'Cách mạng': 'Nước Pháp như chúng ta mong ước'
Cách mạng của tác giả Emmanuel Macron đã bán được gần 200.000 bản và là một trong những quyển sách bán chạy nhất nước Pháp trong năm 2016.
Không phải ngẫu nhiên mà bản quyền dịch thuật cuốn sách này bán được cho hơn 20 quốc gia, một con số chưa từng có đối với một chính trị gia người Pháp. Chúng tôi xin lược trích một phần tác phẩm của vị tổng thống thứ 25 và cũng là tổng thống trẻ nhất của nước Pháp từ trước đến nay, nhân dịp Tổng thống Emmanuel Macron và phu nhân thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25 đến 27.5.2025.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân
Bên cạnh những kẻ thù mà ta có thể gọi tên, còn có một kẻ thù nguy hiểm hơn nhiều. Đó là sự buông xuôi. Hậu quả mà kẻ thù của chúng ta đem lại không thấm gì so với hậu quả do sức ì của chính bản thân chúng ta gây ra.
Cách mạng: ‘Nước Pháp như chúng ta mong ước’
Nghịch lý của nước Pháp
Chúng ta đang phải đồng hành với sáu triệu người thất nghiệp, với tất cả các ngành công nghiệp không có tương lai, với các phương thức tổ chức hành chính lỗi thời, các cơ quan nhỏ lẻ không giải quyết được vấn đề và còn hàng ngàn tình huống xin trợ cấp một cách không minh bạch nữa.
Chúng ta đã quen với một nền giáo dục quốc gia lỗi thời, một quy hoạch lãnh thổ không hợp lý, một hệ thống pháp luật và quy định từ thế kỷ XIX, theo đó, các nguyên tắc cơ bản không được coi trọng bằng sự nhàn rỗi về trí tuệ của những người biết khéo léo sử dụng nó.
Chúng ta đang chấp nhận một nền hành chính công không hiệu quả. Hoàn cảnh này không chỉ làm người dân bất bình. Nó cũng gây thất vọng cho tất cả những ai có thiên hướng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công, một trong những công việc được đánh giá cao nhất. Đó là những người tham gia vào lĩnh vực hành chính công không phải vì đam mê địa vị, mà là để có cơ hội thực hiện công cuộc xây dựng đất nước tùy theo vị trí công tác của mình. Tuy nhiên, hằng ngày, thiên hướng của họ, năng lượng của họ, sự tận tụy của họ lại phải đối mặt với sự nhụt chí và lười biếng suy nghĩ.
Tôi tin chắc rằng một ngày nào đó điều này sẽ phải chấm dứt. Chúng ta không thể khoan nhượng với chủ nghĩa cực đoan bằng những lời hứa không có cơ sở và không bao giờ thực hiện được. Những biện pháp đó chỉ dẫn đến một tổ chức xã hội lý tưởng đã lỗi thời mà trên thực tế không thể tồn tại. Những kẻ cực đoan đề nghị Pháp phải rời bỏ xu hướng phát triển của thế giới mà không cân nhắc đến tất cả những gì chúng ta có nguy cơ đánh mất, nhưng trên tất cả, họ đã quên rằng đây không phải là phong cách sống của đất nước chúng ta. Chúng ta đang lâm vào tình trạng bế tắc, thụ động chưa từng có và phải chịu những hậu quả đớn đau.

Khi chúng ta muốn thay đổi một điều gì đó, thì ngay lập tức nhiều tiếng nói sẽ cất lên tố cáo chúng ta rẻ rúng mô hình Pháp, mặc dù mô hình này không còn hiệu quả nữa. Chúng ta cố gắng “cải cách” – dân Pháp dường như đã “nhẵn mặt” với thuật ngữ này – mà không cố gắng giải thích ý nghĩa và mục tiêu của cuộc cải cách. Và rồi mọi người đều không hài lòng vì thấy đất nước không phát triển, hoặc chỉ xảy ra những cải cách chậm chạp và không được theo dõi sát sao. Đây chính là nghịch lý của nước Pháp. Hệ thống chính trị của nước ta được sắp xếp để bảo vệ trật tự đang tồn tại. Ngay cả những người tố cáo hệ thống này cũng không thực sự muốn làm đảo lộn mọi thứ.
Chúng ta sống trong một nước Pháp không thể thay đổi, với những nguồn lợi tức được đảm bảo, có luật định, tài chính và trí tuệ. Người dân vừa mong muốn duy trì hệ thống không công bằng này, vừa ghét bỏ và phàn nàn về nó. Do vậy, để kiềm chế phàn nàn, khiếu nại, thì giải pháp duy nhất là tiêu thật nhiều tiền. Trớ trêu làm sao, tiền đó được rút từ nguồn thuế của dân được tính toán không tốt và những món nợ khổng lồ.
Con cái chúng ta phải gánh khoản nợ khó trả được
Từ nhiều thập kỷ nay, các chính trị gia đã không sáng tạo được bất cứ điều gì khác để giải quyết các bế tắc, bất bình đẳng và bất công, trừ việc cứ liên tục tăng chi phí công. Từ hơn 30 năm nay, cánh tả và cánh hữu đã thay thế sự tăng trưởng kinh tế bằng nợ công. Họ đã viện trợ mà không tìm nguồn tài chính, họ dồn nợ lên vai những thế hệ mai sau mà không giải quyết sự mất cân đối lớn về tài chính. Chi tiêu công đã tăng lên đến 170 tỉ euro trong 5 năm của nhiệm kỳ tổng thống trước. Những con số này chắc hẳn khiến chúng ta phải hoa mắt.
Khi thỏa hiệp với điều đó, chúng ta đã phạm một sai lầm chết người, đó là: Sự thiếu can đảm để đối mặt với thực tế của chúng ta đã phá vỡ quy luật của lịch sử, buộc con cái của chúng ta phải gánh vác một khoản nợ khó có thể trả được. Với sự hèn nhát này, tất cả chúng ta đều trở thành những kẻ tội đồ. Một quốc gia không thể phát triển bền vững khi cứ làm theo lối mòn và sự dối trá. Trong vấn đề này, lịch sử luôn để lại những bài học cho chúng ta.
Tôi thường nghĩ về những gì nền Cộng hòa Venice đã phải trải qua vào năm 1453 khi đế chế Constantinople sụp đổ trong tay của người Thổ. Từ năm 1204 và sau cuộc thập tự chinh thứ tư, Venice đã tự thiết lập một sức mạnh hàng hải và thương mại, tham gia tích cực vào con đường tơ lụa. Ngoài những con đường đưa hàng hóa đến các hội chợ lớn ở Champagne và Flanders, Venice đã hoàn toàn vượt xa lãnh thổ vùng đất tổ tiên của mình. Nhưng rồi sự sụp đổ của Constantinople đã kéo theo sự đổ vỡ của mô hình này. Con đường tơ lụa cổ điển trở nên kém an toàn và tốn kém hơn.

Rồi máy in được phát minh. Thế giới dường như bừng tỉnh. Tương lai của Venice trở nên lung lay, gây nên nhiều mối nghi ngờ. Sau đó, Venice quyết định thay đổi mọi thứ, để chuyển sang Terra Ferma, đại lục, vùng đất tổ tiên vốn bị lãng quên bấy lâu. Venice phát triển một trục mới với các thành phố Gênes, Barcelone và Séville.
Năm 1492, một người dân thành phố Gênes phục vụ cho vương quốc Tây Ban Nha đã khám phá ra lục địa Mỹ. Vào năm 1498, Vasco de Gama, một người Bồ Đào Nha đến Calicut, để chứng minh rằng có thể đến Ấn Độ bằng đường biển. Con đường tơ lụa trên bộ đã chết, đường biển chiếm ưu thế, Venice thông tuệ và sẵn sàng thích ứng. Phương Tây thay thế phương Đông, đất đai thay thế biển, nơi đi qua trở thành mảnh đất để sinh sống, đường giao thương thay đổi, nông nghiệp phát triển, kênh tưới tiêu phát triển và những tài năng mới tái tạo lại một Venice hoàn toàn mới. Phải kể đến tên Palladio, Véronèse, Giorgione, họ là những thiên tài của kỷ nguyên mới. Venice sẽ vẫn mạnh mẽ với một tâm hồn phóng khoáng không bao giờ biến mất.
Trải qua những đổi thay, Venice không bao giờ từ bỏ qua những gì đã làm nên trí tuệ và sức mạnh của mình. Người ta cho rằng chính trí tuệ và sức mạnh đó đã tiếp cho Venice nguồn năng lượng cần thiết để chuyển mình. Đất nước chúng ta cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Chúng ta có thể cùng nhau đương đầu với thách thức ngày nay bằng cách nối lại truyền thống lịch sử ngàn năm hào hùng. Lịch sử đã ghi nhận công cuộc tách Giáo hội ra khỏi Nhà nước của chúng ta, hay sự ra đời của kỷ nguyên Khai sáng, khám phá các lục địa, vươn ra toàn cầu, tạo ra một nền văn hóa rực rỡ chưa từng có và xây dựng một nền kinh tế vững mạnh.

Để làm được điều đó cần phải có năng lượng. Nguồn năng lượng này luôn tồn tại, nó tiềm ẩn và bắt rễ từ xa xưa. Trách nhiệm của Nhà nước là phải khơi dậy nguồn năng lượng ấy. Ngày nay, nạn nhân của việc lựa chọn và suy nghĩ thiếu sáng suốt của đất nước ta chính là những người trẻ, là những người ít được đào tạo, là những người Pháp có gốc gác nước ngoài, những người lao động tạm thời hoặc ký hợp đồng ngắn hạn, những người không có nhà cửa ổn định, hoặc bị mắc kẹt trong những khu nhà ổ chuột tồi tàn, thậm chí những gia đình hằng tháng phải vất vả xoay xở với những khoản nợ và không đủ sống, tất nhiên là cả những người bị phân biệt đối xử nữa. Nếu không có sự cải tổ lại hệ thống xã hội, các nạn nhân này sẽ làm tăng nỗi lo lắng cho các tầng lớp trung lưu khi phải chứng kiến cảnh con cái họ gặp khó khăn.
Theo Cách mạng (Révolution) của Emmanuel Macron