Không để những phát ngôn lệch lạc, xuyên tạc chính sách xóa nhà tạm dột nát
Xuyên tạc chính sách xóa nhà tạm không phải 'nói vu vơ' mà là gieo độc lên lòng tin xã hội. Những phát ngôn lệch chuẩn cần bị xử lý nghiêm.
Mời làm việc nhiều đối tượng
Thời gian qua, dù các cơ quan chức năng liên tục vào cuộc xử lý những hành vi phát tán tin giả, tung tin sai sự thật trên mạng xã hội, tình trạng này vẫn tiếp diễn phức tạp. Đáng chú ý, không ít cá nhân đã lợi dụng các chương trình chính sách xã hội, trong đó có chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại để đưa ra các phát ngôn thiếu căn cứ, gây nhiễu loạn thông tin và ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của người dân.

H.V.T và L tại cơ quan Công an. (Ảnh: Cao Thiên)
Tại tỉnh Sơn La, vừa qua Công an tỉnh đã mời làm việc hai chủ tài khoản mạng xã hội Facebook gồm anh H.V.T (trú tại huyện Phù Yên) và anh L (trú tại TP. Sơn La), do có hành vi đăng tải, bình luận các nội dung mang tính xuyên tạc, tiêu cực về chính sách hỗ trợ người nghèo, đặc biệt là liên quan đến chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Trước đó, qua công tác rà soát, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Sơn La đã phát hiện hàng loạt bình luận mang nội dung gây hiểu lầm và làm sai lệch bản chất chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Các bình luận này bao gồm: “Người thì không có nhà ở, người thì phải đi thuê nhà để sống mưu sinh... mà toàn đi hỗ trợ tận đâu đâu...”, “Toàn làm màu thôi...”, “Nhà 3 tầng được hộ nghèo, được bò gầy gò cũng là cho, còn hơn nhà khó khăn thì có cái nịt...”
Những phát ngôn mang tính mỉa mai, hoài nghi và quy kết vô căn cứ này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, tạo làn sóng tranh cãi trái chiều, ảnh hưởng đến uy tín và kết quả thực hiện chính sách an sinh của địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đinh Công Bền, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Sơn La cho biết: “Hành vi của anh H.V.T và anh L đã gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức. Các lực lượng chức năng đã tiến hành xác minh, mời làm việc, đồng thời yêu cầu đương sự gỡ bỏ các nội dung vi phạm, đăng bài xin lỗi và cam kết không tái phạm”.
Cũng theo Thượng tá Đinh Công Bền, trong quá trình làm việc tại cơ quan công an, các cá nhân liên quan đã thừa nhận sai phạm, cam kết chấm dứt việc chia sẻ nội dung không đúng sự thật và công khai đính chính trên mạng xã hội.
Hay tại tỉnh Thái Nguyên, ngày 3/5/2025, trang mạng xã hội facebook có tên “Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên – TNGOP” đăng tải bài viết “Thái Nguyên là 1 trong 3 địa phương đầu tiên hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát”. Qua quá trình theo dõi thông tin trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng phát hiện có một số bình luận mang tính chất tiêu cực liên quan đến chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đáng chú ý là tài khoản “Minh Hoan” bình luận: “Nhanh ở đâu không biết chứ ở chỗ t vẫn có nhà bình thường nắng thì không sao, mưa bão rét thì không biết đi đâu được”.
Qua xác minh, chủ tài khoản là ông Mã Văn Hoan (trú tại Bắc Giang, làm việc tại Công ty Than Khánh Hòa), người không sinh sống tại Thái Nguyên đã phát ngôn thiếu căn cứ, gây hiểu lầm nghiêm trọng trong dư luận.
Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng ngày 5/5, ông Hoan thừa nhận bản thân chỉ "bình luận vu vơ" do nhận thức chưa đầy đủ, không nắm được tình hình thực tế tại địa phương.
Sau khi làm việc với các cơ quan chức năng, ông Hoan đã nhận thức được việc mình đăng tải bình luận trên là sai sự thật, ảnh hưởng đến công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và đã đăng tải bình luận xin lỗi các cơ quan, đơn vị, địa phương và toàn thể nhân dân đang triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh trên đúng bài viết.
Có thể bị xử lý hình sự
Hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội mà còn có thể bị xử lý theo nhiều chế tài khác nhau. Cụ thể, Điều 8 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Điều 9 Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần, họ còn phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, chính sách xóa nhà tạm là một trong những chương trình an sinh xã hội thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc, được triển khai nhằm hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, thay vì ghi nhận và ủng hộ, một số người lại chọn cách xuyên tạc, phủ nhận nỗ lực của chính quyền, thậm chí dùng ngôn từ xúc phạm, bôi nhọ khiến dư luận bị dẫn dắt theo chiều hướng tiêu cực.
Vụ việc tại Sơn La, Thái Nguyên là lời cảnh báo rõ ràng đối với mọi công dân khi tham gia không gian mạng. Mạng xã hội không phải là nơi để phát ngôn bừa bãi, đặc biệt là đối với các vấn đề liên quan đến chính sách xã hội, người nghèo, người yếu thế. Việc cố tình bóp méo sự thật, suy diễn thiếu căn cứ không chỉ làm mất lòng tin của người dân vào chính quyền mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai các chương trình nhân văn của Nhà nước.
Điều 8 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Điều 9 Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần, họ còn phải bồi thường theo quy định của pháp luật.