Sớm ban hành pháp lý cho các nền tảng công nghệ mới
Hiện nay, tài sản số là một loại tài sản chưa từng có tiền lệ và đã trở thành một thị trường trị giá hàng nghìn tỷ USD. Việt Nam luôn nằm trong top 4 quốc gia trên thế giới giao dịch tài sản số, do đó, rất cần một khung khổ pháp lý để quản lý thị trường này. Đây cũng là đề xuất của rất nhiều chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp tại sự kiện Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam - Vietnam Tech Impact Summit 2024 diễn ra trong 2 ngày 3-4/12.
Theo Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng, công nghệ đang ngày càng phát triển và ứng dụng sâu rộng trong nền kinh tế khi Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sở hữu và quan tâm đến tài sản số. Với quy mô lớn như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực, với các lợi thế như dân số trẻ, yêu công nghệ và sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng mới. Tuy nhiên, điều cản trở lớn nhất đối với thị trường này đó là chưa có khuôn khổ pháp lý.
Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực blockchain nói chung và tiền mã hóa nói riêng phải đăng ký hoạt động tại các quốc gia lân cận như Singapore hay Hồng Kông (Trung Quốc), do Việt Nam chưa công nhận hình thức kinh doanh này. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đều mong muốn, sẽ sớm có pháp lý để thúc đẩy sự phát triển tại Việt Nam.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đang được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đã mở ra một tia hy vọng để tiến tới xây dựng một khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động của tài sản số. Dự kiến trong năm sau, sẽ có hệ thống pháp lý hoàn thiện hơn về tài sản số nhằm tạo hành lang phát triển lành mạnh thị trường tỷ đô này.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!