Siết dạy thêm, học thêm: Tự học mới có kiến thức

Hôm qua, 14/2, Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm thay thế Thông tư số 17 (năm 2012) của Bộ GD&ĐT có hiệu lực. Những quy định mới của Thông tư 29 đã tác động rất lớn đến nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh.

Nhiều xáo động

So với Thông tư 17, Thông tư 29 có một số điểm mới như không cho phép giáo viên dạy thêm ngoài trường chính học sinh đang theo học trên lớp chính khóa; các trường công lập không tổ chức dạy thêm có thu tiền trong trường. Giáo viên muốn dạy thêm ngoài trường phải đăng kí.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ 14/2, các trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh/thành phố dừng các lớp học bổ trợ (có thu tiền) trong trường. Anh Nguyễn Văn Hưng, quận Tây Hồ, có con đang học lớp 6, cho biết, gia đình nhận được thông báo từ 14/2, học sinh không ăn bán trú, nghỉ buổi chiều. Đây là tình huống bất ngờ và gia đình anh Hưng chưa có sự chuẩn bị. Con anh ăn bán trú và học cả ngày ở trường từ mầm non cho tới nay. Với quy định mới, anh chị phải dạy con kĩ năng khi ở nhà một mình và chuẩn bị bữa trưa cho con trước khi đi làm.

Một phụ huynh có con học THCS tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ, nhà trường dừng các tiết học bổ trợ nên một tuần, học sinh tan học lúc 15h30 hằng ngày và có thêm 1 ngày được nghỉ buổi chiều. Phụ huynh mong mỏi, nhà trường được dạy các môn thể thao trong khoảng thời gian 15h30-17h00 hằng ngày. Tuy nhiên, một số phụ huynh nhà ở xa trường lại ủng hộ tan học sớm vì con có thời gian đi xe bus về không bị tắc đường.

Thí sinh thi lớp 10 tại Hà Nội Ảnh: NHƯ Ý

Thí sinh thi lớp 10 tại Hà Nội Ảnh: NHƯ Ý

Chị Hồ Thị Ngọc, ở Long Biên, Hà Nội, hồ hởi khi nhận được tin dừng các lớp học thêm. Chị Ngọc có hai con đang học tiểu học và THCS, chị thấm thía chuyện tự nguyện học thêm. Bởi không tự nguyện không được. “Các cô dạy trước kiến thức, dạy những kiến thức không có trong chương trình học và ra bài kiểm tra. Không những thế, cô còn quán triệt lên lớp không được chia sẻ học gì với những bạn không đi học”, chị Ngọc nói. Chính vì vậy, từ ngày 14/2, chị và các con sẽ không còn phải lo kiến thức trong - ngoài chương trình, không phải tất tả đến các lớp học thêm của cô giáo chủ nhiệm.

Thực tế, nhiều giáo viên không thuộc biên chế một trường nào nhưng vẫn rất đông học sinh theo học. Đây là những giáo viên được phụ huynh “rỉ tai” tầm sư học đạo cho con. Thầy Phan Phú, giáo viên dạy tiếng Anh ở khu vực Thanh Trì, khẳng định đang làm thủ tục đăng kí dạy thêm ngoài trường. Thầy Phú là giáo viên tự do nhưng có rất đông học sinh theo học từ lớp 6 đến lớp 12. Phụ huynh tìm đến thầy vì thấy cần thiết.

Ở góc độ giáo viên, nhiều nhà giáo cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều yêu cầu phát triển năng lực học sinh so với chương trình giáo dục 2006. Nhiều khi dạy trong 1 tiết học không thể hết được các nội dung yêu cầu. Một giáo viên Ngữ văn tại Nam Định ví dụ, trong 1 tiết dạy môn Ngữ văn lớp 7 của bộ sách Cánh diều yêu cầu đủ 4 bước: chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý, nói và nghe, kiểm tra và chỉnh sửa. Những hoạt động này mất không ít thời gian mà giáo viên, học sinh chỉ có 45 phút. Nhiều giáo án lại tăng cường cả luyện tập và vận dụng. Với thời gian 1 tiết, giáo viên đảm bảo được 3 hoạt động đã khó chứ chưa nói đến 4-5 hoạt động như chương trình đưa ra.

Học sinh bậc THPT cũng đang quá tải bởi các bài thuyết trình, làm việc nhóm vì chương trình mới. N.D.Đ - học sinh THPT tại Hà Nội chia sẻ, ngoài việc học lí thuyết trên lớp, làm bài tập về nhà, gần như tuần nào em cũng có bài tập thuyết trình, làm việc theo nhóm. Và khi làm việc theo nhóm sẽ chỉ có một vài bạn “gánh team”. Việc bị giao nhiều bài tập thuyết trình khiến em và các bạn khá mệt, căng thẳng dù ở THCS đã được làm quen.

“Chỉ khi học sinh tự có kiến thức mới tư duy được bài làm. Với chương trình giáo dục 2018 có rất nhiều cách trả lời vừa là lựa chọn phương án đúng nhất, đúng/sai... thí sinh phải có cách học mới làm được. Học sinh phải xác định tự học thì mới có kiến thức. Với THPT Việt Đức khi triển khai Thông tư 29 không có khó khăn”.

TS. Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội

Áp lực mang tên “trường công”

Một trong những sức ép lên giáo dục, đó chính là tình trạng chạy đua vào trường chuyên lớp chọn, trường chất lượng cao và trường THPT công lập ở các thành phố lớn, các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Những năm qua, quy mô học sinh THCS của Hà Nội không ngừng tăng, nhưng số lượng trường THPT tăng không đáng kể. Cùng với chủ trương phân luồng sau THCS, tỉ lệ học sinh có cơ hội vào học trường THPT công lập ngày càng giảm, từ 60-70%. Năm qua, tỉ lệ này chỉ còn khoảng trên 50%, đặc biệt ở các quận nội thành.

Hà Đông là quận có số lượng trường THCS nhiều nhất thành phố Hà Nội, nhưng số lượng trường THPT lại chỉ tương đương với các quận khác nên sức ép lên phụ huynh có con sắp vào THPT rất lớn.

Cuộc chiến vào trường chuyên cũng tốn nhiều công sức, thời gian, tài chính của phụ huynh và học sinh. Tại Hà Nội, ngoài các trường THPT chuyên trực thuộc Sở GD&ĐT còn có hệ thống trường chuyên trực thuộc các trường ĐH. Mỗi trường này lại có một đề thi tuyển sinh lớp 10 riêng. Chính vì vậy, muốn con trúng tuyển, phụ huynh sẽ phải tìm các lớp luyện thi phù hợp. Trên các hội nhóm phụ huynh, không khó để có thể gặp nhiều người đau đáu tìm lớp luyện thi vào trường chuyên cho con từ lớp 6. Còn học sinh tiểu học, phụ huynh tìm lớp luyện thi vào trường chất lượng cao từ lớp 1 lớp 2.

TS. Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội, chia sẻ, từ năm 2018 nhà trường không thu tiền học sinh lớp 12 ôn luyện thi tốt nghiệp THPT. Trường chi trả công cho giáo viên theo kế hoạch chi tiêu nội bộ. Tại trường có lớp học tên “tình thương” - là lớp học của những học sinh có bài kiểm tra chưa đạt yêu cầu sẽ xét vào, nhà trường bố trí giáo viên dạy theo chuyên đề nên hiệu quả cao trong ôn thi tốt nghiệp. Giáo viên dạy thêm bên ngoài, nhà trường rất khó quản lí mà chỉ được báo cáo. Khi có Thông tư 29, Ban giám hiệu đã nhắc giáo viên phải thực hiện nghiêm túc.

TS. Quỳnh nhắn nhủ phụ huynh đừng sợ không đi học thêm ở nhà các con chơi điện tử. Bởi lẽ, nếu cho học sinh tới lớp học thêm mà không chịu học thì cũng không đạt hiệu quả như mong muốn. Học sinh đi học phải có kiến thức và phải giải quyết được bài tập chứ không tham gia quá nhiều lớp học thêm, về nhà trong tình trạng quá tải.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/siet-day-them-hoc-them-tu-hoc-moi-co-kien-thuc-post1717216.tpo
Zalo