Chuyển đổi số toàn diện - chìa khóa tăng tốc trong thập kỷ số
Chuyển đổi số đang định hình lại cách thức vận hành của các nền kinh tế hiện đại, không chỉ mở ra cơ hội gia tăng năng suất, đổi mới mô hình kinh doanh mà còn là động lực quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tại Việt Nam, chuyển đổi số không còn là định hướng chiến lược trên giấy, mà đang từng bước thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống - kinh tế - xã hội, tạo ra chuyển biến rõ nét nhưng đồng thời cũng đặt ra những bài toán lớn cần lời giải mang tính toàn diện và dài hạn.

Những công nghệ mới đang mở ra nhiều cơ hội phát triển đột phá cho doanh nghiệp
Cơ hội bứt phá đã rõ
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số Việt Nam năm 2023 tăng trưởng 19%, chiếm 16,5% GDP. Con số này ước đạt 18,3% năm 2024 và dự kiến vượt mốc 20% vào năm 2025 - mức tăng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và gấp ba lần tốc độ tăng GDP trung bình. Trong đó, thương mại điện tử nổi lên như một điển hình tiêu biểu, với giá trị giao dịch năm 2024 vượt mốc 25 tỷ USD và kỳ vọng đạt trên 31 tỷ USD vào năm 2025, khi hơn 60% dân số tham gia mua sắm trực tuyến.
Các nền tảng như Shopee, Lazada, TikTok Shop đã thay đổi thói quen tiêu dùng, mở rộng “biên giới số” cho thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực, tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam (16,5%) vẫn thấp hơn Malaysia (23,1%) và Singapore (17,3%). Điều này cho thấy, bên cạnh tốc độ tăng trưởng, Việt Nam cần tập trung vào chiều sâu và chất lượng chuyển đổi.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn của doanh nghiệp. Khảo sát của HSBC cho thấy 60% doanh nghiệp Việt đang tích cực đầu tư vào các giải pháp công nghệ số, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng dữ liệu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn NTT Việt Nam nhận định: “Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu quy trình, giảm chi phí và tăng khả năng thích nghi. Doanh nghiệp không chuyển đổi sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”.
Tại CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, chuyển đổi số không chỉ là công cụ vận hành mà đã trở thành nền tảng phát triển chiến lược. Doanh nghiệp này đã ứng dụng hệ thống sản xuất thông minh tiệm cận công nghệ 4.0, với robot, AI và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong toàn bộ dây chuyền. Các công đoạn phức tạp, độc hại như hàn, dập, sơn tĩnh điện... đã được robot đảm nhiệm, giúp giảm thiểu tai nạn lao động.
Nhờ áp dụng mô hình nhà máy thông minh, Rạng Đông giảm tới 30% giá trị hàng tồn kho, tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng chi phí lãi vay mỗi tháng và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe từ thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Từ động lực đến thách thức thực thi
Chuyển đổi số đang tạo ra sự chuyển dịch lớn trong cấu trúc thị trường lao động. Theo Ngân hàng Thế giới, số việc làm mới do số hóa tạo ra có thể gấp 7 lần số việc làm mất đi, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, bán dẫn, AI. Dự báo đến năm 2045, Việt Nam sẽ có thêm 10 triệu việc làm nhờ chuyển đổi số.
Tuy nhiên, chất lượng nhân lực đang là điểm nghẽn. Đến cuối năm 2024, chỉ 28,3% lao động có bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo chính quy. Hơn 38 triệu người trong lực lượng lao động chưa được đào tạo bài bản. Việt Nam đang ở “thời kỳ dân số vàng”, nhưng nếu không có chiến lược đào tạo kỹ năng số đồng bộ và thực chất, lợi thế này sẽ khó phát huy.
Chuyên gia Jacques Morisset - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam từng cảnh báo:
“Nếu tận dụng tốt cơ hội số hóa, Việt Nam có thể trở thành điểm sáng về việc làm bền vững trong khu vực. Nhưng điều kiện tiên quyết là người lao động phải được trang bị kỹ năng số thực chất, không chỉ lý thuyết”.
Không chỉ thiếu nhân lực, Việt Nam cũng đối mặt với thách thức hạ tầng. Hiện mới khoảng 82% hộ gia đình có kết nối internet cáp quang, trong khi tỷ lệ phủ sóng 5G chỉ đạt 45%, trạm BTS 5G mới bằng 10% so với trạm 4G. Hạ tầng chưa đồng đều đang tạo nên “khoảng trống số” giữa thành thị và nông thôn.
Một điểm sáng đáng chú ý là việc Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ Đề án 06 - chương trình trọng tâm về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, đến 30/6/2025, 100% cán bộ, công chức xử lý công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số; dữ liệu hộ tịch, đất đai, dân cư sẽ được số hóa hoàn toàn trong quý II/2025.

Mô hình ứng dụng robot trong sản xuất
Cần chiến lược toàn diện, đồng bộ
Theo các chuyên gia, muốn chuyển đổi số thành công, cần tư duy “toàn diện và toàn trình”. Không thể chỉ số hóa vài thủ tục hành chính hay triển khai công nghệ một cách cục bộ. Chuyển đổi số cần bắt đầu từ tư duy lãnh đạo, cải cách thể chế, phát triển hạ tầng, xây dựng chính sách nhân sự và hoàn thiện các quy trình nội bộ.
TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế chia sẻ nhận định: “Chuyển đổi số không thể dừng ở ‘số hóa’ thao tác, mà phải là cuộc cách mạng về mô hình quản trị, cấu trúc tổ chức, văn hóa và chuỗi giá trị. Phải đồng bộ mới có thể bền vững”.
Từ góc độ chính sách, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả chuyển đổi số ở từng cấp độ - từ địa phương, ngành đến doanh nghiệp, để kịp thời điều chỉnh, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời, phát động phong trào thi đua toàn quốc về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, tạo ra “tinh thần số” lan tỏa trong từng người dân, từng cộng đồng.
Chuyển đổi số không chỉ là một lựa chọn phát triển, mà là đòi hỏi bắt buộc nếu Việt Nam muốn bứt phá trong kỷ nguyên mới. Với quyết tâm chính trị cao, chiến lược bài bản, sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ - doanh nghiệp - người dân, cùng thể chế pháp lý hoàn chỉnh, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành trung tâm kinh tế số năng động hàng đầu khu vực trong thập kỷ tới.