Siết chặt việc dạy thêm học thêm
Việc học thêm quá nhiều đang bào mòn sức khỏe của học sinh, khiến kinh tế của phụ huynh khó khăn, nhiều gia đình bố mẹ mâu thuẫn vì ép con học quá nhiều đang gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Dạy thêm đang là nguồn thu nhập cao cho giáo viên, vì thế có tình trạng 'dạy chui' khi bị cơ quan chức năng siết chặt.
Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Thuận cho biết: khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, hiệu trưởng nhà trường phải có trách nhiệm theo dõi, quản lý giáo viên của mình chặt chẽ, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cấm dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường từ trước Thông tư 29, chính vì thế hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường thời gian qua được tổ chức, quản lý đi vào nền nếp. Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời thay thế Thông tư 17 năm 2012, góp phần đưa hoạt động dạy thêm, học thêm cả trong và ngoài nhà trường đi vào nền nếp, góp phần hạn chế bớt tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, lãng phí nguồn lực xã hội và gây bức xúc dư luận. Trong thời gian tới, các trường không có học thêm, dạy thêm, thay vào đó sau giờ học trong trường, học sinh có thời gian tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc. Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29), việc dạy thêm, học thêm được quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể, đối với bậc tiểu học, việc dạy thêm, học thêm bị nghiêm cấm, ngoại trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, hoặc rèn luyện kỹ năng sống. Đặc biệt, không được tổ chức dạy thêm cho những học sinh đã tham gia chương trình học 2 buổi/ngày tại trường. Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, việc dạy thêm trong nhà trường không được thu phí và chỉ áp dụng cho ba nhóm đối tượng. Học sinh có kết quả học tập chưa đạt yêu cầu ở môn học cụ thể. Học sinh được chọn để bồi dưỡng cho các kỳ thi học sinh giỏi. Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh hoặc thi tốt nghiệp theo kế hoạch của nhà trường. Việc dạy thêm, học thêm được quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh.
Đối với việc dạy thêm ngoài nhà trường, các tổ chức và cá nhân phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, bao gồm việc đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động và cung cấp thông tin liên quan cho chính quyền địa phương. Đặc biệt, giáo viên đang giảng dạy tại các trường học không được phép dạy thêm có thu phí cho chính học sinh của mình ngoài giờ học chính khóa. Việc ban hành và thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh, ngăn chặn tình trạng giáo viên ép buộc hoặc lôi kéo học sinh tham gia các lớp học thêm không cần thiết. Đồng thời, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng và nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Những quy định này cũng phản ánh nỗ lực của ngành giáo dục trong việc quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm, đảm bảo rằng việc học thêm chỉ diễn ra khi thực sự cần thiết và hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh. Việc thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần xây dựng niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục, đảm bảo rằng mọi học sinh đều được hưởng một môi trường học tập công bằng và hiệu quả.
Thực tế trên cho thấy, trọng tâm của giải pháp không phải chỉ nằm ở việc kiểm soát dạy thêm mà cần thay đổi cách thiết kế hệ thống giáo dục để giảm thiểu áp lực này, trách nhiệm này thuộc ngành giáo dục cấp trung ương và địa phương. Trong đó cần tập trung cải cách các kỳ thi, chuyển đổi cách đánh giá học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục trong trường học. Để thay đổi, ngoài việc phải mở rộng quy mô, số lượng trường THPT công lập và tư thục còn cần xây dựng một hệ thống đánh giá toàn diện hơn, không chỉ dựa vào các bài kiểm tra kiến thức mà còn đánh giá kỹ năng mềm, khả năng tư duy và thành tích trong các hoạt động thực tế.