Quyết liệt vì mục tiêu tăng trưởng

Dù kinh tế Việt Nam đang đối diện với bộn bề khó khăn, nhất là khi câu chuyện áp thuế đối ứng của Mỹ còn chưa ngã ngũ, nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn quyết tâm với mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay. Việc Thủ tướng Chính phủ vừa ra Công điện số 47/CĐ-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 đã cho thấy điều đó.

Rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tại công điện này, thậm chí, nhiều nhiệm vụ, giải pháp còn nặng nề hơn. Lý do một phần bởi tăng trưởng GDP trong quý I/2025 chưa đạt mục tiêu đề ra (6,93%, thấp hơn con số mục tiêu 7,7% - PV), trong khi khó khăn, thách thức còn nhiều. Trong khi đó, diễn biến kinh tế toàn cầu có thể sẽ bất lợi hơn, khó lường hơn, ảnh hưởng nặng nề hơn với kinh tế Việt Nam, nếu thương mại toàn cầu tiếp tục căng thẳng do chính sách thuế quan của Mỹ.

Một ví dụ cụ thể, đó là Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục làm mới, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, trong đó có động lực về đầu tư.

Lâu nay, mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công luôn được nhấn mạnh ở tỷ lệ 95% kế hoạch. Nnhưng giờ đây, mục tiêu hướng đến là phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Một nhiệm vụ rất nặng nề nữa trong bối cảnh nhiều năm gần đây, dù đã nỗ lực, nhưng giải ngân đầu tư công vẫn chưa đạt được mục tiêu 95% đề ra. Hơn nữa, riêng trong năm nay, nguồn lực đầu tư công là khá lớn, gần 875.000 tỷ đồng. Việc giải ngân hết con số này phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Một nhiệm vụ khác cũng đã được giao, đó là Bộ Tài chính phải hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó điều chỉnh kịch bản tăng trưởng quý II và các quý còn lại của năm 2025, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên.

Trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý I/2025 chưa đạt kịch bản, thì việc cập nhật, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng là cần thiết. Đầu tháng 4/2025, khi Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương, kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025 đã được cập nhật. Theo đó, tăng trưởng quý II phải đạt 8,2%, quý III và quý IV lần lượt là 8,3% và 8,4%, cao hơn khoảng 0,2 điểm phần trăm so với kịch bản đề ra. Khi đó, chỉ là báo cáo được Bộ Tài chính trình Chính phủ, còn giờ đây, sẽ có một nghị quyết để thay thế Nghị quyết số 01 - điều chưa từng có trong những năm qua, kể cả trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

Việc sẵn sàng có một nghị quyết thay thế, với mục tiêu lớn hơn, một lần nữa thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 8% trong năm nay. Và không chỉ là kịch bản của chung nền kinh tế Việt Nam, đó còn là cả kịch bản tăng trưởng GRDP của các địa phương trong cả nước.

Tất cả cho thấy, nhiệm vụ là rất nặng nề và chỉ có sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị mới có thể đưa nền kinh tế đạt mục tiêu đề ra.

Điều chỉnh, thay thế Nghị quyết 01 là nhiệm vụ lớn, cấp thiết. Tương tự, thúc đẩy giải ngân đầu tư công đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cũng chỉ là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Điều đó cho thấy, cần sự tổng lực của cả nền kinh tế trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, bao gồm cả cải cách thể chế, thúc đẩy các động lực truyền thống khác như tiêu dùng, xuất khẩu, cũng như thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới... để về đích thành công.

Bên cạnh đó, mọi nỗ lực của Việt Nam phải được đặt trong bối cảnh mới, với những diễn biến khó lường về địa - chính trị và kinh tế toàn cầu. Bởi thế, điều quan trọng không kém trong lúc này còn là theo dõi sát tình hình thế giới để có phản ứng chính sách kịp thời, tránh bị động, bất ngờ. Không chỉ là chính sách trong ngắn hạn, mà còn bao gồm cả các giải pháp dài hạn, chẳng hạn cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, khai phá thêm thị trường nội địa, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký…

Ở đây không chỉ là sự chuẩn bị hay chính sách đối với riêng vấn đề thương mại hàng hóa, mà còn cần cả sự chuẩn bị mang yếu tố nền tảng, như đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế… Đó chính là những yếu tố quan trọng để nền kinh tế Việt Nam không những tăng trưởng nhanh, mà còn bền vững trong giai đoạn tới.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quyet-liet-vi-muc-tieu-tang-truong-d273064.html
Zalo