Giữ bình yên bằng những điều giản dị (Kỳ 2): Những điều giản dị làm nên hình ảnh đẹp của người chiến sĩ
Trong một xã hội, không phải lúc nào sự ghi nhận cũng được khắc họa bằng chiến công rực rỡ hay huân chương sáng lấp lánh. Có khi, sự ghi nhận và đánh giá được xây nên từ một ánh nhìn nhân hậu giữa ngã tư bụi khói, một bàn tay chìa ra đúng lúc hay một cử chỉ nhỏ bé đầy ấm áp giữa phố đông người. Trong xã hội hiện đại - nơi niềm tin và giá trị đạo đức đang bị xói mòn, thậm chí là hoài nghi, thì chính những hành động gần gũi và âm thầm của người chiến sĩ Công an nhân dân lại đang trở thành mạch nguồn gìn giữ sự kết nối giữa nhân dân và công lý. Một kết nối không bằng pháp luật, mà bằng nhân tâm và trái tim.

Phong trào hiến máu tình nguyện những năm gần đây đã được lan tỏa rộng khắp các đơn vị trong lực lượng Công an Thủ đô
Những điều giản dị không tầm thường
Khi mặt trời vừa ló rạng, ánh bình minh bắt đầu lan tỏa trên các con đường, góc phố của Thủ đô. Khi những quán ăn sáng chỉ vừa kịp mở cửa, người dân vẫn còn vội vã chuẩn bị cho một ngày mới thì các anh - những người chiến sĩ Cảnh sát giao thông - đã có mặt tại “trận địa mặt đường”, các ngã tư, vòng xoay, điểm giao cắt đông đúc. Họ bắt đầu một ngày trước cả khi mặt trời lên và kết thúc khi phố đã chìm vào những ánh đèn. Có khi, cả ca trực chỉ là đứng lặng trong gió lạnh, quan sát, điều tiết - không một vụ va chạm, không một dòng cảm ơn. Nhưng chính sự “không có gì xảy ra” ấy là thành công lớn nhất, là sự bình yên mà họ bền bỉ gìn giữ. Trung tá Nguyễn Thanh Hải, Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội chia sẻ: Vinh dự được khoác lên mình bộ quân phục sắc vàng của lực lượng CSGT dù có phải “vượt nắng, thắng mưa”, chúng tôi vẫn hết lòng vì an toàn của nhân dân. Khi nhìn thấy dòng xe nối đuôi nhau an toàn, trật tự, là chúng tôi đã đủ thấy hạnh phúc.

Lực lượng Công an khắc phục hậu quả của mưa bão
Ngày nào cũng vậy, người chiến sĩ trẻ ở quận Hoàn Kiếm luôn đứng ở vị trí quen thuộc khu vực phố cổ, bờ hồ để làm nhiệm vụ được đơn vị giao. Anh là người giúp khách du lịch xác định lại vị trí khách sạn lưu trú, là người dắt cụ già qua đường, nhắc cô, cậu học sinh quên đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Công việc thường nhật nên mọi thứ đều trở nên chuẩn chỉ, khi anh hiện diện đúng lúc, đúng nơi, với sự bình tĩnh, gần gũi nhưng đúng mực đã khiến cho phẩm chất người chiến sĩ càng rạng ngời.
Một câu chuyện đời thường khác với Đại úy Chu Ngọc Thành, Đội Cảnh sát Giao thông số 2. Vào một buổi chiều giữa dòng người hối hả trên đường Thanh Niên, anh phát hiện một cháu bé đứng khóc một mình. Không ồn ào, không chờ ai đến nhờ, anh đưa cháu về trụ sở an toàn, dùng mọi kênh thông tin để tìm lại người thân. Cái ôm vỡ òa của người mẹ trong khoảnh khắc đoàn tụ không chỉ là niềm vui gia đình, mà còn là minh chứng sống động cho sự hiện diện kịp thời và nhân văn của người chiến sĩ công an giữa lòng Thủ đô. Những câu chuyện như thế không hiếm, không giật gân, cũng chẳng lên sóng giờ vàng. Nhưng chúng tạo nên một mạch ngầm niềm tin - âm ỉ, bền bỉ, lan tỏa từ góc phố nhỏ ra đến tâm thức cộng đồng.

Cảnh sát giao thông Thủ đô hỗ trợ người dân và du khách qua đường
Hướng về cộng đồng bằng trái tim và xây dựng niềm tin
Công an nhân dân không chỉ hiện diện nơi phố phường náo nhiệt. Họ có mặt ở vùng sâu, vùng xa, nơi những tiện nghi hiện đại còn là điều xa xỉ. Một trong những biểu hiện cụ thể nhất của phương châm “vì nhân dân phục vụ” chính là chiến dịch “Hành quân xanh” do Đoàn Thanh niên Công an thành phố Hà Nội triển khai tại xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn). Ở nơi đường đất còn lầy lội sau mỗi cơn mưa, chiến sĩ Công an không chỉ đến để tuyên truyền pháp luật - họ mang theo đèn năng lượng mặt trời để thắp sáng những lối nhỏ tối tăm, hướng dẫn người dân cài đặt VNeID, lắp đặt biển số nhà, tặng quà học sinh nghèo... Không camera, không truyền thông rầm rộ. Chỉ có sự lặng lẽ hiện diện, như mạch nước nhỏ thấm sâu vào lòng đất.
Một người cao tuổi ở địa phương xúc động nói: “Hôm nay, các chú Công an về thăm hỏi tặng quà, lại lắp đèn ngoài đường, ngõ, giờ tối đi lại không sợ vấp ngã nữa. Thấy các chú Công an về, mà như thấy cháu mình”. Ông Nguyễn Văn Thi - Chủ tịch UBND xã Quang Tiến bày tỏ cảm ơn tình cảm của đoàn công tác: “Những bóng đèn thắp sáng đường thôn là món quà rất ý nghĩa góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội ở xã. Những phần quà tặng các gia đình, học sinh khó khăn mang nghĩa tình quân dân. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng tới cơ sở”.
Gần gũi với nhân dân từ những chương trình thiết thực
“Từ trước đến nay, nhắc đến lực lượng Công an, nhiều người hay nghĩ đến kỷ luật, nghiệp vụ và đúng là như thế thật. Nhưng điều khiến tôi xúc động hơn là cách các anh, các chị công an gần gũi với dân qua những chương trình cộng đồng thiết thực. Họ không ngại nắng mưa, đến tận nơi hướng dẫn chúng tôi cách phòng cháy, chữa cháy, cách dùng ứng dụng công nghệ mới để làm thủ tục hành chính thuận tiện hơn. Tôi nghĩ, Công an nhân dân mạnh không chỉ vì kỷ luật hay chuyên môn, mà mạnh vì xây dựng được niềm tin, sự đồng lòng trong dân. Từ niềm tin ấy, người dân mới thấy mình là một phần trong công cuộc giữ gìn bình yên”.
Anh Nguyễn Tất Đạt (Gia Lâm, Hà Nội)
Hành động nhỏ, nhưng giá trị tinh thần lớn. Khi lực lượng Công an bước ra khỏi ranh giới hành chính và tiến vào đời sống cộng đồng với một tâm thế lắng nghe, thấu cảm - đó không chỉ là phục vụ, mà là đồng hành. Có lẽ, không có minh chứng nào mạnh mẽ hơn cho tinh thần “vì nhân dân phục vụ” bằng việc hiến máu cứu người của Công an thành phố Hà Nội trong những năm qua. Mỗi năm có hơn 25.000 đơn vị máu đã được hiến tặng bởi chính những người chiến sĩ Công an. Lượng máu hiến tặng ấy không chỉ là sự sống, mà là sự sẻ chia không điều kiện. Họ không hỏi người nhận là ai, không chờ được tri ân. Với họ, cứu người - dù là trong bệnh viện hay giữa dòng nước lũ - đều là một phần của trách nhiệm thiêng liêng.
Tháng 8-2024, khi Bệnh viện Xanh Pôn phát đi tín hiệu khẩn cấp cần vận chuyển một quả tim hiến tặng từ Hà Nội vào TP.HCM, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội đã lập tức lên đường. Mưa như trút, nhiều tuyến đường ngập nặng, nhưng họ vẫn xuyên đêm dẫn đường, phối hợp cùng các lực lượng, rút ngắn từng giây để trái tim ấy đến kịp với người đang chờ sự sống. Không ai nhớ tên họ, nhưng sự sống được nối dài đã là lời cảm ơn thầm lặng và trọn vẹn nhất. Và còn nữa - những chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đường thủy. Giữa dòng nước đen ngòm của sông Hồng, họ vẫn lao mình xuống tìm kiếm nạn nhân tự tử, dù cơ hội sống là mong manh. Họ lặn sâu, không vì mệnh lệnh, mà vì niềm tin rằng, còn hy vọng, còn phải hành động.

Cảnh sát giao thông Thủ đô chạy đua với thời gian vận chuyển “trái tim nhân ái” ra sân bay an toàn
Những năm qua, không chỉ Đảng, Nhà nước ta đã và đang triển khai các giải pháp để vun đắp niềm tin của nhân dân vào cán bộ trong một xã hội ngày càng phức tạp. Có lẽ, niềm tin không nằm ở khẩu hiệu treo cao, mà trong từng hành động nhỏ, một nụ cười đúng lúc, một lời nhắc nhẹ nhàng, một cái cúi đầu xin lỗi người đi bộ khi chưa kịp tắt còi xe. Bởi chính trong những điều giản dị ấy, người chiến sĩ Công an nhân dân đang xây dựng một hình ảnh gần gũi và bền vững - không chỉ là người thực thi pháp luật, mà là người bạn, người thân trong cuộc sống hàng ngày. Khi phố lên đèn, khi ngã tư bớt ồn ào, khi trái tim được cứu sống, khi một cụ già không còn sợ ngõ tối… thì người chiến sĩ lại lặng lẽ rút lui, như thể tất cả đều là điều tất nhiên. Nhưng chính sự “tất nhiên” ấy - lại là điều phi thường.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội miệt mài thực hiện nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông dưới thời tiết nắng nóng
Trong từng hành động thầm lặng, người chiến sĩ Công an nhân dân đang xây dựng một niềm tin lớn lao không phải bằng sức mạnh luật pháp, mà bằng lòng tận tụy, sự hiện diện đúng lúc, bằng trái tim biết lắng nghe và sẻ chia. Niềm tin không phải từ những điều to tát. Nó bắt đầu từ một góc phố xanh, từ một nụ cười chân thật, từ một cái gật đầu lặng lẽ. Và từ đó, niềm tin lan rộng - như ánh nắng sớm mai chiếu lên mặt hồ, âm thầm mà kiên định, dung dị mà ấm áp vô cùng. Họ không cần được gọi là người hùng. Bởi chính họ hiểu rằng, người hùng đẹp nhất là người lặng thầm gìn giữ từng phút giây bình yên cho nhân dân - bắt đầu từ những điều giản dị nhất trong cuộc sống.
Tinh thần hết lòng vì nhân dân phục vụ
“Trên mỗi chặng hành trình, người dân cảm thấy yên tâm vì lúc khó khăn luôn luôn có những người chiến sĩ giao thông đồng hành giúp đỡ. Một hành động rất nhỏ thôi như: khi không biết đường bạn sẽ hỏi Cảnh sát giao thông để được chỉ dẫn. Khi phương tiện của bạn gặp sự cố, sẽ luôn có những chiến sĩ Cảnh sát giao thông hỗ trợ giúp đỡ, đưa thai phụ đi cấp cứu khi tắc đường, tìm lại gia đình người thân cho những trẻ em lạc đường, trấn an tâm lý đối với người lái xe khi xảy ra tai nạn giao thông trên đường... từ những việc làm dù nhỏ nhưng vô cùng ấm áp đó đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng quần chúng nhân dân. Mỗi việc làm, hành động của lực lượng giao thông vừa thể hiện trách nhiệm với công việc đồng thời cũng là tinh thần hết lòng vì nhân dân phục vụ”.
Thiếu tá Phạm Văn Luyến (Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 9, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội)
(Còn nữa)