Con đường Gốm sứ Hà Nội – Biểu tượng nghệ thuật đang dần phai mờ

Vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, năm 2010, con đường Gốm sứ ven sông Hồng được khánh thành như một món quà tinh thần đặc biệt dành cho Thủ đô. Đây là một công trình nghệ thuật công cộng được tạo nên bởi bàn tay của hàng trăm nghệ sĩ góp phần thể hiện tinh thần cộng đồng và truyền tải giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, con đường nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ mai một nghiêm trọng do tình trạng xuống cấp.

Con đường Gốm sứ không chỉ là một bức tranh gốm mà còn là nơi lưu giữ những hình ảnh độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Các bức tranh tái hiện nhiều chủ đề đa dạng, từ hoa văn truyền thống thời Lý – Trần, tranh dân gian Đông Hồ, đến những cảnh làng quê Bắc Bộ hay những hình ảnh mang hơi thở hiện đại của Thủ đô. Đây từng là địa điểm thu hút đông đảo người dân và khách tham quan, là nơi để học sinh, sinh viên và cả các gia đình trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa qua những mảng tranh sống động. Các hoạt động nghệ thuật, chụp ảnh và tham quan trên con đường này cũng từng diễn ra sôi nổi, tạo nên sức sống và sức hút cho khu vực ven sông Hồng.

Tuy nhiên, thời gian và thiếu sự quan tâm đúng mức đã khiến con đường dần mất đi vẻ đẹp vốn có. Nhiều đoạn tranh gốm xuất hiện hiện tượng bong tróc, nứt vỡ, nhiều mảng gốm rơi rụng để lộ nền tường xám xịt bên dưới. Không ít vị trí bị bôi bẩn, vẽ bậy hoặc dán các loại quảng cáo, rao vặt tràn lan. Những nơi vốn sầm uất trở nên tiêu điều, thậm chí có chỗ xuất hiện rêu mốc, bụi bẩn và rác thải phủ kín, khiến con đường trở nên nhếch nhác và mất mỹ quan đô thị.

 Đoạn bích họa bằng gốm sứ (đầu phố Cầu Đất giao đường Vành đai 1) xuống cấp, nhếch nhác.

Đoạn bích họa bằng gốm sứ (đầu phố Cầu Đất giao đường Vành đai 1) xuống cấp, nhếch nhác.

Theo khảo sát thực tế, tình trạng xuống cấp không chỉ diễn ra ở một vài vị trí mà gần hết cả đoạn đường Điều này khiến người dân sống quanh khu vực và du khách không khỏi tiếc nuối, bởi công trình từng được kỳ vọng là biểu tượng nghệ thuật của Thủ đô, góp phần nâng tầm giá trị văn hóa, đồng thời tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị ven sông Hồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đáng báo động này không chỉ đến từ tác động của thời tiết, môi trường và sự hao mòn tự nhiên theo thời gian. Yếu tố lớn nhất là sự thiếu hụt một cơ chế quản lý và bảo trì lâu dài. Bên cạnh đó, sự thiếu ý thức giữ gìn của một bộ phận người dân và khách tham quan cũng góp phần làm cho con đường bị tổn hại nhanh chóng hơn.

Dọc công trình, nhiều đoạn bích họa bong tróc, để lộ nền xi măng.

Dọc công trình, nhiều đoạn bích họa bong tróc, để lộ nền xi măng.

Việc dán quảng cáo, viết vẽ bậy và thậm chí là vứt rác bừa bãi diễn ra khá phổ biến mà không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Sự thờ ơ và chưa có những hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của con đường gốm sứ càng làm cho công trình dần mất đi sự tôn trọng và bảo vệ cần thiết.

Việc bảo vệ và gìn giữ con đường Gốm sứ không chỉ đòi hỏi sự đầu tư về kinh phí mà còn cần một kế hoạch đồng bộ, bao gồm phân công rõ ràng đơn vị quản lý, kết hợp truyền thông nâng cao nhận thức người dân và cộng đồng địa phương. Đây cũng là cơ hội để Hà Nội khẳng định trách nhiệm và tầm nhìn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa – nghệ thuật, đồng thời phát huy tiềm năng phát triển du lịch văn hóa ven sông Hồng.

 Bức tranh gốm sứ nghệ thuật bị che khuất bởi hàng hóa, quán nước tự phát trên vỉa hè.

Bức tranh gốm sứ nghệ thuật bị che khuất bởi hàng hóa, quán nước tự phát trên vỉa hè.

Nếu không được bảo vệ kịp thời, con đường Gốm sứ sẽ không còn là niềm tự hào của Thủ đô mà chỉ còn lại dấu tích của sự lãng quên, khi những mảng tường trống lạnh im lặng kể lại câu chuyện buồn về sự thờ ơ và bất cẩn của con người với di sản văn hóa của chính mình.

Công Ngọc

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/con-duong-gom-su-ha-noi-bieu-tuong-nghe-thuat-dang-dan-phai-mo-178104.html
Zalo