Trung hiếu - phẩm chất ngời sáng danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ
Trải qua những thử thách ngặt nghèo của các cuộc chiến tranh vệ quốc trường kỳ, gian khổ, những thuộc tính bản chất của Quân đội ta đã trở thành chất keo kết dính bền chặt những người lính Cụ Hồ, tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn, góp phần lập nên những chiến công hiển hách.
Trong đó, trung hiếu là phẩm chất cao quý nhất trong chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ, kết tinh rạng ngời những chuẩn mực đạo đức cao đẹp của con người Việt Nam.
Trung hiếu là hiện thân văn hóa Đảng trong QĐND Việt Nam
Trong dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, trung hiếu luôn là phẩm chất đạo đức cao quý nhất của đạo làm người, đứng ở vị trí đầu tiên trong thang giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam. Phẩm chất ấy được nảy sinh và phản ánh sâu sắc cốt cách văn hóa đạo đức của người dân Việt Nam trong giải quyết mối quan hệ giữa nhà-làng-nước. Từ xa xưa, nhân dân ta luôn coi trọng việc nước, đề cao trách nhiệm trả nợ nước và coi trọng tấm lòng hiếu đễ của con cháu dành cho cha mẹ. Chính lối sống văn hóa đạo đức cao đẹp ấy đã trở thành nét đẹp về văn hóa, nhân cách con người Việt Nam, chi phối toàn diện tới mọi giai cấp, thành phần trong xã hội, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Bất luận dù thực hiện nhiệm vụ gì, trong chiến tranh hay hòa bình, phẩm chất trung hiếu luôn là gốc rễ, là cội nguồn sức mạnh giúp những người lính chấp nhận hy sinh, gian khổ để chiến đấu, chiến thắng và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Dưới ánh sáng soi đường của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, phẩm chất trung hiếu của Bộ đội Cụ Hồ ngày càng tỏa sáng, trở thành nét đẹp văn hóa quân sự thời đại mới. Trung hiếu phản ánh sâu sắc bản chất cách mạng của Quân đội ta. Từ chuẩn mực đạo đức "trung, hiếu” truyền thống, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tiếp thu, kế thừa và phát triển lên thành phạm trù mới của đạo đức cách mạng là: “Trung với nước, hiếu với dân”. Nhân dịp kỷ niệm Quân đội ta tròn 20 tuổi (ngày 22-12-1964), Bác Hồ đã khen tặng: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”. Thực chất “trung với nước” và “trung với Đảng” trong lời dạy của Người được hiểu là một. Bởi vì, Đảng là người lãnh đạo, người đại diện cho dân, cho nước; ngoài lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Đảng là đạo đức, là văn minh, đại diện cho trí tuệ, lương tri của dân tộc. Chữ “hiếu” trong chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ có nội hàm phản ánh bản chất nhân văn, tiến bộ của chế độ mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Phẩm chất trung hiếu không chỉ hiện hữu trong nhân cách văn hóa bộ đội mà còn là hiện thân văn hóa Đảng trong QĐND Việt Nam. Bởi vì, ý nghĩa cốt lõi của phẩm chất trung hiếu biểu thị ở sự giác ngộ sâu sắc bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và dân tộc sâu sắc; ở sự tự giác, tự nguyện phục tùng nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Trước khó khăn, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội không mảy may do dự, tính toán hơn thiệt và chấp nhận sự hy sinh “nhẹ tựa lông hồng”. Có người đã ví sự hy sinh của các chiến sĩ vệ quốc đó là hành động “tử vì đạo”. Đạo ở đây không phải là một thứ tín đồ tôn giáo nhằm mê hoặc hoặc lừa mị quân nhân, mà đó chính là “đạo trung với nước, đạo hiếu với dân”, là trách nhiệm, nghĩa vụ để trả nợ nước, tình nhà, là đạo làm người “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, càng trong gian khổ, hy sinh thì phẩm chất trung hiếu càng tỏa sáng.
Trung hiếu là cội nguồn sức mạnh “bách chiến bách thắng” của Quân đội ta
Một điểm khác biệt căn bản so với quân đội của nhiều quốc gia trên thế giới, QĐND Việt Nam ra đời, phát triển và lớn mạnh từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ đến hiện đại. Quân đội ta ra đời trước khi có chính quyền nhà nước, hoàn toàn không được kế thừa bất cứ một di sản nào về tổ chức lực lượng, vũ khí, trang bị, nghệ thuật chiến lược, chiến dịch và chiến thuật... từ các tổ chức quân sự của chế độ cũ. Thực tế đó có chiều thuận là chúng ta có thể xây dựng được một quân đội với tư tưởng, tác phong và tổ chức lực lượng hoàn toàn mới và phù hợp với mục đích chính trị của giai cấp và dân tộc.
Tuy nhiên, khi vốn liếng của kháng chiến còn hạn hẹp, thiếu thốn, nhất là về cơ sở kinh tế, chúng ta sẽ gặp muôn vàn khó khăn trên con đường hiện thực hóa ý tưởng và khát vọng ấy. Đúng như nhà lý luận quân sự nổi tiếng của giai cấp công nhân Friedrich Engels khẳng định: “Không có gì lại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế tiên quyết hơn là chính ngay quân đội và hạm đội. Vũ trang, biên chế, tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết vào trình độ sản xuất đạt được trong một thời điểm nhất định và vào phương tiện giao thông”. Để hóa giải mâu thuẫn, khó khăn trên, xuất phát từ tính chất của cuộc chiến tranh chính nghĩa, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để xây dựng lên một quân đội kiểu mới mà ở đó sức mạnh chiến đấu và khả năng chiến thắng được quyết định bằng “tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường” (V.I.Lenin).
Văn bản pháp lý đầu tiên, quan trọng nhất nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc ta là Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 22-12-1944. Tuy văn phong giản dị, ngắn gọn, nhưng chỉ thị là một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự đầu tiên của Đảng đã hoạch định nguyên tắc, phương châm xây dựng, bản chất cách mạng, chức năng, nghệ thuật tác chiến của QĐND Việt Nam. Trong nhiều nội dung được trình bày, tư tưởng quan trọng nhất được nêu ra đó là xác định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Quân đội ta là “chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Về thực chất, chính trị của Quân đội không có gì khác hơn đó là sự thấm nhuần sâu sắc phẩm chất “Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân”.
Chiến tranh là thử thách nghiệt ngã toàn diện sức mạnh của mọi quốc gia, dân tộc, là sự kiểm nghiệm khắt khe và khắc nghiệt nhất sức mạnh của một quân đội trên nguyên tắc “mạnh được yếu thua”. Tuy nhiên, khác hoàn toàn với quan niệm của các học giả tư sản luôn tuyệt đối hóa vai trò của yếu tố vũ khí theo thuyết “vũ khí luận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng yếu tố con người, coi “người trước súng sau” là phương châm phát triển lực lượng quân sự. Nhờ đó, Quân đội ta đã hiện thực hóa được tư tưởng chỉ đạo chiến lược “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy thô sơ thắng hiện đại”.
Giữ vững và phát huy phẩm chất trung hiếu của Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, phẩm chất trung hiếu của Bộ đội Cụ Hồ được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta gìn giữ và phát triển trở thành một nét đẹp văn hóa quân sự Việt Nam.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, phẩm chất trung hiếu được trân trọng, nâng niu, gìn giữ và phát huy như mạch nguồn văn hóa nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.
Quân đội đã thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, xử lý linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các tình huống, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ; tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Toàn quân duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, không gian mạng, phối hợp giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ an toàn các sự kiện quan trọng của đất nước; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Quân đội đã thực hiện hiệu quả công tác dân vận, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xóa đói, giảm nghèo bền vững, là lực lượng nòng cốt giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai... làm sâu sắc hơn mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Quân đội với nhân dân, góp phần tăng cường lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, Quân đội chú trọng đẩy mạnh hoạt động phát triển kinh tế quốc phòng, làm gia tăng giá trị kinh tế trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Chủ động, tích cực đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng bằng việc triển khai phát triển khoa học-công nghệ hiện đại, nhất là những công nghệ lõi, công nghệ có tính lưỡng dụng vừa phục vụ hoạt động quân sự, vừa góp phần phát triển sản xuất hàng hóa dân sinh, thúc đẩy công nghiệp quốc gia phát triển, duy trì và nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng. Quân đội đã tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ các nước khác, góp phần lan tỏa hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Những kết quả đó đã tiếp tục khẳng định giá trị và sự lan tỏa phẩm chất “Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân” của QĐND Việt Nam. Đúng như phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI của đồng chí Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng: “Quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường; qua đó, ngày càng làm sâu sắc hơn, tỏa sáng hơn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới... Cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng là Quân đội của nhân dân, Quân đội trong lòng dân”.
Vinh dự được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt, trong gần 50 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên giữ vững phẩm chất “Trung hiếu bên Người”, vượt bao khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt, thi hài Bác luôn được giữ ở trạng thái tốt nhất; Lăng Bác, Khu di tích K9 đã trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế đối với Đảng và Bác Hồ vĩ đại, để hình ảnh Bộ đội bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành nét đẹp tiêu biểu thể hiện sự trang nghiêm, hùng mạnh, chính quy, kỷ luật của QĐND Việt Nam anh hùng và là hình ảnh đại diện tiêu biểu nhất của Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.
Hiện nay, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta ngày càng được củng cố và phát triển. Tuy nhiên, những nguy cơ, thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng khó lường. Do vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người lính Cụ Hồ cũng không bao giờ được lơ là, mất cảnh giác mà phải luôn thấm nhuần và giữ trọn lời thề “trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân”, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, xứng đáng với danh xưng, danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ.
Thiếu tướng ĐINH QUỐC HÙNG, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh