Rắn độc trú trong nhà cắn người phụ nữ nguy kịch

Ngay sau khi bị rắn cắn, người phụ nữ có dấu hiệu yếu cơ toàn thân, ý thức chậm. Các bác sĩ tiên lượng bà có nguy cơ tử vong cao.

 Rắn Ovophis có thể gây tử vong nếu cắn người. Ảnh: Thailand National Park.

Rắn Ovophis có thể gây tử vong nếu cắn người. Ảnh: Thailand National Park.

Bà Hoàng Thị X. (62 tuổi, trú tại Cao Bằng) bị rắn cắn khi đang ở trong nhà, con rắn được xác định đã trú ẩn sẵn trong nhà trước đó. Ngay sau khi bị cắn, bà xuất hiện dấu hiệu ý thức chậm, gọi hỏi không đáp, yếu cơ toàn thân và được đưa đến Bệnh viện tỉnh Cao Bằng cấp cứu.

Tại bệnh viện, bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, phải đặt nội khí quản, thở máy và được chuyển gấp xuống Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong đêm. Khi nhập viện, bà X. trong trạng thái lơ mơ, thở máy, cơ lực yếu, vết cắn sưng nề lan rộng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tiêu cơ vân cấp, suy thận cấp, vô niệu, tiên lượng nguy cơ tử vong cao.

Sau 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt: tỉnh táo, cơ lực hồi phục, suy thận thuyên giảm. Bà đã được rút ống nội khí quản, có thể tự thở và đi lại.

Dựa trên hình ảnh gia đình cung cấp, các bác sĩ xác định con rắn cắn bà X. là rắn lục núi Ovophis, một loài rắn độc có thể gây tổn thương nặng nề cho hệ thần kinh và thận.

 Sức khỏe bà X. đã cải thiện sau 10 ngày điều trị. Ảnh: BVCC.

Sức khỏe bà X. đã cải thiện sau 10 ngày điều trị. Ảnh: BVCC.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong nhanh do liệt cơ hô hấp hoặc rơi vào hôn mê vĩnh viễn vì não thiếu oxy kéo dài. May mắn, bà X. được đưa đến bệnh viện sớm và xử trí kịp thời, nhờ đó có thể hồi phục hoàn toàn mà không gặp di chứng nghiêm trọng.

Để đề phòng rắn cắn, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần biết về loại rắn trong vùng và khu vực chúng thường xuyên ẩn nấp để hạn chế qua lại. Khi đi rừng hoặc nơi có nhiều cây cỏ, người dân nên đi ủng, giày cao cổ và quần dài.

Trong trường hợp bị rắn cắn hoặc gặp người bị rắn cắn, cần sơ cứu và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời. Các bước sơ cứu khi bị rắn cắn:

Trấn an người bị rắn cắn
Bất động và đặt chi bị cắn thấp hơn tim để làm chậm hấp thu độc tố
Rửa sạch vết thương
Nẹp cố định chi bị cắn
Nhanh chóng chuyển người bị nạn đến bệnh viện

Rắn lục núi (Ovophis monticola) là một loài rắn độc thuộc chi Ovophis, phân họ Crotalinae, sống chủ yếu ở châu Á. Loài này được tìm thấy ở các khu vực như Nepal, Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác.

Rắn lục núi có nọc độc ảnh hưởng đến hệ thần kinh và tế bào, gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, chúng thường không chủ động tấn công mà chỉ phản ứng khi bị đe dọa. Loài rắn này hoạt động chủ yếu về đêm, săn mồi các loài động vật nhỏ như chuột, chim và thằn lằn.

Về tập tính, rắn lục núi thường ẩn mình vào ban ngày và hoạt động về đêm. Chúng có khả năng ngụy trang tốt, giúp tránh sự phát hiện của kẻ thù và con mồi. Mặc dù có nọc độc nguy hiểm, loài này thườn không chủ động tấn công con người trừ khi bị đe dọa.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ran-doc-tru-trong-nha-can-nguoi-phu-nu-nguy-kich-post1532079.html
Zalo