Số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng nhanh

Hiện nay, tình hình bệnh sởi ở trẻ em trên địa bàn một số tỉnh, TP vẫn đang có diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại là phần lớn số ca mắc bệnh sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine theo khuyến cáo.

Số ca mắc sởi chủ yếu ở người chưa tiêm vaccine

Ngày 30/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tuần qua, toàn TP ghi nhận 76 trường hợp mắc sởi tại 24 quận, huyện, tăng 26 ca so với tuần trước.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, TP ghi nhận 335 trường hợp tại 30/30 quận, huyện, thị xã, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (0/0). Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi: 98 trường hợp <9 tháng (29,3%); 57 trường hợp 9 - 11 tháng (17%), 115 trường hợp 1 – 5 tuổi (33,7%), 28 trường hợp 6 - 10 tuổi (8,4%), 39 trường hợp > 10 tuổi (11,6%).

Số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Theo dự báo của CDC Hà Nội, trong thời gian tới, tiếp tục có thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.

Nhân viên y tế tiêm vaccine sởi cho trẻ tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Nhân viên y tế tiêm vaccine sởi cho trẻ tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Để chủ động công tác phòng chống dịch bệnh, CDC Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.

Các đơn vị tăng cường công tác giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp và tại cộng đồng để kịp thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng. Ngoài ra, ngành y tế tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi của trẻ từ 1-5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn TP chưa tiêm chủng đủ mũi để tổ chức tiêm bổ sung.

TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2024 bệnh sởi có diễn biến phức tạp. Số ca sốt phát ban nghi sởi là 38.364 (tăng hơn 94 lần so với năm 2023) và số ca dương tính với sởi là 6.725 ca (tăng hơn 130 lần so với năm 2023).

Trong đó, một số tỉnh có số mắc cao như: Đồng Nai (6.360 ca), TP Hồ Chí Minh (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405 ca)… Đến nay, cả nước đã ghi nhận 13 ca tử vong do sởi, trong đó chủ yếu là trẻ em do “bệnh chồng bệnh”, người già có bệnh nền.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường

Phó Giám đốc CDC TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Nga cho hay, tính đến nay, TP đã tiêm vaccine sởi cho hơn 50.000 trẻ từ 1 đến 5 tuổi; hơn 122.000 trẻ từ 6 đến 10 tuổi và hơn 10.200 trẻ ở độ tuổi 6-9 tháng.

Việc TP thực hiện công bố dịch từ tháng 8/2024 là cơ sở pháp lý để phòng, chống dịch sởi hiệu quả hơn. Chỉ 3 ngày sau khi công bố dịch, TP đã có vaccine để triển khai tiêm chủng nhờ sử dụng nguồn ngân sách địa phương. Sau khi triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi, dù tỷ lệ đạt trên 98% nhưng TP vẫn ghi nhận ca bệnh.

Đặc biệt, địa phương đã khảo sát ngẫu nhiên với 616 trẻ từ 1 đến 5 tuổi tại 10 quận, huyện vào đầu tháng 10/2024. Kết quả đáng lưu ý, gần 20% trẻ sống tại TP Hồ Chí Minh nhưng địa chỉ khai báo trên hệ thống lại ở địa phương khác nên các trạm y tế xã, phường không biết để theo dõi, dẫn đến dễ bỏ sót đối tượng, tạo ra lỗ hổng lớn trong tiêm chủng.

Theo TS Nguyễn Lương Tâm, nguyên nhân là do dịch bệnh vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường và có nguy cơ bùng phát, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân, sự biến chủng liên tục của các tác nhân gây bệnh.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức, Hà Nội giám sát quy trình tiêm vaccine sởi cho trẻ.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức, Hà Nội giám sát quy trình tiêm vaccine sởi cho trẻ.

Cùng với đó, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tỉ lệ tiêm vaccine, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng. Ý thức phòng bệnh vẫn còn hạn chế, một số người dân chủ quan, lơ là. Đặc biệt là tình trạng “anti” vaccine của một bộ phận người dân khiến nhiều trẻ bỏ lỡ tiêm chủng. Điều này dẫn đến một số bệnh có vaccine phòng bệnh như sởi gia tăng thời gian qua.

Bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vaccine tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc khi tỉ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết trong khi quản lý đối tượng tiêm chủng vẫn còn hạn chế, có khả năng gia tăng các trường hợp nhập viện.

Ngành y tế nhận định, bệnh sởi, cúm và các dịch bệnh khác vẫn sẽ là thách thức lớn, đòi hỏi phải có phương án dự phòng và đáp ứng chống dịch nhanh, quyết liệt.

Để kiểm soát bệnh, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo, theo TS Nguyễn Lương Tâm, các bệnh viện phải tiến hành cách ly, phân luồng sàng lọc bệnh hô hấp khi nhập viện, kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo. Đặc biệt, các địa phương cần tổ chức tiêm bù, tiêm vét, rà soát đối tượng tiêm chủng, nhất là tiêm vaccine sởi cho trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương lưu ý, các địa phương theo dõi sự gia tăng các bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus và các bệnh xảy ra trong dịp Tết, mùa lễ hội đầu năm. Đặc biệt, Sở Y tế các tỉnh/TP chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong dịp Tết 2025; sẵn sàng các phương án trong tình huống dịch bệnh gia tăng.

Thời điểm này, ở các bệnh viện có thể có những nguy cơ lây nhiễm các bệnh do virus như cúm, sởi, ho gà… Do vậy, nếu trẻ chỉ có triệu chứng ho đơn thuần và không có biểu hiện gì khác, phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng một số biện pháp đơn giản như sử dụng một số thuốc ho. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện gì khác hoặc sau 3-5 ngày điều trị chưa đỡ, phụ huynh nên đi khám để có chẩn đoán đúng hơn và sử dụng thuốc phù hợp.

TS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/so-ca-mac-soi-co-xu-huong-gia-tang-nhanh.html
Zalo