Rộ tin Nga bổ sung tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào kho vũ khí
Theo Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) của Lầu Năm Góc, Nga đang bổ sung tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân vào kho vũ khí của mình.
Tên lửa mới này gợi nhớ đến loại vũ khí được Liên Xô sử dụng trong thời Chiến tranh Lạnh, với phiên bản mới nhất được thiết kế để sử dụng trên máy bay chiến đấu MiG và Sukhoi của Nga.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang ở mức cao nhất kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào đầu năm 2022.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu. Ảnh: Reuters
Tạp chí quân sự trực tuyến The War Zone lưu ý rằng, dù tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân từng là một phần trong kho vũ khí của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, thì đến nay, vẫn có rất ít thông tin được công khai về tình trạng hiện tại của chúng trong biên chế Lực lượng Không gian - Vũ trụ Nga (VKS). Điều này khiến các tiết lộ tình báo gần đây từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) càng thu hút sự chú ý.
Ông Hans Kristensen, Giám đốc Dự án thông tin hạt nhân tại tổ chức nghiên cứu Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), cho biết trên mạng xã hội X rằng rằng từ lâu ông đã nghe đồn đoán về việc Nga tái triển khai loại vũ khí này. Nhưng kể từ năm 2018, nó gần như biến mất khỏi các tài liệu công khai của Bộ Quốc phòng Nga.
Theo Báo cáo Đánh giá Mối đe dọa Toàn cầu 2025 do DIA công bố hôm 11/5, Moscow đang “mở rộng lực lượng hạt nhân bằng cách bổ sung các năng lực mới”, trong đó bao gồm tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân và các hệ thống vũ khí chiến lược hiện đại.
Vũ khí này, ban đầu được phát triển để tiêu diệt các đội hình máy bay ném bom trong thời kỳ đối đầu Đông–Tây, hiện có thể mang lại lợi thế trong các kịch bản chiến tranh hiện đại, khi các phương thức tiêu diệt mục tiêu từ xa thường được ưu tiên hơn. Theo The War Zone, điều này đặc biệt hữu hiệu trước những mục tiêu khó tấn công như máy bay tàng hình. Ngoài ra, các chuyên gia không loại trừ khả năng những tên lửa này có thể được sử dụng để chống lại máy bay không người lái (UAV) hoặc tên lửa hành trình.
Báo cáo cho biết thêm, Nga hiện duy trì khoảng 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược đã triển khai, cùng với khoảng 2.000 đầu đạn phi chiến lược. Ngoài ra, Moscow đang củng cố sự hiện diện hạt nhân của mình tại Belarus - quốc gia đồng minh sát sườn NATO, bằng cách cải tạo cơ sở lưu trữ, triển khai các hệ thống phóng có khả năng mang vũ khí hạt nhân và đào tạo nhân sự của Belarus trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Những lời đe dọa hạt nhân đã xuất hiện ngày càng dày đặc trong suốt thời gian diễn ra chiến sự, trong đó đáng chú ý là tuyên bố của Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu vào tháng 4/2025. Phát biểu với hãng thông tấn nhà nước Tass, ông Shoigu lặp lại tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga Putin trước đó, rằng Moscow có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân đáp trả “hành động xâm lược, bao gồm bằng vũ khí thông thường, nhằm vào Nga hoặc Belarus”.
Tuy nhiên, DIA đánh giá rằng việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ xung đột với Ukraine là điều “khó xảy ra”.