Rau má ven sông Bồ 'bí' đầu ra, nông dân điêu đứng
Rau má được xem là cây trồng chủ lực đối với nhiều địa phương nằm ven dòng sông Bồ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Thế nhưng vụ mùa năm nay, hàng trăm nông dân trồng rau má tại các địa phương đang thấp thỏm lo âu vì đến thời điểm thu hoạch nhưng vắng người thu mua rau má.
Nhiều năm qua, người dân ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng cây rau má lên hàng chục hécta (ha). Trong đó có hơn 50ha theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 2.500 tấn, trị giá từ 200 đến 250 triệu đồng/ha. Rau má trở thành sản phẩm chủ lực, là nguồn thu nhập chính đối với hơn 400 hộ dân ở xã Quảng Thọ. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân ở xã Quảng Thọ, bước vào mùa thu hoạch rau má đầu tháng 4/2023 năm nay, nhiều hộ dân trồng rau má ở Quảng Thọ như ngồi trên đống lửa vì không tìm được người thu mua. Trái với cảnh tấp nập người ra đồng thu hoạch rau má bán cho thương lái như trước đây, những ngày này, trên cánh đồng rau má thôn La Vân Thượng, xã Quảng Thọ vắng bóng người.
Ông Nguyễn Thượng Huy là một trong số những hộ dân ở thôn La Vân Thượng có diện tích trồng rau má lớn. Do không có thương lái đến thu mua, bí đầu ra, nên ông Huy phải dùng máy cắt bỏ những diện tích rau má quá lứa, bị già để cho cá ăn hoặc ủ làm phân bón.
"Từng được xem là cây trồng chủ lực, giúp gia đình tôi và nhiều hộ dân trong thôn thoát nghèo khi những năm trước mỗi hécta rau má cho thu nhập đến 200 triệu đồng. Vụ mùa năm nay, cây rau má sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh nhưng giá cả bán ra lại rớt thê thảm. Nếu như năm ngoái rau má có giá từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 15.000 đồng/kg thì nay giá rau má chỉ còn khoảng 3.000 đồng/kg. Dù bán giá thấp nhưng chúng tôi vẫn không tìm được đầu ra cho sản phẩm", ông Huy ngậm ngùi.
Tương tự, vụ mùa năm nay, gia đình ông Nguyễn Lương Bảo ở xã Quảng Thọ đầu tư 40 triệu đồng để trồng và chăm sóc cho 2ha rau má. Tuy nhiên đến thời điểm thu hoạch, gia đình ông Bảo kết nối với các thương lái, điểm thu mua nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.
Ông Bảo cho biết, rau má bán với giá trên 6 nghìn đồng/kg thì người trồng rau mới có lãi. Còn thấp hơn giá này thì chắc chắn sẽ thua lỗ. Mặc dù đã thông báo giảm giá bán nhưng nhiều ngày qua, rau má của gia đình ông Bảo vẫn không tìm được đầu ra.
Ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2 cho biết, hiện toàn xã Quảng Thọ có diện tích trồng rau má rất lớn với hơn 70 ha. Trung bình mỗi ngày có 8 đến 10 tấn rau má đến kỳ thu hoạch nhưng HTX chỉ có nhu cầu thu mua khoảng 500kg/ngày để sấy khô làm nguyên liệu. Ông Trí lý giải, những năm trước, thị trường tiêu thụ rau má cho người dân ở địa bàn xã phần lớn đều ở các tỉnh thành miền Nam, số còn lại chở ra Bắc hoặc thương lái thu mua bán tại chợ đầu mối. Tuy nhiên hiện nay một số vùng ở miền Nam đã trồng được rau má dẫn đến lượng tiêu thụ rau giảm mạnh. Đây chính là nguyên nhân rau má ở xã Quảng Thọ vắng người thu mua.
Ông Trần Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết, để đảm bảo chất lượng sản phẩm rau má, nhiều năm qua, người dân trên địa bàn xã đã tham gia quy trình trồng rau VietGAP. Đặc biệt từ rau má, người dân còn tạo ra các sản phẩm như trà rau má, sản phẩm bột matcha để mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Năm 2020, sản phẩm trà rau má Quảng Thọ được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công nhận là 1 trong 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 4 sao. Bộ sản phẩm bột matcha rau má cũng được tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021. Các sản phẩm trà rau má và bột matcha rau má của xã Quảng Thọ được công bố nhãn hiệu tập thể và được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể; Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Bộ Y tế cấp phép sản xuất.
"Đối với sản phẩm rau má trồng tại đồng ruộng nhưng thiếu thị trường tiêu thụ, hiện chính quyền địa phương đang tuyên truyền người dân tăng cường bán lẻ rau má; thu hoạch rau má đưa về các chợ đầu mối, chợ truyền thống ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế để bán. Bên cạnh đó, xã vận động bà con nông dân không mở rộng thêm diện tích trồng cây rau má, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, có hiệu quả đối với những diện tích đất bạc màu. UBND xã còn phối hợp với các HTX tăng cường thông tin tuyên truyền, đưa sản phẩm rau má lên các trang mạng xã hội để kết nối hỗ trợ nông dân tiêu thụ", ông Phúc thông tin.