Hà Nội lại nằm 'top' những thành phố lớn chất lượng không khí ô nhiễm nhất trên thế giới
Sương mù dày đặc khiến tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội hôm nay trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người.
Chất lượng không khí Hà Nội hôm nay
Theo dự báo chỉ số không khí (AQI) Hà Nội của IQ Air, hôm nay (20/2), mức độ ô nhiễm không khí tại Thủ đô ở mức 227 US AQI, chất gây ô nhiễm chính P.M2.5. Chất lượng không khí Hà Nội ở mức rất không tốt, có hại cho sức khỏe.
Nồng độ PM2.5 hiện tại là 30,6 lần giá trị hướng dẫn hàng năm về PM2.5 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Với mức chỉ số AQI 227, Hà Nội là thành phố ô nhiễm đầu bảng thế giới, xếp thứ hai là Dhaka của Băng la đét và thứ 3 là Lampala của Uganda.

Nhiều điểm quan trắc không khí Hà Nội ở ngưỡng tím, đỏ (nguồn: IQ Air)
Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air với hàng chục điểm đo ghi nhận ô nhiễm không khí bao phủ khắp Hà Nội hôm nay. Phần lớn các điểm đo cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng tím, ngưỡng đỏ.
Một số điểm đo tại Hà Nội ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng báo động như:
Hoàn Kiếm: 242 US AQI (màu tím), chất lượng không khí rất không tốt.
Thạch Thất: 240 US AQI (màu tím), chất lượng không khí rất không tốt.
Phường Phú Thượng: 228 US AQI (màu tím), chất lượng không khí rất không tốt.
Tây Hồ: 227 US AQI (màu tím), chất lượng không khí rất không tốt.
Hà Đông: 197 US AQI (màu đỏ), chất lượng không khí không lành mạnh
Cầu Diễn: 164 US AQI (màu đỏ), chất lượng không khí không lành mạnh.
Sóc Sơn: 159 US AQI (màu đỏ), chất lượng không khí không lành mạnh.
Hai Bà Trưng: 156 (màu đỏ), chất lượng không khí không lành mạnh.
Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, bụi mịn PM2.5 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, len lỏi sâu vào phổi, đi vào máu, gây nên một số bệnh nguy hiểm.
Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt... Tiếp xúc lâu dài thì sẽ làm gia tăng tỷ lệ giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính, tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư.
Với chất lượng không khí như vậy, khuyến nghị người dân tránh tập thể dục ngoài trời; đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài; đeo mặt nạ, khẩu trang khi ra ngoài; chạy máy lọc không khí trong nhà.