'Chìa khóa' kiểm soát các bệnh truyền nhiễm

Năm 2024, các bệnh truyền nhiễm tại Bình Thuận có sự thay đổi rõ rệt; tăng - giảm ở một số bệnh. Điều này cần các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách toàn diện.

Sốt xuất huyết giảm, nhưng sởi, dại tăng

Tại hội nghị phòng, chống các bệnh truyền nhiễm mới đây, Bộ Y tế nhận định rằng tình hình dịch bệnh trên cả nước cơ bản được kiểm soát. Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng và sốt rét đã giảm mạnh so với năm 2023. Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nguy hiểm như Ebola, MERS-CoV hay cúm A/H7N9 xâm nhập. Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm vẫn ghi nhận số ca mắc cao cục bộ tại một số địa phương.

Tại Bình Thuận, năm 2024, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm ghi nhận sự dao động. Một số bệnh có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng một số bệnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng. Cụ thể, sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục là bệnh được quan tâm với 1.887 ca mắc được ghi nhận năm 2024, không có ca tử vong. Trong khi đó, năm 2023 có 4.068 ca mắc và 1 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc SXH giảm mạnh. Bệnh tay chân miệng có xu hướng giảm, ghi nhận 782 ca mắc, không có trường hợp tử vong so với năm 2023 với 2.300 ca mắc, 3 ca tử vong.

Người dân đưa vật nuôi đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Người dân đưa vật nuôi đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Một diễn biến đáng lo ngại khác là bệnh sởi. Năm 2024, Bình Thuận ghi nhận 803 ca nghi sởi, tăng đột biến. Trong khi, năm 2023 bệnh này chỉ ghi nhận chỉ 10 ca. Bệnh dại là một trong những vấn đề đáng báo động nhất tại Bình Thuận trong năm 2024, với 10 ca tử vong được ghi nhận - cao nhất nước, tăng mạnh so năm 2023 với 2 ca tử vong.

Ngoài ra, Bình Thuận ghi nhận 3 ca ho gà, tăng so với năm 2023 không có bất cứ ca mắc bệnh nào. Bệnh cúm mùa ghi nhận 616 ca trong tháng 11/2024, giảm 24,04% so với tháng 10/2024, nhưng tăng 22,22% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, các bệnh nguy hiểm mới nổi không ghi nhận trường hợp mắc.

Đẩy lùi nguy cơ

Ngành y tế xác định nhiều nguyên nhân làm gia tăng bệnh truyền nhiễm. Các bệnh được phòng bằng vắc xin như sởi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, khiến miễn dịch cộng đồng không đủ ngăn ngừa lây lan. Cùng với đó, gián đoạn cung ứng vắc xin, thủ tục mua sắm kéo dài... Bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao, do quản lý đàn chó, mèo chưa tốt. Tỷ lệ tiêm phòng thấp và tình trạng chó, mèo thả rông. Dù SXH giảm so với năm 2023, nhưng số ca mắc vẫn cao do biến đổi khí hậu, khí hậu nóng ẩm và đô thị hóa nhanh. Sự chủ động diệt lăng quăng, muỗi trong cộng đồng còn hạn chế…

Bộ Y tế nhận định tình hình bệnh truyền nhiễm năm 2025: Tại Việt Nam, bệnh SXH, tay chân miệng có nguy cơ gia tăng do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch, đô thị hóa và sự chủ quan trong phòng bệnh. Các bệnh dự phòng bằng vắc xin có thể gia tăng nếu tỷ lệ tiêm chủng không đạt yêu cầu và quản lý tiêm chủng còn hạn chế, dẫn đến khả năng tăng ca nhập viện. Tỷ lệ tử vong bệnh dại sẽ cao nếu tỷ lệ tiêm phòng, quản lý đàn vật nuôi (chó, mèo) còn yếu và sự chủ quan của người dân. Các bệnh nguy hiểm mới nổi như Mpox, cúm gia cầm độc lực cao có nguy cơ gia tăng với các biến chủng mới…

Để giảm tối đa tỷ lệ mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế yêu cầu nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đẩy mạnh các chiến dịch diệt lăng quăng, muỗi. Tăng cường quản lý đàn vật nuôi, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến tiêm phòng. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng bệnh cá nhân trong cộng đồng.

TRANG MINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chia-khoa-kiem-soat-cac-benh-truyen-nhiem-127000.html
Zalo