Cú hích đầu tư metro TP.HCM và Hà Nội - Bài cuối: Quyết định thành bại ở khâu thực hiện

Theo chuyên gia, việc Chính phủ dự kiến đề xuất Quốc hội xem xét cho phép TP.HCM và Hà Nội được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh việc triển khai các dự án metro là cần thiết và phù hợp với thực tế.

“Hà Nội và TP.HCM có những bước đi đầu tiên trong phát triển metro nhưng tiến độ quá chậm so với nhu cầu thực tế. Nếu chúng ta không có cơ chế đặc thù mạnh mẽ, các tuyến metro sẽ tiếp tục kéo dài thêm nhiều năm, gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế và chất lượng sống của người dân. Việc thúc đẩy nhanh các dự án metro không chỉ là vấn đề giao thông, mà còn là động lực quan trọng để phát triển bền vững, giảm ô nhiễm, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của hai TP lớn nhất Việt Nam”. PGS-TS - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định như trên với Pháp Luật TP.HCM khi bàn về thực trạng và giải pháp đẩy nhanh dự án metro ở Hà Nội và TP.HCM.

Chậm đầu tư metro dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực

. Phóng viên: Thưa ông Ngô Trí Long, theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ của các dự án metro ở Hà Nội và TP.HCM. Việc chậm trễ đầu tư metro ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước?

+ Ông Ngô Trí Long: Sự chậm trễ của các dự án metro tại Hà Nội và TP.HCM xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là vấn đề vốn, thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng (GPMB). Như chúng ta biết vốn đầu tư metro rất cao, trung bình khoảng 100-200 triệu USD/km. Việc huy động đủ vốn từ ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn vay ưu đãi gặp nhiều khó khăn. Các dự án metro hiện nay sử dụng nguồn vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) nhưng việc giải ngân vốn phụ thuộc vào quy trình phê duyệt và điều kiện của các bên tài trợ.

Thêm vào đó, thủ tục đầu tư metro phức tạp, kéo dài. Các dự án thường trải qua nhiều cấp phê duyệt từ địa phương đến trung ương, mất nhiều thời gian hoàn tất hồ sơ và trình tự, thủ tục. Sự thay đổi về chính sách, quy định trong quá trình triển khai cũng dẫn đến việc phải điều chỉnh, làm chậm tiến độ.

Công tác GPMB cũng luôn là một trong những rào cản lớn, do liên quan đến quyền lợi của người dân và DN. Việc bồi thường, tái định cư thường kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Giá đất thay đổi theo thời gian, dẫn đến việc điều chỉnh phương án bồi thường, gây thêm khó khăn. Ngoài ra, năng lực quản lý và triển khai hầu hết các nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát còn hạn chế; chưa có cơ chế khai thác quỹ đất dọc tuyến metro như ở nhiều quốc gia; ảnh hưởng bởi điều chỉnh quy hoạch và thay đổi công nghệ một số tuyến metro…

Sự chậm trễ làm metro gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của hai TP.

Thứ nhất, đầu tư metro chậm dẫn đến tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Bởi lẽ hai đô thị lớn nhất nước với dân số lần lượt khoảng 8 triệu và 10 triệu người nhưng hệ thống giao thông công cộng còn yếu kém. Các xe cá nhân tiếp tục tăng nhanh, gây ra ùn tắc nghiêm trọng, đặc biệt vào giờ cao điểm. Xe máy, ô tô cá nhân là phương tiện chính, làm gia tăng ô nhiễm không khí và tiếng ồn.

Thứ hai, tăng chi phí kinh tế, giảm năng suất lao động. Do ùn tắc, thời gian di chuyển trong TP kéo dài, làm giảm hiệu suất làm việc của hàng triệu lao động. Chi phí nhiên liệu, bảo trì xe cá nhân tăng cao, ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình. Doanh nghiệp (DN) chịu chi phí vận tải lớn hơn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Nếu được Quốc hội thông qua, các chính sách đặc thù sẽ giúp tháo gỡ nhiều rào cản, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án metro được triển khai nhanh hơn. Ảnh: VIẾT LONG

Nếu được Quốc hội thông qua, các chính sách đặc thù sẽ giúp tháo gỡ nhiều rào cản, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án metro được triển khai nhanh hơn. Ảnh: VIẾT LONG

Thứ ba, giảm khả năng thu hút đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài thường xem xét hạ tầng giao thông trước khi quyết định đầu tư. Việc metro chậm tiến độ làm giảm sức hấp dẫn của Hà Nội và TP.HCM trong mắt các tập đoàn quốc tế. Kéo dài thời gian hoàn vốn đối với các dự án bất động sản dọc tuyến metro, gây lãng phí quỹ đất.

Thứ tư, tổn thất về môi trường và chất lượng sống. Xe cá nhân tăng mạnh kéo theo ô nhiễm không khí, khí thải CO2 vượt mức cho phép. Hà Nội và TP.HCM đều thuộc tốp các TP ô nhiễm nhất Đông Nam Á. Người dân không có lựa chọn di chuyển nhanh chóng, tiện lợi và thân thiện với môi trường.

 Kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội. Đồ họa: MINH HIẾU

Kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội. Đồ họa: MINH HIẾU

Cần chú trọng khâu triển khai

. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng metro, Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội cho hai TP được hưởng sáu nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt. Theo ông, các chính sách đặc thù, đặc biệt có phải là “chìa khóa” tháo gỡ vướng mắc của các dự án metro tại Hà Nội và TP.HCM hay nằm ở khâu tổ chức thực hiện?

+ Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét sáu nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt có thể coi là một bước tiến quan trọng trong việc tháo gỡ các nút thắt lâu nay của các dự án metro tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, để đánh giá đây có phải là “chìa khóa” giải quyết triệt để vấn đề hay không, cần phân tích trên hai khía cạnh chính: Cơ chế, chính sách và khâu tổ chức thực hiện.

Thứ nhất, về cơ chế, chính sách, chúng ta khẳng định đây là yếu tố cần thiết để đẩy nhanh đầu tư. Theo đó, Chính phủ đề xuất các giải pháp để khắc phục các nguyên nhân dẫn đến triển khai chậm dự án metro như tôi đã trình bày ở trên.

 Kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM. Đồ họa: MINH HIẾU

Kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM. Đồ họa: MINH HIẾU

Trong đó, chúng ta thấy về nguồn vốn các cơ chế đặc thù được đề xuất gồm: Phát hành trái phiếu chính phủ giúp bổ sung nguồn lực tài chính mà không phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. Huy động ODA và vốn vay ưu đãi nếu có cơ chế linh hoạt hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn này, việc triển khai dự án có thể rút ngắn đáng kể.

Sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho phép TP.HCM và Hà Nội sử dụng phần ngân sách vượt thu để tái đầu tư vào hạ tầng, thay vì phụ thuộc vào trung ương. Bố trí vốn chuẩn bị đầu tư ngay cả khi ngân sách chưa được duyệt đầy đủ, điều này giúp rút ngắn thời gian chờ đợi nguồn vốn.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất các chính sách liên quan đến phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng). Cụ thể là cho phép khai thác quỹ đất dọc tuyến metro để tạo nguồn thu bù đắp chi phí đầu tư. Đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP) trong phát triển metro kết hợp với bất động sản. Cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư phát triển dự án theo mô hình TOD.

Như vậy, nếu được Quốc hội thông qua, các chính sách trên sẽ giúp tháo gỡ nhiều rào cản hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án metro được triển khai nhanh hơn.

Thứ hai, khâu tổ chức thực hiện, đây là yếu tố quyết định thành công. Tôi nói như vậy bởi dù chúng ta có cơ chế đặc thù nhưng nếu khâu thực hiện không hiệu quả, vấn đề vẫn tồn tại. Trong thực tế, nhiều dự án hạ tầng tại Việt Nam dù được ưu tiên vốn và cơ chế nhưng vẫn chậm trễ do năng lực tổ chức thực hiện yếu.

Một số thách thức trong khâu này gồm GPMB chậm. Bồi thường, tái định cư vẫn gặp nhiều khó khăn do: Giá đất tăng nhanh, người dân không đồng thuận với mức bồi thường. Chưa có cơ chế mạnh để cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp chây ì. Quy trình bồi thường, tái định cư còn nhiều vướng mắc pháp lý. Dù có cơ chế đặc thù về tài chính nhưng nếu không có chính sách đặc biệt cho GPMB, metro vẫn có thể bị đình trệ.

Thêm vào đó, chúng ta thấy các dự án metro ở Hà Nội, TP.HCM hầu hết do nhà thầu và tư vấn nước ngoài thực hiện, trong khi cơ quan quản lý trong nước còn hạn chế về chuyên môn, dẫn đến chậm xử lý các vướng mắc phát sinh; phụ thuộc vào phía nước ngoài trong điều chỉnh thiết kế, tiến độ; chưa có kinh nghiệm kiểm soát chi phí và ngăn chặn đội vốn.

Vì vậy, việc tăng cường năng lực quản lý dự án, đào tạo nhân sự và giảm bớt phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài là yếu tố quan trọng giúp đẩy nhanh tiến độ.

Ngoài ra, ngay cả khi chúng ta có vốn và cơ chế đặc thù, nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, metro vẫn có thể bị trễ tiến độ và đội vốn. Vì thế cần công khai tiến độ dự án để người dân giám sát, xây dựng cơ chế ràng buộc trách nhiệm với nhà thầu, ứng dụng công nghệ trong quản lý dự án để theo dõi tiến độ theo thời gian thực.

TP.HCM sẽ cam kết rõ tiến độ đến năm 2035 cho bảy tuyến metro

Tôi thống nhất các nội dung của Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM và Hà Nội. Tôi đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua các cơ chế đặc thù, đặc biệt này để đẩy nhanh tiến độ xây dựng metro, khai thác, đặc biệt là tuyến metro số 2 và các tuyến tiếp theo.

Sau khi đề án được Quốc hội thông qua, lãnh đạo TP sẽ triển khai ngay các nhiệm vụ như xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, có cam kết tiến độ rõ ràng từ nay đến năm 2035 cho bảy tuyến metro với chiều dài 355 km; nghiên cứu thành lập quỹ phát triển metro TP.HCM, có sự tham gia của ngân sách trung ương, địa phương và khu vực tư nhân. TP cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương lân cận đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai các tuyến metro kết nối liên vùng, tạo nền tảng cho hệ thống giao thông hiện đại của toàn khu vực Đông Nam Bộ.

NGUYỄN THỊ LỆ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, phát biểu tại thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM vào chiều 14-2

Tốc độ tăng trưởng của TP.HCM đảm bảo sẽ đạt hai con số

Đây là điều bắt buộc phải làm vì các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM thì không thể thiếu hệ thống đường sắt đô thị.

Chủ trương làm các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM được nhân dân, cử tri đồng thuận, ủng hộ, vấn đề chính là khâu tổ chức thực hiện làm sao phải hợp lý, khoa học để góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng về đường sắt đô thị.

Cách đây 20 năm khi bản thân tôi phụ trách công tác xúc tiến thương mại ở TP.HCM đã giới thiệu với các đối tác là TP.HCM sắp có sáu tuyến đường sắt đô thị. Thế nhưng đến nay đã 20 năm, chúng ta mới chỉ có một tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Nếu giờ chúng ta có ba tuyến đường sắt đô thị thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng của TP.HCM đảm bảo sẽ đạt hai con số. Do vậy thời gian tới phải dồn nguồn lực quyết làm cho được hệ thống đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM. Nếu trong năm năm nữa, TP.HCM có thêm tuyến số 2 và một số công trình giao thông trọng điểm khác thì chắc chắn TP sẽ đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước.

Đại biểu TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (TP.HCM)

NHÓM PV

Nhiều lợi ích khi phát triển metro

. Theo ông, việc hai TP tập trung đầu tư vào metro có đem lại những lợi ích về kinh tế cho người dân và cả nền kinh tế không? Ông có kỳ vọng gì về những chính sách đặc thù trên?

+ Lợi ích kinh tế của việc đầu tư metro và kỳ vọng về các cơ chế đặc thù cho Hà Nội và TP.HCM tập trung đầu tư vào hệ thống metro không chỉ nhằm giải quyết vấn đề giao thông đô thị mà còn đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân và nền kinh tế nói chung. Theo tôi, một số tác động đáng chú ý khi đầu tư metro như sau:

Thứ nhất, lợi ích kinh tế của việc đầu tư metro là tiết kiệm chi phí vận tải và giảm ùn tắc giao thông. Hiện nay, chi phí đi lại của người dân tại hai TP lớn khá cao do lệ thuộc vào xe cá nhân và phương tiện giao thông công cộng kém hiệu quả. Khi metro đi vào hoạt động, người dân có thể di chuyển nhanh chóng với chi phí rẻ hơn so với việc sử dụng xe máy hoặc ô tô cá nhân. Giảm ùn tắc giúp tiết kiệm hàng tỉ đồng mỗi năm do chi phí nhiên liệu lãng phí, thời gian chờ đợi và hao mòn xe.

Thứ hai, tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế khi người dân rút ngắn thời gian di chuyển, họ có thể dành nhiều thời gian hơn cho công việc, học tập và phát triển kinh tế cá nhân. DN cũng hưởng lợi khi nhân viên có thể đến nơi làm việc đúng giờ, giảm căng thẳng do tắc đường và nâng cao năng suất.

Thứ ba, tác động tích cực đến bất động sản và quy hoạch đô thị. Các tuyến metro tạo động lực phát triển đô thị theo hướng bền vững, giúp giảm áp lực lên trung tâm TP và kích thích sự phát triển của các khu vực lân cận. Giá trị bất động sản xung quanh các ga metro thường tăng đáng kể, từ đó tạo thêm nguồn thu từ khai thác quỹ đất, hỗ trợ vốn cho các dự án tiếp theo.

Thứ tư, giảm ô nhiễm môi trường và chi phí y tế. Khi metro phát triển, lượng xe cá nhân giảm, từ đó giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân. Giảm ô nhiễm cũng giúp tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng chi phí y tế mỗi năm do các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch.

Thứ năm, thu hút đầu tư và phát triển du lịch một hệ thống giao thông công cộng hiện đại sẽ giúp tăng tính hấp dẫn của TP với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khách du lịch có thể dễ dàng di chuyển, giảm phụ thuộc vào taxi, xe ôm truyền thống, từ đó góp phần phát triển ngành du lịch bền vững.

Tóm lại, dù còn nhiều thách thức, việc tập trung đầu tư vào metro là hướng đi đúng đắn, mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho cả người dân và nền kinh tế. Các cơ chế đặc thù nếu được Quốc hội thông qua và thực hiện hiệu quả sẽ giúp thúc đẩy quá trình xây dựng, sớm hình thành mạng lưới metro hiện đại, giảm ùn tắc, nâng cao chất lượng sống và tăng tính cạnh tranh của Hà Nội và TP.HCM trên trường quốc tế.

. Xin cảm ơn ông.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quyet-dinh-thanh-bai-la-khau-thuc-hien-post834355.html
Zalo