Quảng Bình xây dựng sản phẩm đặc trưng, nâng tầm giá trị địa phương

Phát huy lợi thế từng vùng, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình để tập trung xây dựng sản phẩm đặc trưng, tạo nền tảng liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng.

Dựa vào tiềm năng và lợi thế sẵn có
Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã chủ động xác định và lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, phù hợp để phát triển thành sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Thông qua các chương trình hỗ trợ, nhiều chủ cơ sở sản xuất đã từng bước tiếp cận phương thức sản xuất theo chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo uy tín, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đây cũng là bước đi quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững và nâng tầm giá trị sản phẩm nông thôn.

Thông qua các chương trình hỗ trợ, nhiều chủ cơ sở sản xuất đã từng bước tiếp cận phương thức sản xuất theo chuỗi liên kết.

Thông qua các chương trình hỗ trợ, nhiều chủ cơ sở sản xuất đã từng bước tiếp cận phương thức sản xuất theo chuỗi liên kết.

Ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết: “Để góp phần đưa sản phẩm hàng hóa của Quảng Bình nâng tầm và vươn xa, tỉnh đã triển khai 2 chương trình bình chọn sản phẩm thu hút được nhiều chủ thể sản xuất tham gia, đó là chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu và Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, còn gọi là chương trình OCOP. Trên cơ sở thế mạnh của vùng, các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng tìm ra những sản phẩm đặc trưng để định hướng, xây dựng thành sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu. Các chương trình này đã giúp các chủ cơ sở tiếp cận với hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết để tạo ra những sản phẩm hoàn thiện, uy tín về chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ông Trần Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Bình cho hay: “Các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng như dược liệu, gia vị, lúa gạo.. thì nơi nào cũng có, tuy nhiêu mỗi nơi có mỗi đặc trưng riêng. Chúng tôi phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất phải xây dựng được nét đặc trưng của sản phẩm, đồng thời xây dựng các câu chuyện để gắn liền với sản phẩm tạo ra lợi thế cạnh tranh. Quan trọng, các chủ thể phải đổi mới, nâng cao năng lực quản trị và năng lực kinh doanh, tự mình làm mới mình như thế mới thực sự mới phát triển lâu dài và bền vững”.

Niềm tự hào vì những sản phẩm mang đặc trưng địa phương

Tại các chương trình xúc tiến thương mại đang được tổ chức từ ngày 26/4 đến hết ngày 1/5 tại tỉnh Quảng Bình, các gian hàng trưng bày, quảng bá các sản phẩm OCOP sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được nhiều khách hàng quan tâm.

Chị Đinh Thanh Loan (Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: “Khi tham quan hội chợ thương mại và chứng kiến sự phong phú của các sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tôi thật sự ấn tượng trước sự đa dạng, tinh tế trong từng mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Mỗi sản phẩm đều mang đậm bản sắc địa phương, từ hương vị, hình thức đến cách đóng gói, thể hiện sự tâm huyết của người làm ra. Tôi cảm nhận được sự chuyên nghiệp và niềm tự hào quê hương qua từng sản phẩm, đồng thời tin tưởng rằng đây sẽ là những mặt hàng có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường rộng lớn hơn”.

Một quầy trưng bày sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Bình

Một quầy trưng bày sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Bình

Anh Võ Văn Linh (Tp. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) nêu cảm nhận: “Tôi cảm thấy rất vui khi được nhìn thấy nhiều sản phẩm đặc trưng của các địa phương được trưng bày một cách bài bản, chuyên nghiệp. Các sản phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn cho thấy sự đầu tư kỹ lưỡng về chất lượng và thương hiệu. Tôi tin rằng với cách làm bài bản này, sản phẩm của chúng ta sẽ ngày càng vươn xa, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận nhiều hơn”.

Tại “Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP gắn với ứng dụng chuyển đổi số - Quảng Bình năm 2025” tổ chức vào ngày 26/4 có sự tham dự của hơn 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm đạt OCOP, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình và các tỉnh, thành phố; đại diện các Trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối, sàn thương mại điện tử, các điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Tại đây, ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho hay: “Tôi mong muốn các doanh nghiệp tìm hiểu, khai thác các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm đạt OCOP, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình và các tỉnh, thành phố để ký kết biên bản ghi nhớ tiến tới ký kết hợp đồng giao thương tiêu thụ và phân phối sản phẩm”.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình có có 220 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 184 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 33 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao)và 202 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 43 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung- Tây Nguyên và 12 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-binh-xay-dung-san-pham-dac-trung-nang-tam-gia-tri-dia-phuong-385132.html
Zalo