Khách hàng nước ngoài đầu tiên đưa Su-57 vào vận hành trong năm 2025

Tại Triển lãm vũ khí và kỹ thuật quân sự quốc tế MILEX-2025 ở Minsk (Belarus), Nga xác nhận sẽ bàn giao lô tiêm kích tàng hình Su-57 đầu tiên cho khách hàng quốc tế trước cuối năm 2025.

Thông báo nêu rõ: "Khách hàng nước ngoài đầu tiên của biến thể Su-57E sẽ đưa máy bay vào trang bị trong năm 2025".

Su-57 trình diễn tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ quốc tế Trung Quốc, ngày 7/11/2024. (Nguồn: Getty Images)

Su-57 trình diễn tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ quốc tế Trung Quốc, ngày 7/11/2024. (Nguồn: Getty Images)

Truyền thông Nga nhấn mạnh Su-57 là "chiếc tiêm kích thế hệ năm duy nhất trên thế giới đã chứng minh năng lực tác chiến thực tế, đặc biệt hiệu quả khi đối đầu với các hệ thống phòng không phương Tây".

Thông tin này được công bố chỉ ít lâu sau khi báo chí Algeria ngày 12/2 lần đầu xác nhận quốc gia Bắc Phi này là khách hàng quốc tế đầu tiên của Su-57. Theo đó, hoạt động chuyển giao sẽ bắt đầu vào cuối năm nay, hiện các phi công Algeria đã sang Nga để tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu.

Việc Algeria tiếp nhận Su-57 sẽ đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia bên ngoài Mỹ và Nga vận hành tiêm kích thế hệ năm, loại máy bay hiện mới chỉ được Mỹ sử dụng với dòng F-35. Điều này cũng đưa Algeria thành quốc gia đầu tiên tại châu Phi và khối Ả Rập sở hữu năng lực không chiến tối tân này.

Algeria và hành trình đến với Su-57

Từ năm 2020, đã có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bộ Quốc phòng Algeria quan tâm đến việc sở hữu Su-57.

Máy bay chiến đấu Su-30MKA của Không quân Algeria.

Máy bay chiến đấu Su-30MKA của Không quân Algeria.

Trên truyền hình nhà nước Algeria, các quan chức quân sự nước này từng xuất hiện với mô hình tiêm kích Su-57 trong cuộc họp với phái đoàn Nga, đồng thời hình ảnh chiếc máy bay cũng được trưng bày ngay tại trụ sở Bộ Quốc phòng Algeria.

Lực lượng không quân Algeria từ lâu được đánh giá là một trong những lực lượng mạnh nhất tại châu Phi, thế giới Ả Rập và Hồi giáo.

Sau cuộc can thiệp của NATO vào Libya năm 2011, quốc gia láng giềng sát sườn, Algeria đã đẩy mạnh đầu tư vào các năng lực phòng không – không quân để tăng cường khả năng phòng vệ, trước các mối đe dọa ngày càng phức tạp trong khu vực.

Su-57 cơ bản hay Su-57M1 nâng cấp?

Một trong những điểm còn bỏ ngỏ là Algeria sẽ nhận phiên bản nào của Su-57: biến thể hiện đang được không quân Nga sử dụng, hay biến thể nâng cấp Su-57M1, tích hợp động cơ AL-51F1 tiên tiến và dự kiến bước vào giai đoạn sản xuất từ năm 2025.

Su-57M1 được cải tiến toàn diện với radar thế hệ mới, thiết kế khung thân mở rộng tối ưu cho các chuyến bay siêu thanh tầm xa và khả năng tàng hình vượt trội.

Nhiều khả năng Algeria sẽ khởi đầu với một phi đội Su-57 tiêu chuẩn, trước khi cân nhắc đặt hàng Su-57M1 số lượng lớn vào thập niên 2030, nhằm dần thay thế các tiêm kích Su-30MKA đang phục vụ hiện nay.

Nga mở rộng cánh cửa xuất khẩu Su-57

Thương vụ với Algeria được kỳ vọng sẽ tạo đà cho nỗ lực xuất khẩu Su-57 ra thị trường toàn cầu. Sau khi mẫu máy bay này được triển khai trong xung đột tại Ukraine, mức độ quan tâm từ các quốc gia khác đã tăng lên rõ rệt.

Su-57 đã tham gia nhiều nhiệm vụ phức tạp như chế áp phòng không, tác chiến không đối không và xâm nhập không phận được phòng vệ chặt chẽ.

Các khách hàng tiềm năng có thể nối bước Algeria trước năm 2030 bao gồm Ấn Độ và Triều Tiên.

Tháng 3, Bộ Quốc phòng Ấn Độ xác nhận đang xem xét khả năng sản xuất Su-57 trong nước theo hình thức chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, những màn trình diễn ấn tượng gần đây của tiêm kích J-10C thuộc không quân Pakistan, trong cuộc xung đột hồi đầu tháng 5, được cho là đã thúc đẩy New Delhi đẩy nhanh kế hoạch sở hữu máy bay thế hệ năm. Su-57 hiện là lựa chọn khả thi nhất trong thời gian ngắn.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khach-hang-nuoc-ngoai-dau-tien-dua-su-57-vao-van-hanh-trong-nam-2025-169250523153102328.htm
Zalo