Sản xuất xanh đảm bảo lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp

Sản xuất xanh là con đường bắt buộc của doanh nghiệp Việt Nam nhằm đáp ứng với yêu cầu mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới; đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.

Yêu cầu cấp thiết

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, yêu cầu về sản xuất xanh, tiêu dùng xanh trở thành cấp thiết và trở thành tính pháp lý đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang chuyển đổi sang sản xuất xanh. Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang chuyển đổi sang sản xuất xanh. Ảnh minh họa

Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, xu hướng sản xuất xanh còn được các quốc gia trên thế giới hưởng ứng và thực hiện một cách nghiêm túc. Việc này nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn ngay từ khâu nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra và cả sau khi tiêu thụ thì việc thu hồi, tái chế lại đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường cũng cần được tính đến.

Vì vậy, để tăng trưởng và phát triển, đặc biệt là với một quốc gia lấy xuất nhập khẩu làm động lực phát triển như Việt Nam thì rõ ràng việc các doanh nghiệp Việt Nam hướng đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh là một đòi hỏi bắt buộc.

Đặc biệt, những năm 2021 – 2022, khi nhiều quốc gia trên thế giới yêu cầu các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh thì việc xuất khẩu sang thị trường các nước đó được nâng lên một cấp mới. Điều này đồng nghĩa, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu được thì buộc phải đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu đó.

“Kinh tế xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh đã trở thành một thực tiễn, chứ không còn là trào lưu đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nó là đòi hỏi, là yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, có đến 98% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu đòi hỏi họ phải thay đổi công nghệ, để có thể sản xuất xanh được thì họ gần như không có khả năng, bởi năng lực tài chính của họ là yếu và thiếu.

Sản xuất giày da xuất khẩu. Ảnh: Việt Dũng

Sản xuất giày da xuất khẩu. Ảnh: Việt Dũng

Do đó, vấn đề quan trọng đối với các cơ quan chức năng là sớm đưa ra các tiêu chuẩn định mức sản xuất xanh đối với từng mặt hàng, từng sản phẩm. Những doanh nghiệp nào tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo dưới mức chuẩn nên coi đó là sản xuất xanh.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng xem xét việc xả thải CO2 mức thải trung bình cho 1 sản phẩm ở 1 ngành hàng là bao nhiêu, nếu như những doanh nghiệp nào tiết kiệm được dưới mức đó thì cũng nên coi là sản xuất xanh. Khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hướng đến sản xuất xanh nhiều hơn, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng được nhiều hơn.

Cần thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia đồng quan điểm, Nhà nước cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bằng cơ chế chính sách như miễn giảm thuế, giảm lãi suất tín dụng đối với doanh nghiệp đạt sản phẩm xanh, khi đó, doanh nghiệp sẽ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng sản xuất kinh doanh và trên cơ sở đó việc xanh hóa sẽ được đẩy mạnh hơn.

Để thực hiện các mô hình sản xuất xanh, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, rất cần sự chung tay của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ban hành những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp, tạo các hành lang pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh và bền vững.

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trước hết, Bộ Công Thương cần nắm bắt yêu cầu định mức tiêu chuẩn mà các thị trường trên thế giới đưa ra đối với từng sản phẩm hàng hóa, từ đó khuyến cáo đến các doanh nghiệp để doanh nghiệp có phương án thích ứng.

Bên cạnh đó, thông qua các thương vụ, đại sứ quán, Bộ Công Thương nắm bắt dây chuyền công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất sản phẩm hàng hóa ở từng ngành nghề nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ phù hợp nhất, đảm bảo tiết kiệm được nguyên nhiên vật liệu cũng như thích ứng với yêu cầu của từng thị trường.

Ngoài ra, Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp khi có các rào cản thương mại. Như vậy, nhiệm vụ của Bộ Công Thương mang tính chất đường hướng, theo đó, vừa giải quyết các công việc cụ thể trong hoạt động xuất nhập khẩu tại các thị trường, nhưng đồng thời, cũng là người định hướng cho các doanh nghiệp trong việc sử dụng nguyên nhiên vật liệu, để từ đó có được sản phẩm xanh đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Quách Quang Đông, để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ, ngành cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng với bối cảnh, tình hình mới của thế giới; đồng thời bảo vệ những lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và hạn chế rủi ro.

Hiện nay, với doanh nghiệp vừa và nhỏ, để phát triển theo hướng xanh, bền vững, việc thay đổi, chuyển đổi cũng như nâng cao, cải thiện dây chuyền công nghệ sản xuất là rất cần thiết, song điều này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Do đó, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có những nguồn tài chính mới như tài chính xanh hoặc thị trường carbon nhằm tạo thêm các nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/san-xuat-xanh-dam-bao-loi-ich-lau-dai-cho-doanh-nghiep.html
Zalo