Quy định cụ thể về quản trị quốc gia, trách nhiệm giải trình của Chính phủ
Thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần bổ sung thêm các quy định cụ thể về quản trị quốc gia; làm rõ khái niệm 'phân quyền' và 'phân cấp', cơ chế thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ, cơ chế thẩm định hiệu quả phân cấp...
Sáng 14.2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
![Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51475263/59ba1f262d68c4369d79.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Làm rõ ranh giới giữa phân quyền và phân cấp
Các ĐBQH tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ để thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ và chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền, khắc phục những hạn chế, bất cập trong luật hiện hành; đánh giá cao việc tiếp cận xây dựng luật theo Kết luận số 119-KL/TW ngày 20.1.2025 của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật.
Để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khoản 5 Điều 5 dự thảo Luật về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ quy định “Thực hiện quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân”.
![ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51475263/b446fbdac99420ca7985.jpg)
ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận thấy, quy định như trên là cần thiết và kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Như vậy, Chính phủ không chỉ thực hiện nhiệm vụ của hoạt động quản lý nhà nước mà còn thực hiện nhiệm vụ quản trị quốc gia.
Tuy nhiên, đại biểu chỉ rõ, khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể thì dự thảo Luật mới chỉ có các quy định về quản lý nhà nước như: thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy nhà nước, thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước; thống nhất quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực quốc gia. Do đó, đại biểu đề nghị nên bổ sung thêm các quy định cụ thể về quản trị quốc gia trong dự thảo Luật.
Cũng quan tâm đến nội dung này, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) chỉ rõ, khoản 5 Điều 5 dự thảo Luật chưa có quy định về cơ chế cụ thể để thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Nhân dân. Việc minh bạch thông tin và giải trình chính sách vẫn còn nhiều hạn chế trong thực tế, do vậy, đại biểu đề xuất bổ sung quy định về cơ chế thực hiện trách nhiệm giải trình theo hướng bổ sung khoản 7 vào Điều 6 dự thảo Luật nội dung “Chính phủ có trách nhiệm giải trình công khai trước Nhân dân và Quốc hội về các chính sách lớn thông qua các báo cáo định kỳ, phiên chất vấn công khai và cơ chế phản biện xã hội do MTTQ Việt Nam tổ chức”.
![ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51475263/f113a28f90c1799f20d0.jpg)
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Khoản 3 Điều 6 dự thảo Luật về nguyên tắc phân định thẩm quyền quy định Chính phủ hướng dẫn chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền. Song, theo đại biểu Thạch Phước Bình, quy định này chưa làm rõ “ranh giới” giữa phân quyền tức là trao quyền quyết định độc lập và phân cấp là trao quyền thực hiện nhưng lại chịu sự chỉ đạo từ trên xuống.
“Nếu không có “ranh giới” rõ ràng, có thể xảy ra tình trạng Chính phủ vẫn can thiệp sâu vào công việc của địa phương, làm giảm tính chủ động của chính quyền địa phương”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị làm rõ khái niệm “phân quyền” và “phân cấp” theo hướng: phân quyền là chính quyền địa phương có quyền quyết định độc lập trong một số lĩnh vực (như phát triển kinh tế - xã hội địa phương); phân cấp là việc chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ, nhưng vẫn chịu sự giám sát.
Bổ sung cơ chế “thẩm định hiệu quả phân cấp”
Phân tích những nguy cơ về chồng chéo quyền lực, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, phân quyền không rõ ràng có thể dẫn đến sự chồng chéo giữa Trung ương và địa phương. Cụ thể, một số nhiệm vụ trọng yếu (quy hoạch, đầu tư công, quản lý đất đai, môi trường) có thể vừa thuộc trách nhiệm của Chính phủ, vừa thuộc thẩm quyền của địa phương, dễ dẫn đến tranh chấp trong thực thi chính sách. Nếu Trung ương vẫn giữ quyền ra quyết định nhưng giao địa phương thực thi mà không rõ trách nhiệm, có thể dẫn đến thiếu đồng bộ và trì trệ trong triển khai.
Về nguy cơ cát cứ quyền lực, đại biểu Trần Văn Khải nêu rõ, chính quyền địa phương có thể lạm quyền và thiếu kiểm soát. Việc phân quyền mạnh mẽ có thể khiến một số địa phương tự quyết định theo lợi ích địa phương, không nhất quán với chính sách chung. Một số tỉnh, thành phố giàu tài nguyên hoặc có kinh tế mạnh có thể tận dụng quyền phân quyền để thiết lập các chính sách ưu đãi riêng, gây bất bình đẳng với các địa phương khác, ngược lại, các địa phương yếu kém có thể không đủ năng lực thực hiện, gây trì trệ hoặc thậm chí lạm dụng quyền lực để trục lợi.
![ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51475263/abcaff56cd1824467d09.jpg)
ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị bổ sung vào Điều 7 dự thảo Luật các nguyên tắc “phân quyền có điều kiện”: chỉ phân quyền khi địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, quản trị; xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền. Đồng thời, cần tăng cường giám sát của Trung ương, Thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện.
Cho ý kiến vào Điều 8 dự thảo Luật về phân cấp, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ có thể dẫn đến sự lạm quyền trong phân cấp như: nhiều nhiệm vụ có thể vừa do Bộ quản lý, vừa do địa phương thực hiện (quản lý đô thị, đầu tư công, hạ tầng giao thông); nếu không có cơ chế đánh giá hiệu quả phân cấp, có thể dẫn đến việc giao quyền nhưng không đủ điều kiện thực hiện, gây lãng phí và trì trệ.
Mặt khác, phân cấp quá mạnh có thể khiến địa phương đưa ra các quyết định không đồng bộ với Trung ương. Một số địa phương có thể thiết lập chính sách riêng về đầu tư, thương mại, hành chính công, gây khó khăn trong kiểm soát. Nếu thiếu sự phối hợp giữa các địa phương, có thể xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lợi ích nhóm và chậm trễ trong việc triển khai các dự án lớn.
Do đó, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị, điều chỉnh nội dung của Điều 8 theo hướng bổ sung cơ chế “thẩm định hiệu quả phân cấp”, trong đó, quy định rõ nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hằng năm, các quyết định phân cấp phải được Quốc hội giám sát định kỳ. Cùng đó, áp dụng nguyên tắc “phân cấp linh hoạt”, đối với các địa phương chưa đủ năng lực cần có chế tài kiểm soát chặt chẽ thay vì giao toàn bộ quyền hạn.
![Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51475263/42f6196a2b24c27a9b35.jpg)
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, đa số ý kiến ĐBQH thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước; thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần của Hiến pháp.
Các đại biểu cũng đã góp ý nhiều vấn đề, vừa bao quát, vừa cụ thể, vừa có lý luận, vừa có tính thực tiễn và ý kiến phát biểu rất thẳng thắn, rất tâm huyết, thể hiện sự nghiên cứu sâu và trí tuệ cao; đề xuất nhiều phương án cụ thể để chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các ĐBQH, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại cuối Kỳ họp.