã huy động hơn 167.000 lượt bộ đội, dân quân và hơn 4.200 lượt phương tiện, trang thiết bị các loại tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xử lý hiệu quả nhiều vụ, cứu được 243 người bị tai nạn; phối hợp kêu gọi, hướng dẫn hơn 14.600 tàu, thuyền và hàng nghìn ngư dân tránh trú an toàn; hỗ trợ di dời hơn 124.500 hộ dân; gia cố, chằng chống 186.979 căn nhà, 11,6km đê bao.
Gắn an sinh với an dân
Từ nhiều năm nay, năm nào Trung đoàn 9, Sư đoàn 8 (Quân khu 9) cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Phong Mỹ, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) khảo sát và hỗ trợ con giống, cây giống tới các hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với mỗi năm từ 5 đến 7 hộ, có năm 20 hộ. Đến nay, đơn vị đã hỗ trợ được gần 100 hộ. Ngoài ra, đơn vị còn cử cán bộ có kinh nghiệm đến hướng dẫn, hỗ trợ người dân kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh... Nhờ đó, hầu hết các gia đình đều làm ăn có lãi.
Như trường hợp gia đình anh Hồ Văn Hoàng ở ấp 1, xã Phong Mỹ, được đơn vị hỗ trợ 2.000.000 đồng mua cá giống và 1.000.000 đồng mua thức ăn cho cá, thu hoạch sau 9 tháng nuôi, gia đình anh lãi 1.900.000 đồng; gia đình anh Nguyễn Văn Đông ở ấp 6, xã Phong Mỹ, được đơn vị hỗ trợ 3.000.000 đồng để chăn nuôi vịt, sau 6 tháng, gia đình anh lãi 2.100.000 đồng và tiếp tục tái sản xuất... Trung tá Lê Tính Ân, Phó chính ủy Trung đoàn 9 chia sẻ: “Để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình này, chúng tôi sẽ khảo sát chặt chẽ, lựa chọn đúng đối tượng. Nhà nào đủ điều kiện nuôi cá thì tặng cá giống; có thế mạnh nuôi gà, vịt thì hỗ trợ nuôi gà vịt..., không hỗ trợ một cách ồ ạt”.
Tỉnh Trà Vinh có 31,53% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, chủ yếu sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, một số ít làm dịch vụ, buôn bán nhỏ. Những năm qua, LLVT tỉnh phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương tập trung thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
Tuy nhiên, tỉnh cũng thẳng thắn đánh giá, chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong đồng bào Khmer còn chậm, đầu ra sản phẩm thiếu ổn định, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mang tính tự phát, tỷ lệ thoát nghèo bền vững chưa cao, giải quyết việc làm tại địa phương còn ít nên người lao động phải rời quê đi làm ăn ngoài tỉnh... “Từ thực tế này, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh đặt ra yêu cầu với các cơ quan, đơn vị là tiếp tục cùng các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, lao động, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, củng cố cơ sở chính trị vững mạnh, địa bàn an toàn gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”, Đại tá Trương Văn Thẩm, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh nói.
Thiếu tướng Hồ Văn Thái, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 9 đánh giá, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị đã tích cực giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo, chung sức xây dựng nông thôn mới, kịp thời giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường...
Đồng chí Chính ủy Quân khu 9 cũng nhận định, do kinh tế-xã hội ở một số địa phương còn chậm phát triển, đời sống người dân một số nơi còn khó khăn, đồng thời, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, các thế lực thù địch sẽ đẩy mạnh các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân-dân với những chiêu bài, thủ đoạn mới. “Các đơn vị cần tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh xã hội, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo.
Đồng thời, chủ động tham mưu, phối hợp xây dựng, hoàn chỉnh kế hoạch, phương án sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống. Các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan quân sự địa phương cần làm tốt vai trò tham mưu với cấp ủy, chính quyền xây dựng các tổ chức chính trị-xã hội ngày càng vững mạnh, hoàn thiện cơ chế, phương thức hoạt động, thực sự là nơi tập hợp, đoàn kết, vận động, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thiếu tướng Hồ Văn Thái nhấn mạnh.
Giai đoạn 2016-2024, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 9 quyên góp, ủng hộ xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo” gần 72 tỷ đồng; thăm, tặng quà đối tượng chính sách 174 tỷ đồng; phụng dưỡng 349 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu 36 con thương binh; phối hợp tư vấn, đưa 8.650 lượt chiến sĩ đi học nghề ở các trường trong và ngoài Quân đội, góp phần tạo việc làm cho bộ đội sau khi xuất ngũ...