Tình báo Mỹ cảnh báo Nga khôi phục tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân

Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) vừa công bố báo cáo cho biết Nga đang bổ sung trở lại kho vũ khí của mình loại tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân - một loại vũ khí từng được Liên Xô sử dụng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Theo Newsweek, phiên bản mới nhất của loại vũ khí này được thiết kế để trang bị cho các máy bay chiến đấu MiG và Sukhoi, hai dòng máy bay chủ lực của không quân Nga.

Đây được coi là dấu hiệu cho thấy Moscow đang khôi phục lại một phần năng lực răn đe hạt nhân trên không từng được phát triển trong thời kỳ đối đầu căng thẳng giữa Liên Xô và phương Tây.

Máy bay chiến đấu MiG-31 của không quân Nga - Ảnh: Reuters

Máy bay chiến đấu MiG-31 của không quân Nga - Ảnh: Reuters

Newsweek đã liên hệ với phía Điện Kremlin để xin bình luận về thông tin này, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Ý nghĩa chiến lược

Việc tái triển khai tên lửa hạt nhân không đối không diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự toàn diện vào Ukraine vào tháng 2.2022. Theo nhận định của các chuyên gia, đây là giai đoạn căng thẳng lớn nhất giữa hai bên kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Tạp chí chuyên về quân sự The War Zone nhận định rằng trong khi tên lửa không đối không hạt nhân từng hiện diện trong kho vũ khí của Liên Xô, thông tin hiện nay về tình trạng và mức độ triển khai của loại vũ khí này trong Lực lượng Không gian vũ trụ Nga (VKS) vẫn còn rất hạn chế. Điều này khiến những dữ liệu tình báo do DIA công bố trở nên đặc biệt đáng chú ý.

Ông Hans Kristensen, Giám đốc Dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), chia sẻ trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) rằng ông đã nghe tin đồn về việc Nga tái triển khai loại vũ khí này trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, vũ khí này đã không còn được đề cập trong các ấn phẩm chính thức của Bộ Quốc phòng Nga.

Bản Đánh giá mối đe dọa toàn cầu năm 2025 do DIA công bố ngày 11.5 vừa qua xác nhận rằng Nga đang mở rộng năng lực hạt nhân của mình thông qua việc bổ sung các hệ thống vũ khí mới, trong đó có tên lửa không đối không hạt nhân.

Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, những tên lửa như vậy được thiết kế nhằm chống lại các đội hình máy bay ném bom chiến lược. Mặc dù ngày nay các đội hình này không còn phổ biến, nhưng việc sử dụng đầu đạn hạt nhân có thể giúp tiêu diệt mục tiêu mà không cần tiếp cận phạm vi nổ phân mảnh. Đây là một lợi thế đáng kể khi đối phó với máy bay tàng hình, vốn có thể bị phát hiện nhưng lại rất khó bị khóa mục tiêu bởi radar kích thước nhỏ trên tên lửa trong giai đoạn tấn công cuối cùng.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân cũng có thể được sử dụng để chống lại các đàn máy bay không người lái hoặc các đợt tấn công bằng tên lửa hành trình. Bản đánh giá của DIA cũng cho biết Nga đang duy trì kho vũ khí hạt nhân gồm khoảng 1.550 đầu đạn chiến lược đã triển khai và lên đến 2.000 đầu đạn không chiến lược.

Nga mở rộng hiện diện tại Belarus

Theo DIA, Nga đang mở rộng sự hiện diện hạt nhân của mình sang nước láng giềng và đồng minh Belarus. Điều này bao gồm việc nâng cấp các máy bay tại Belarus để có khả năng mang theo tên lửa và vũ khí hạt nhân, cải tạo các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân, đồng thời huấn luyện các phi hành đoàn Belarus trong công tác vận hành vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Báo cáo của DIA nêu rõ: "Trong suốt xung đột Nga - Ukraine, Moscow đã sử dụng các phát ngôn liên quan đến vũ khí hạt nhân cũng như tổ chức nhiều cuộc tập trận để thể hiện quyết tâm và răn đe sự can dự của phương Tây vào cuộc chiến".

Nga đã nhiều lần gia tăng các cảnh báo liên quan đến vũ khí hạt nhân kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra. Một trong những cảnh báo gần đây nhất được đưa ra bởi ông Sergei Shoigu, người hiện giữ chức thư ký Hội đồng an ninh Nga sau khi rời cương vị bộ trưởng quốc phòng vào năm 2024, sau 12 năm đảm nhiệm.

Phát biểu với hãng tin nhà nước TASS vào tháng 4, ông Shoigu nhấn mạnh rằng Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bởi các quốc gia phương Tây.

Ông cũng nhắc đến các điều chỉnh được thực hiện trong học thuyết hạt nhân của Nga vào tháng 11 năm trước. Theo đó, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị xâm lược kể cả khi đó là một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường, nhằm vào Nga hoặc Belarus.

"Trong trường hợp các quốc gia nước ngoài thực hiện các hành động không thân thiện đe dọa đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga, đất nước chúng tôi có quyền áp dụng các biện pháp đối xứng và không đối xứng để ngăn chặn và phòng ngừa các hành động như vậy”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, báo cáo của DIA đánh giá rằng khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột tại Ukraine là rất thấp, trừ khi giới lãnh đạo Nga cho rằng họ đang đối mặt với một mối đe dọa sống còn đối với chế độ.

Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 12 năm ngoái cũng từng tuyên bố rằng Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bất kỳ quốc gia nào gây ra mối đe dọa đối với an ninh của Nga hoặc Belarus.

"Khi chúng ta nói đến các mối nguy cơ quân sự có thể chuyển biến thành những mối đe dọa mới, chúng ta đang đề cập đến việc gia tăng trách nhiệm của các quốc gia phi hạt nhân có thể tham gia vào cuộc xâm lược chống lại Nga, cùng với các quốc gia có năng lực hạt nhân", ông nhấn mạnh.

"Nếu những quốc gia đó đe dọa chúng ta, chúng ta có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả. Chúng tôi cũng khẳng định rằng nếu đồng minh của chúng tôi, Belarus, đối mặt với mối đe dọa tương tự, Nga sẽ làm tất cả để đảm bảo an ninh cho Belarus. Đây là một yếu tố quan trọng trong học thuyết hạt nhân được cập nhật của Nga", Tổng thống Putin nói thêm.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tinh-bao-my-canh-bao-nga-khoi-phuc-ten-lua-khong-doi-khong-mang-dau-dan-hat-nhan-232929.html
Zalo