Siêu hạ tầng định hình, bất động sản Việt Nam hấp dẫn sóng đầu tư

Loạt siêu dự án hạ tầng dần thành hình, chính sách ngày càng thông thoáng, dòng vốn FDI chảy mạnh củng cố niềm tin, tạo lực đẩy cho nhiều thị trường, đặc biệt là bất động sản.

Thị trường bất động sản đang cho thấy những tín hiệu tích cực đáng kể, trở thành điểm sáng trong bức tranh đầu tư khu vực vốn đang chịu nhiều tác động từ bất ổn kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị. Nỗ lực cải thiện chính sách và đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng được xem là chìa khóa then chốt, tạo sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Chính sách cởi mở, hạ tầng trải lối, ngoại lực tìm về

Năm 2025 đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của hạ tầng cơ sở tại Việt Nam với loạt dự án trọng điểm quốc gia đang được đẩy nhanh tiến độ. Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, việc mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Vành đai 3 TP.HCM không chỉ hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với đó, siêu dự án sân bay quốc tế Long Thành với kỳ vọng trở thành trung tâm hàng không chiến lược Đông Nam Á vào năm 2026 đang bám sát kế hoạch.

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, đánh giá Việt Nam đang nỗ lực duy trì vị thế cân bằng trong bối cảnh địa chính trị phức tạp. Nền kinh tế trong nước được kỳ vọng sẽ được thúc đẩy nhờ việc cải thiện chính sách và dòng vốn đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng.

 Động lực từ hạ tầng và dòng vốn FDI đang tác động mạnh mẽ lên thị trường bất động sản. Ảnh: Vũ Hội

Động lực từ hạ tầng và dòng vốn FDI đang tác động mạnh mẽ lên thị trường bất động sản. Ảnh: Vũ Hội

Thực tế, tín hiệu tích cực từ hạ tầng đã củng cố niềm tin của khối ngoại. Số liệu mới nhất cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 13,82 tỉ USD, tăng mạnh gần 40% so với cùng kỳ năm 2024. Vốn FDI thực hiện cũng đạt hơn 6,7 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Riêng Hà Nội cũng tiếp tục là điểm sáng khi thu hút gần 1,5 tỉ USD vốn FDI trong 4 tháng đầu năm, tăng 31% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo đầu tư quý I-2025 khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APIQ) của Savills, dù tâm lý nhà đầu tư trong khu vực còn thận trọng khiến khối lượng đầu tư toàn APAC giảm 33% so với cùng kỳ, xuống hơn 24 tỉ USD, mức thấp nhất hơn một thập kỷ. Thế nhưng, Việt Nam cùng Nhật Bản, Ấn Độ và Malaysia vẫn ghi nhận sự cải thiện về hoạt động đầu tư. Nhu cầu đầu tư bất động sản công nghiệp và logistics tại Việt Nam vẫn duy trì ổn định.

Ông Simon Smith, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Savills, cho rằng chính sách thuế quan mới của Mỹ nhiều khả năng sẽ đẩy nhanh việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các khu vực có mức thuế thấp hơn, từ đó thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản công nghiệp và logistics tại các thị trường như Việt Nam.

Theo ông Simon, do sự biến động địa chính trị và kinh tế đang diễn ra, các nhà đầu tư và khách thuê có thể sẽ tiếp tục thận trọng trong thời gian tới. Tác động đối với thị trường bất động sản trong khu vực sẽ trở nên rõ ràng hơn trong các quý tiếp theo dựa trên các kết quả đàm phán và khả năng thay đổi chính sách thuế quan của Mỹ.

Đầu tư lan tỏa, bất động sản đa dạng gam màu

Động lực từ hạ tầng và dòng vốn FDI đang tác động mạnh mẽ lên thị trường bất động sản. Tại phía Nam, Long An nổi lên như một điểm sáng với loạt dự án bất động sản quy mô lớn như khu đô thị nghỉ dưỡng Eco Retreat Long An (220 ha) của Ecopark hay dự án Vinhomes Green City (hơn 1 tỉ USD) của Vingroup, mở rộng không gian phát triển về phía Tây TP.HCM.

Phân khúc bất động sản căn hộ dịch vụ cũng hưởng lợi lớn từ FDI. Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, quý I-2025, công suất lấp đầy trung bình toàn thị trường căn hộ dịch vụ Hà Nội đạt 86%, tăng 4 điểm % theo năm. Giá thuê trung bình ổn định ở mức 610.000 đồng/m² (đã bao gồm phí dịch vụ và VAT).

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, thị trường Hà Nội tiếp tục ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự phát triển của các khu công nghiệp và dòng vốn FDI dồi dào. Dự kiến từ năm 2025, sẽ có thêm 18 dự án mới cung cấp khoảng 4.133 căn hộ dịch vụ, với 83% nguồn cung được quản lý bởi các thương hiệu quốc tế danh tiếng, hứa hẹn nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ.

Phân khúc bất động sản văn phòng cũng duy trì tỉ lệ lấp đầy cao và giá thuê ổn định. Đáng chú ý là xu hướng khách thuê dịch chuyển ra ngoài trung tâm và ưu tiên các tòa nhà hạng A chất lượng cao, có chứng nhận xanh.

 Sự đầu tư bài bản vào hạ tầng và chính sách ngày càng thông thoáng, Việt Nam đang tạo ra một môi trường hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư. Ảnh: QH

Sự đầu tư bài bản vào hạ tầng và chính sách ngày càng thông thoáng, Việt Nam đang tạo ra một môi trường hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư. Ảnh: QH

Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ với khoảng 7,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục cạnh tranh vị trí dẫn đầu về lượng khách.

Lĩnh vực công nghiệp duy trì sức hút với các dự án mới như Khu công nghiệp Nam Tràng Cát (Hải Phòng) 200 ha. Mảng bán lẻ cũng sôi động với việc Aeon Việt Nam mua lại và đổi tên Trung tâm thương mại Aeon Hải Dương (vốn đầu tư khoảng 46 triệu USD). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2025 cũng ghi nhận tăng 9,9% so với cùng kỳ, cho thấy sức mua nội địa đang hồi phục tốt.

Nhìn chung, với sự đầu tư bài bản vào hạ tầng và chính sách ngày càng thông thoáng, Việt Nam đang tạo ra một môi trường hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư, hứa hẹn một giai đoạn phát triển mới đầy triển vọng cho nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản.

MINH LONG - PHƯƠNG LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/sieu-ha-tang-dinh-hinh-bat-dong-san-viet-nam-hap-dan-song-dau-tu-post851018.html
Zalo