Từ A-Z về tình trạng viêm mũi họng thường gặp khi giao mùa

Viêm mũi họng cấp là tình trạng viêm cấp tính tại niêm mạc mũi và niêm mạc họng. Triệu chứng viêm mũi họng phát triển có thể kèm theo các vấn đề sức khỏe khác như viêm Amidan, viêm VA,....

Thời tiết thay đổi thất thường kết hợp với ô nhiễm không khí tạo điều kiện cho các virus, vi khuẩn hay các mầm bệnh khác phát triển, gây viêm mũi họng, thường là cấp tính. Viêm mũi họng được hiểu là tình trạng viêm đường hô hấp trên gồm vùng mũi và hầu họng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam giới và nữ giới, nhưng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với miễn dịch chưa hoàn thiện là nhóm thường bị viêm mũi họng nhất.

1. Viêm mũi họng là do đâu?

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra viêm mũi họng như viêm mũi họng do virus, viêm mũi họng do vi khuẩn, do nấm (dù hiếm gặp) hoặc dị ứng. Cụ thể:

- Viêm mũi họng do virus: Chiếm phần lớn các ca viêm mũi họng. Virus gây viêm mũi họng cũng rất đa dạng, gồm: Virus cúm, rhinovirus, adenovirus, nhóm coronavirus, virus para - influenza, virus herpes, virus zona,...

- Viêm mũi họng do vi khuẩn:Liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A, B, C, G (nguy hiểm nhất trong đó là các liên cầu nhóm A (còn gọi là streptococus pyogenes)); vi khuẩn h. influenzae (Hib); vi khuẩn tụ cầu vàng; khuẩn phế cầu, moraxella catarrhalis hay các vi khuẩn kị khí,... Viêm mũi họng do vi khuẩn ít phổ biến hơn viêm mũi họng do virus. Nhưng trong khi viêm mũi họng do virus có thể tự khỏi thì với nguyên nhân do vi khuẩn, người bệnh cần phải sử dụng kháng sinh để loại bỏ và dự phòng tái phát.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra viêm mũi họng như viêm mũi họng do virus, viêm mũi họng do vi khuẩn, do nấm (dù hiếm gặp) hoặc dị ứng (Ảnh: ST)

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra viêm mũi họng như viêm mũi họng do virus, viêm mũi họng do vi khuẩn, do nấm (dù hiếm gặp) hoặc dị ứng (Ảnh: ST)

- Viêm mũi họng do nấm: Có thể xảy ra ở xoang, họng do nhiễm nấm Candida, nấm Aspergillus,...

- Viêm mũi họng do dị ứng, kích ứng: Xảy ra khi tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng niêm mạc mũi họng như phấn hoa, mạt bụi, ô nhiễm không khí, hóa chất độc hại, khói thuốc lá,... Các triệu chứng dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch tạo ra kháng thể để chống lại các tác nhân vô hại mà nó cho là mối đe dọa với cơ thể. Các phản ứng quá mẫn này thường liên quan tới kháng thể immunoglobulin (IgE) làm tăng sản xuất chất nhầy trong đường mũi và xoang và gây chảy nước mũi sau. Chảy nước mũi sau khiến chất nhầy chảy vào phía sau cổ họng. Tình trạng viêm do phản ứng của kháng thể IgE có thể gây ra cảm giác ngứa ngáy trong cổ họng.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm mũi họng

Ngoài 3 nguyên nhân kể trên thì có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị viêm họng hơn, bao gồm:

+ Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ có tiền sử mắc các bệnh mũi họng.

+ Người có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh tật như tiểu đường, bệnh tim.

+ Người bị viêm mũi dị ứng theo mùa với các chất gây dị ứng như phấn hoa, mạt bụi, không khí ô nhiễm,...

+ Người có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia sử dụng chất kích thích thường xuyên, người hút thuốc lá thụ động.

+ Người thường xuyên làm việc trong môi trường hóa chất độc hại như khói xăng, sơn công nghiệp, sản xuất nhựa,...

+ Người thường xuyên phải sử dụng giọng nói quá mức.

+ Người có thói quen vệ sinh cá nhân kém.

Sự thay đổi thời tiết đột ngột chẳng hạn như các thời điểm giao mùa cũng dễ gây ra tình trạng viêm mũi họng hơn do hệ miễn dịch biến động kết hợp với sự gia tăng của các yếu tố gây nhiễm trùng trong không khí.

Viêm mũi họng có lây không?

Viêm mũi họng do nhiễm trùng rất dễ lây lan thông qua tiếp xúc với các giọt bắn mang mầm bệnh như ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc các bề mặt cứng bị ô nhiễm thường xuyên chạm vào như tay nắm cửa, điều khiển, công tắc đèn, đồ chơi chung hoặc ở những không gian có thông gió kém, tại những nơi công cộng mà không có các biện pháp che chắn mũi họng hay vệ sinh cá nhân đúng cách.

Viêm mũi họng do nhiễm trùng rất dễ lây lan (Ảnh: ST)

Viêm mũi họng do nhiễm trùng rất dễ lây lan (Ảnh: ST)

2. Triệu chứng viêm mũi họng là gì?

Như đã nói, viêm mũi họng đặc trưng là tình trạng nhiễm trùng vùng mũi và hầu họng nên các triệu chứng viêm mũi họng khá dễ nhận biết. Tùy từng nguyên nhân là do virus, vi khuẩn hay nấm hoặc do dị ứng mà mức độ rầm rộ cũng như thời gian kéo dài của các triệu chứng sẽ khác nhau.

Viêm mũi họng do virus thường ủ bệnh trong 1 - 3 ngày kể từ khi tiếp xúc với mầm bệnh và các triệu chứng viêm mũi họng do virus có thể kéo dài từ 7 - 10 ngày, hoặc lâu hơn. Nhưng bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị phức tạp tại cơ sở y tế; xét về tính chất thì thường không gây ra các biến chứng lâu dài cho sức khỏe người bệnh như do vi khuẩn.

Triệu chứng viêm mũi họng do virus bao gồm: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ho, đau hoặc rát họng, mắt chảy nước hoặc ngứa mắt, cộm mắt, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu nói chung, đau nhức cơ thể, sốt nhẹ, chảy dịch mũi sau,... Trẻ nhỏ bị viêm mũi họng cấp có thể quấy khóc, cáu kỉnh hơn, bỏ bú hoặc bú kém, viêm đau tai.

Viêm mũi họng do virus có thể bị bội nhiễm do hệ miễn dịch suy yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Lúc này các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn và cần sự can thiệp từ bác sĩ. Gồm: Ho nặng tiếng, ho có đờm cần khạc thường xuyên, đờm có màu vàng/xanh lá cây/xám/đục/hồng; sốt cao trên 38,5 độ C kèm theo rét run; hơi thở có mùi hôi; họng đau rát ảnh hưởng tới việc nhai nuốt thông thường; viêm sưng amidan, viêm sưng hạch bạch huyết và tuyến nước bọt ở mang tai, cổ; thậm chí thở khò khè; nội soi tai mũi họng kiểm tra thấy tình trạng niêm mạc họng đỏ rực kèm xuất tiết hoặc xung huyết, giả mạc trắng ở thành amidan,...

Điều trị viêm mũi họng như thế nào? Ảnh: ST

Điều trị viêm mũi họng như thế nào? Ảnh: ST

3. Điều trị viêm mũi họng

Phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm mũi họng là do đâu mà các biện pháp điều trị viêm mũi họng cũng khác nhau. Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng quan sát được kết hợp nội soi, xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh khác nếu cần thiết khi nghi ngờ nguyên nhân gây viêm mũi họng nghiêm trọng hơn.

Nhưng trước tiên, cần nhớ rằng, với viêm mũi họng do virus thì kháng sinh không có hiệu quả loại bỏ bệnh nhưng viêm mũi họng do vi khuẩn hoặc do bội nhiễm thì cần dùng kháng sinh theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh tình trạng lạm dụng kháng sinh, lâu dài gây kháng thuốc ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị của các đợt bệnh tiếp theo trong tương lai.

- Thuốc không kê đơn (thuốc OTC): Các loại thuốc không kê đơn có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng bệnh như thuốc thông mũi, thuốc kháng hisatmin, thuốc chống viêm không steroid như aspirin hoặc ibuprofen, thuốc giúp loãng/tiêu chất nhầy tích tụ, thuốc giảm ho bằng cách ức chế cơn ho, viên ngậm giúp làm dịu họng, kẽm bổ sung, thuốc xịt mũi, thuốc kháng virus nếu bị viêm mũi họng do nhiễm virus cúm,...

Lưu ý rằng, có một số loại thuốc không kê đơn không thích hợp để sử dụng cho trẻ em. Tốt nhất hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi trẻ bị viêm mũi họng để được hướng dẫn phù hợp với độ tuổi cũng như mức độ viêm mũi họng của trẻ. Tránh trường hợp tự ý dùng thuốc gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Ngoài ra, nếu sẵn có các bệnh mãn tính như huyết áp cao hay bệnh tim, bệnh gan thận,... cần cho bác sĩ biết trước khi dùng thuốc, hạn chế nguy cơ ảnh hưởng tới bệnh đang điều trị do tương tác thuốc.

- Sử dụng máy bù ẩm, máy phun sương hoặc hít hơi nước từ nước nóng hoặc vòi sen để giảm tình trạng tắc nghẽn đường thở do chất nhầy.

- Súc miệng bằng nước muối ấm để giảm đau họng, giảm ho do kích ứng.

-Massage các xoang mũi, điểm giữa hai lông mày hoặc điểm giữa mũi và môi để giảm sưng mao mạch mũi, giúp đường thở thông thoáng hơn nếu bị nghẹt mũi.

- Vệ sinh mũi với nước muối sinh lý. Nếu muốn xịt rửa mũi, cần sử dụng các dụng cụ xịt rửa vệ sinh mũi chuyên dụng hoặc tới các cơ sở có thiết bị thích hợp.

- Tránh hít phải khói bụi, khói thuốc lá, thuốc lào sẽ gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp, tăng nặng thêm các triệu chứng như ho mũi.

- Có chế độ ăn giàu dinh dưỡng, loãng ấm dễ nuốt và tiêu hóa; uống nhiều nước; hạn chế tiêu thụ thức ăn dầu mỡ.

- Nghỉ ngơi nhiều hơn, ngủ đủ giấc, hạn chế vận động cường độ mạnh nếu đang sốt.

Người bị viêm mũi họng cũng cần giảm nguy cơ lây bệnh cho người xung quanh bằng cách ở nhà sau khi xuất hiện các triệu chứng viêm nhiễm, điển hình như sốt; dùng khăn giấy một lần khi ho, sổ mũi hoặc hắt hơi; tránh tiếp xúc gần với mọi người và mang khẩu trang;...

4. Phòng ngừa viêm mũi họng

Bạn có thể giảm nguy cơ viêm mũi họng bằng cách: Thực hành vệ sinh cá nhân sạch sẽ gồm rửa tay thường xuyên với xà phòng dưới vòi nước sạch trong ít nhất 20 giây, thay quần áo khi đi ở ngoài về nếu trời ô nhiễm; hạn chế đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng bằng tay chưa được rửa sạch; dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, vào mùa nồm cần giữ nhà khô thoáng, tránh nấm mốc sinh sôi và gây bệnh; bảo vệ mũi họng - ngực khi ra ngoài nếu thời tiết lạnh, ô nhiễm; tiêm vaccine phòng cúm mùa, phòng phế cầu,... theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Nhìn chung, viêm mũi họng không hiếm gặp, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, nồm ẩm. Hãy thăm khám sớm nếu các triệu chứng viêm mũi họng kéo dài không thuyên giảm, không đáp ứng thuốc trên 10 ngày; trẻ dưới 3 tháng tuổi bị viêm đau kèm sốt li bì,... Phát hiện sớm giúp giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng viêm mũi họng dẫn tới nhiễm trùng thứ phát như: Viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm phế quản, bùng phát cơn hen suyễn,...

Nguồn: Healthline, Medical News Today

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tu-a-z-ve-tinh-trang-viem-mui-hong-thuong-gap-khi-giao-mua-20250220124345415.htm
Zalo