Cụ bà U80 tử vong sau 1 năm bị chó cắn
Khoảng 1 năm trước , trong lúc đang cho 3 con chó ăn, bà N. bị 1 con chó cắn vào ngón tay trái, vết thương nông, không chảy máu. Nghĩ đơn giản, bà N. đã tự rửa vết thương dưới vòi nước và sát trùng, không đi tiêm vắc-xin không ngờ đến nay phát bệnh.
Ngày 20/2, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, cho biết trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thêm một trường hợp bà N.T.N. (SN 1949, ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành) tử vong do bệnh dại.
Đây là ca tử vong thứ 2 được ghi nhận tại huyện Long Thành từ đầu năm 2025 đến nay.

Ảnh minh họa.
Theo kết quả điều tra dịch tễ, tháng 5/2024, trong lúc đang cho 3 con chó ăn, bà N. bị 1 con chó cắn vào ngón tay trái, vết thương nông, không chảy máu. Nghĩ đơn giản, bà N. đã tự rửa vết thương dưới vòi nước và sát trùng, không đi tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại.
Tại thời điểm bị cắn, con chó có biểu hiện hung dữ và cắn lung tung, 2 con chó còn lại chưa có biểu hiện bất thường. Cả 3 con đều chưa được tiêm phòng vắc-xin dại trước đó.
Đến ngày 9/2/2025, người nhà đưa bà N. nhập viện tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, sợ nước, sợ gió, kích động, nấc từng hơi dài. Tại đây, bà N. được chẩn đoán theo dõi bệnh dại.
Tuy nhiên khoảng 1 ngày sau đó, diễn tiến bà N. trở nặng, người nhà xin cho bà xuất viện. Sau đó, bà N. tử vong vào cùng ngày trên đường về nhà.
Bị chó, mèo cắn bao lâu đi tiêm phòng thì có hiệu quả tốt nhất?
Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống khi bị chó mèo cắn được coi là một trường hợp điều trị dự phòng bệnh dại khẩn cấp. Nạn nhân cần được rửa ngay vết thương bằng nước và xà phòng (hoặc các chất như dầu gội – sữa tắm), bôi các chất sát khuẩn như cồn – cồn iot và đến ngay các điểm tiêm chủng gần nhất để được các bác sỹ tư vấn tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.
Thời điểm tốt nhất là trong vòng 6 giờ đầu tiên sau khi bị chó mèo cắn. Tuy nhiên, nếu bạn không biết thông tin bị chó cắn phải tiêm vaccine dại dẫn đến việc bị trễ, thì nên đi tiêm ngay khi nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh dại, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi bị cắn, tuyệt đối không dùng các chất kích thích đắp vào vết thương như ớt bột, nước ép, nhựa cây, axit hoặc kiềm. Không băng bó, đắp thuốc kín vết thương.
Trúc Chi (t/h)