Kỳ họp bất thường lần thứ 9: Kiến tạo không gian phát triển mới

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Mở đường cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

- Ông đánh giá như thế nào về những đổi mới của Quốc hội trong xây dựng pháp luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, thưa ông?

Ông Trịnh Xuân An: Chúng ta đang ở trong một giai đoạn hết sức đặc biệt, có thể gọi đây là thời khắc của lịch sử, với tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chúng ta đang ở trong “một cuộc hành quân” để bước sang giai đoạn mới.

Ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 có nhiều nội dung quan trọng, không chỉ là kỳ họp bất thường để giải quyết các vấn đề theo quy định của Hiến pháp và tôi cho rằng, kỳ họp này sẽ tạo tiền đề, đánh dấu một giai đoạn mới, bước chuyển mình của dân tộc. Ngoài góc độ của Đảng, Nhà nước, kỳ họp này đánh dấu mạnh mẽ cả chuyển biến về pháp luật cho phát triển kinh tế - xã hội đến bộ máy nhà nước.

Kỳ họp này diễn ra ngay sau Tết, thời gian chuẩn bị khá ngắn, khối lượng công việc lớn, quan trọng là yêu cầu rất cao. Do vậy, để có được kết quả tốt, đòi hỏi sự tập trung cao độ từ công tác chỉ đạo điều hành của Đảng, người đứng đầu của Đảng, sự chuẩn bị của Chính phủ cho đến sự tham gia của đại biểu Quốc hội ngay từ đầu.

Một trong những điều đại biểu và cử tri, Nhân dân quan tâm đó là sự thay đổi trong xây dựng pháp luật. Kỳ họp này Chính phủ đưa ra trình Quốc hội những đạo luật hết sức quan trọng: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật… Như Chủ tịch Quốc hội đã từng nói, đây là những Luật, quy định tạo nền tảng để chúng ta tổ chức sắp xếp bộ máy, chuẩn bị tinh thần cho một giai đoạn mới, tinh gọn hơn, mạnh hơn, hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng hơn trong điều hành để thực hiện mục tiêu vươn mình của dân tộc trong giai đoạn tới.

Nếu chúng ta gọi xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế là “tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn” thì đây là điểm “trích” đầu tiên, nền tảng đầu tiên để chúng ta làm những việc khác.

Đầu tiên là phải con người, những đạo luật chúng ta đang sửa, đang nghiên cứu cho ý kiến đều liên quan đến bộ máy, liên quan đến con người.

Tiếp theo liên quan đến thể chế, quy trình thủ tục, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là luật làm ra luật, làm ra thể chế, chúng ta muốn tháo gỡ được thể chế, muốn khơi thông được điểm nghẽn của thế chế thì chúng ta phải sửa nội dung làm ra thể chế.

Chúng ta đang đi đúng hướng, đúng phương pháp để thực hiện cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Chỉ nhìn vào số lượng các điều luật cho thấy sự thay đổi về lượng, là các dự thảo luật đưa ra đều có khối lượng thấp hơn so với luật hiện hành. Chúng ta đang thay đổi chủ trương, đang thay đổi phương pháp cần tiếp cận đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Tổng Bí thư đó là luật mang tính định hướng chung, kiến tạo, không quy định quá chi tiết cụ thể, không thuộc chức năng của Quốc hội.

Tinh thần chung các luật sẽ giảm số lượng các điều nhưng cái tính kiến tạo, tính nền tảng, tính gợi mở đặt ra tính chuẩn chung, “đường ray” chung cho hệ thống.

Phân rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong Luật

- Thưa ông, việc đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật sẽ tác động như thế nào đến các đối tượng?

Ông Trịnh Xuân An: Chúng ta đang xây dựng những đạo luật theo đúng chủ trương của Đảng: Trung ương và Quốc hội kiến tạo, Chính phủ điều hành và địa phương thực hiện, người dân và doanh nghiệp là đối tượng thụ hưởng, trên cơ sở đó tạo nền tảng để phát triển.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ tại phiên họp toàn thể vào sáng ngày 15/2. Ảnh: VPQH

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ tại phiên họp toàn thể vào sáng ngày 15/2. Ảnh: VPQH

Cụ thể như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đây là cuộc cách mạng trong quy trình, hiện chúng ta không còn quy trình một năm 2 kỳ họp, chúng ta quy định cơ quan trình xây dựng chính sách phải chịu trách nhiệm đến cùng, vai trò Hội đồng dân tộc và của các ủy ban trong đánh giá, vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cân bằng những ý kiến trái chiều làm sao ra được dự án Luật tốt nhất để thông qua và chỉ một kỳ họp. Nếu chưa ổn thì tiếp tục ở kỳ họp sau để cơ quan trình nghiên cứu và tiếp tục bảo vệ, các đại biểu Quốc hội tiếp tục có ý kiến, đến khi dự thảo luật tốt nhất được thông qua.

Quy trình thông qua một kỳ họp là quy trình có ưu thế để chúng ta có nhiều đạo luật và nhiều quy định hơn. Chúng tôi cho rằng, đến thời điểm nào đó các đạo luật của chúng ta không còn dài đến hàng trăm điều nữa. Chúng ta sẽ phải đi vào vấn đề cụ thể, ngắn thôi có thể vài chục điều, hoặc vài điều thì khi đó chúng ta sẽ có một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ và nó có tính liên hoàn, liên hồi, liên tục để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tình hình kinh tế - xã hội.

Đối với bộ máy của Chính phủ, của Quốc hội, địa phương, các Luật lần này tuy rằng bớt đi khối lượng, số lượng các điều luật nhưng tính phân cấp cấp, phân quyền, quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn rất rành mạch.

Đơn cử như Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) chỉ quy định một số điều nhưng quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Như khoản 2 Điều 5 của dự thảo Luật sửa đổi có quy định làm luật chỉ mang tính định hướng, nguyên tắc chung. Với cách thức như vậy, luật không quy định cụ thể các cơ quan Quốc hội.

Đảm bảo bộ máy hiệu lực, hiệu quả

- Để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, vậy các luật được trình tại Quốc hội lần này đã tháo gỡ, tạo lực đẩy như thế nào trong việc xây dựng bộ máy hiệu lực hiệu quả, thưa ông?

Ông Trịnh Xuân An: Tổ chức bộ máy của chúng ta đang trong một cuộc cách mạnh tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực hiệu quả thì Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương với những tư tưởng đột phá mới trong tổ chức bộ máy - nhất là chúng ta đang trong một cuộc cách mạnh tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực hiệu quả. Điều này thể hiện rõ cả hai luật, chúng ta đã dành dành hẳn mục phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Nêu đúng tinh thần Trung ương, Quốc hội kiến tạo, Chính phủ điều hành và địa phương thực hiện thì chúng ta phải có phân công, phân cấp, phân quyền cụ thể.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 giải quyết những vấn đề cấp bách quan trọng, phục vụ cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Ảnh: VPQH

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 giải quyết những vấn đề cấp bách quan trọng, phục vụ cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Ảnh: VPQH

Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang bám sát tư tưởng đó, đưa ra được những nguyên tắc, những tiêu chí khi nào chúng ta phân cấp, khi nào chúng ta phân quyền, đặc biệt là vấn đề ủy quyền, có ủy quyền thường xuyên, ủy quyền một lần.

Luật tổ chức Chính phủ quy định từ người đứng đầu Chính phủ cho đến bộ, ngành, Luật đã thiết kế đúng hướng “rõ vai thuộc bài”, đúng trách nhiệm để từ đó chúng ta khơi thông được khâu điều hành.

Lâu nay, chúng ta đang vướng đùn đẩy trách nhiệm, không rõ trách nhiệm, một việc nhiều người có ý kiến, vô hình chung dẫm chân vào nhau, không thoát được việc. Một việc vướng nhiều bộ, không bộ nào giải quyết thì lần này chúng ta giải quyết được vấn đề đó. Làm đúng chức năng quản lý nhà nước, việc nào của cơ quan nào do chính cơ quan đó giải quyết, quyết định chứ không đùn đẩy. Điều này đảm bảo được quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Trước đây, để hoàn thành thủ tục hành chính một dự án mất cả năm đến vài năm nhưng nếu theo tinh thần như hiện nay phân cấp, phân quyền rõ ràng, địa phương quyết, địa phương làm thì tôi cho rằng 2 luật này có tính bổ trợ nhau.

Ban hành kịp thời các đạo luật để vận hành bộ máy mới

- Theo ông, thay đổi lớn nhất ở Kỳ họp bất thường lần thứ 9 là gì?

Ông Trịnh Xuân An: Thay đổi lớn nhất theo tôi đây là kỳ họp nền tảng của nền tảng, kỳ họp chìa khóa của chìa khóa. Chúng ta đang làm tốt được những định hướng, mạnh dạn quyết định những vấn đề mới, thay đổi.

Chúng ta ban hành Nghị quyết để xử lý những vấn đề phát sinh, đây là những điều kiện cần để chuyển mình thay đổi trong thời gian tới.

Đến thời điểm này, Quốc hội và Chính phủ đã hoàn thành nhiệm vụ mà Trung ương giao Ban Chỉ đạo về hoàn thiện bộ máy nhà nước thực hiện Nghị quyết 18 hiện đã có Đề án và được Trung ương chấp thuận. Chúng ta đang ban hành các đạo luật tạo cơ chế pháp lý cho vận hành bộ máy mới này.

Trước hết, chúng tôi đánh giá cao vai trò, sự chủ động, sự hy sinh quyết tâm nỗ lực của các cơ quan Chính phủ trong sắp xếp lại bộ máy. Sắp xếp bộ máy Chính phủ trên trung ương sẽ tác động đến địa phương, thì chúng ta lựa chọn phương án nào, giải pháp nào? Đây là cả sự nỗ lực, mặc dù thời gian ngắn, khối lượng lớn do vậy phải có phương pháp.

Chính phủ rất mạnh dạn lựa chọn chấp nhận nhiều việc khó, điều này tác động đến con người, tâm tư tình cảm, yếu tố vật chất, đời sống, thu nhập của một bộ phận không nhỏ nhỏ cán bộ công chức, viên chức và người lao động.

Chính phủ mạnh dạn đề xuất các giải pháp xử lý những vấn đề phát sinh, trước hết là giải pháp về mặt điều hành, chúng ta đã ban hành được Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Điều này cho thấy Đảng, Chính phủ không bỏ rơi người lao động, không phải sắp xếp cơ học, chúng ta có nghiên cứu để không ảnh hưởng đến đối tượng bị sắp xếp..

Đây là cơ hội để chúng ta tinh gọn bộ máy, để nhìn nhận được động lực mới, để tăng thêm hiệu lực hiệu năng trong điều hành, sắp xếp, đổi mới nếu hiệu quả không cao thì không đạt mục đích của tăng trưởng kinh tế - xã hội từ 8% trở lên trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo.

Sắp xếp này không chỉ ở Chính phủ, mà còn cả bộ máy của Đảng, của địa phương, chúng ta cần nhìn nhận tính lan tỏa việc đầu tư qua sắp xếp của các cơ quan của Chính phủ xuống còn 14 bộ và 3 cơ quan. Ở địa phương và các cơ quan khác cũng vậy.

Sự sắp xếp tinh gọn bộ máy của Chính phủ đã tạo ra điểm nhấn, kích hoạt cho việc sắp xếp các bộ máy tiếp theo. Chưa đất nước nào đối tượng hưởng lương từ ngân sách lớn như Việt Nam với hàng triệu người, thì chúng ta đang đứng trước một cơ hội lịch sử, để chúng ta rà soát lại, nâng cao vai trò lên.

Thay đổi bộ máy rồi, thay đổi con người rồi, chúng ta phải thay đổi phương pháp, cách thức về cách quản trị. Pháp luật thay đổi, thể chế thay đổi con người mới là quan trọng.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 là kỳ họp nền tảng của nền tảng, kỳ họp chìa khóa của chìa khóa để đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh: VPQH

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 là kỳ họp nền tảng của nền tảng, kỳ họp chìa khóa của chìa khóa để đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh: VPQH

Để phối hợp bộ máy tốt chúng ta phải tận dụng được khoa học, công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ trong quản trị điều hành.

Hệ thống pháp luật vừa sửa, vừa chạy, vừa xếp hàng. Quan trọng nhất không được ảnh hưởng đến điều hành kinh tế, đến người dân và doanh nghiệp. Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước là tính liên tục, liên thông, không được ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Đây là nguyên tắc đầu tiên trong thay đổi bộ máy và quy định của pháp luật.

Những bộ máy mới, con người mới phải bắt tay ngay vào công việc, không thể có độ ỳ, người đứng đầu tốt sẽ lan tỏa tới đội ngũ phía sau mình, cái này vai trò của tư lệnh ngành rất lớn, tư lệnh ngành không chỉ riêng các bộ trưởng mà còn là các cơ quan mới, địa phương, tất cả đều phải bắt tay ngay vào công việc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung cụ thể như sau:

Xem xét, thông qua 4 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi);

Và 5 Nghị quyết: Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội (trường hợp Luật Tổ chức Quốc hội được Quốc hội quyết định sửa đổi theo hướng không quy định cụ thể tên gọi các cơ quan chuyên môn của Quốc hội như Luật hiện hành); Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi).

Cùng nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cơ chế chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận....

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-hop-bat-thuong-lan-thu-9-kien-tao-khong-gian-phat-trien-moi-374017.html
Zalo