Ngôi chùa cổ gần 400 năm tuổi có hai bảo vật quốc gia ở Thái Bình

Có dịp đến thăm chùa Keo – ngôi chùa cổ gần 400 năm tuổi ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia hương án và phiên bản bộ cánh cửa gỗ chạm hình tượng rồng.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Thái Bình, hương án chùa Keo là bảo vật mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật; có hình thức độc đáo và là hiện vật gốc độc bản, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2022.

Căn cứ vào phong cách nghệ thuật và đề tài trang trí, hương án không chỉ là kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17) mà còn là kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc Việt Nam.

Ảnh: Tuyên Parafu

Ảnh: Tuyên Parafu

Hương án là đồ thờ cúng, có chức năng đặt bát hương và bày đồ thờ. Hương án chùa Keo được làm từ gỗ sơn son thếp vàng, dài 227cm, rộng 156cm, cao 153cm, hiện được đặt trang trọng tại tòa ống muống (phụ quốc), tiếp giáp với tòa hậu cung của khu thờ Đức thánh Dương Không Lộ.

Hương án có hình hộp chữ nhật, dạng chân quỳ, dạ cá, được kết cấu thành ba phần chính: mặt, thân và chân. Mặt hương án là tấm gỗ liền khối, để trơn, phủ một lớp sơn ta rồi đánh bóng nhằm bảo vệ bề mặt gỗ không bị trầy xước khi đặt lễ và bày đồ thờ lên trên.

Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Sự độc đáo của hương án chùa Keo nằm ở hệ thống hoa văn trang trí phong phú và dày đặc. Trong đó, hình tượng rồng với 68 đồ án được bố cục theo các đề tài như “long ẩn vân”, “lưỡng long chầu nhật”, “long giáng”...

Ngoài ra, trên hương án còn chạm khắc nhiều hoa sen, hoa cúc cùng các loại hoa lá, mây đao mác. Theo thống kê, có tổng cộng 550 bông sen, 435 bông cúc, 24 hoa dây, cùng các họa tiết lá, trúc, linh thú, mây lửa, ngọc báu...

Hiện nay, tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo, hai bộ cánh cửa gỗ đã được các nghệ nhân phục dựng lại giống như nguyên bản. Ảnh: Tuyên Parafu

Hiện nay, tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo, hai bộ cánh cửa gỗ đã được các nghệ nhân phục dựng lại giống như nguyên bản. Ảnh: Tuyên Parafu

Bộ cánh cửa gỗ chạm khắc hình tượng rồng có niên đại thế kỷ 17, cao 2m, rộng 2,6m, gồm hai cánh được ghép từ tám phiến gỗ lim, chia đều cho hai bên. Tất cả các phiến gỗ đều được ghép thủ công, sử dụng kỹ thuật ghép mộng gỗ.

Mỗi cánh cửa chạm một hình rồng lớn, một hình rồng nhỏ và một hình nghê. Hình tượng rồng được thể hiện theo bố cục đăng đối “lưỡng long chầu nhật” khi hai cánh cửa ghép lại. Thế uốn cong của đôi rồng kết hợp tạo thành hình lá đề, cùng với kỹ thuật chạm lộng công phu, tạo nên nhiều lớp không gian có chiều sâu.

Bộ cánh cửa chính gốc đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Bộ cánh cửa chính gốc đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Hiện nay, tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo, hai bộ cánh cửa gỗ đã được các nghệ nhân phục dựng lại giống như nguyên bản. Trong khi đó, bộ cánh cửa chính gốc đang được bảo quản, trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017.

Đăng Huy

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/ngoi-chua-co-gan-400-nam-tuoi-co-hai-bao-vat-quoc-gia-o-thai-binh/
Zalo