Quảng Yên (Quảng Ninh): Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Những năm qua, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực trong công tác thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
![Mô hình nuôi vịt trong "nhà lạnh" của ông Đồng Quang Cường, thôn Cẩm Lũy, xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên. (Ảnh: QMG)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_56_51473722/55a564d85696bfc8e687.jpg)
Mô hình nuôi vịt trong "nhà lạnh" của ông Đồng Quang Cường, thôn Cẩm Lũy, xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên. (Ảnh: QMG)
Một trong những điểm sáng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp tại thị xã Quảng Yên là mô hình chăn nuôi vịt hiện đại của gia đình ông Đồng Quang Cường tại xã Cẩm La. Trước đây, gia đình ông Cường chỉ làm chăn nuôi vịt nhỏ lẻ, nhưng từ khi Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh, năm 2016 ông Cường đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi hiện đại với hệ thống chuồng nuôi khép kín rộng 2.000m² phát triển chăn nuôi vịt. Đến năm 2022, ông Cường tiếp tục đầu tư gần 5 tỷ đồng để nâng cấp mô hình chăn nuôi, mở rộng chuồng trại nuôi vịt với 2 “nhà lạnh” khép kín, hiện đại, quy mô nhất tại thị xã Quảng Yên.
Đến nay, gia đình ông Cường đã sở hữu trang trại rộng hơn 3ha, với hệ thống chuồng nuôi vịt tự động, lò ấp trứng và quy trình khép kín, bảo vệ môi trường. Mỗi tháng, trang trại này cung cấp ra thị trường khoảng 12 vạn quả trứng và 2 tấn thịt vịt thương phẩm, đồng thời tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương. Ngoài việc nuôi vịt, ông Cường còn phát triển mô hình nuôi giun, tận dụng phân vịt để sản xuất giun, mở ra nguồn thu nhập mới cho gia đình. Mô hình này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn thân thiện với môi trường, góp phần vào mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của Quảng Yên.
Một trường hợp thành công khác là anh Nguyễn Chí Thành, tại phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên. Trước đây, anh Thành đã đầu tư nuôi tôm theo phương pháp quảng canh, nhưng gặp khó khăn khi diện tích ngày càng thu hẹp và thời tiết thất thường. Để giải quyết vấn đề này, anh đã chuyển sang mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm, anh đã tiết kiệm được khoảng 30% diện tích và tăng sản lượng đáng kể. Mỗi năm, gia đình anh thu hoạch khoảng 30 tấn tôm, với doanh thu gần 4,5 tỷ đồng.
![Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Lê Quang Tùng (phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên) cho thu nhập cao. (Ảnh: QMG)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_56_51473722/97f8a08592cb7b9522da.jpg)
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Lê Quang Tùng (phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên) cho thu nhập cao. (Ảnh: QMG)
Theo anh Thành, việc nuôi tôm trong nhà màng giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, duy trì môi trường nuôi tôm sạch sẽ và an toàn. Việc áp dụng phương pháp này không chỉ giảm chi phí mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao hơn so với phương pháp nuôi tôm truyền thống.
Ông Nguyễn Trọng Ba, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Quảng Yên cho biết: Thị xã Quảng Yên xác định phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng KHCN là yếu tố then chốt để nâng cao giá trị sản xuất và đạt các tiêu chí về NTM. Chúng tôi đã vận động người dân và doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình sản xuất hiện đại, tạo ra sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao.
Thị xã đặc biệt chú trọng đến phát triển sản xuất nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về thực phẩm sạch, khuyến khích nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau an toàn. Với diện tích canh tác rau lớn, trong đó có 170ha trồng rau an toàn, Quảng Yên đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Mô hình áp dụng công nghệ trồng rau thủy canh của Công ty Song Hành tại xã Tiền An là một điển hình. Công ty đã đầu tư hệ thống nhà màng, khu sơ chế, ươm giống và lọc nước để trồng rau thủy canh trong nhà kính, kiểm soát chặt chẽ lượng nước và dinh dưỡng. Nhờ công nghệ này, sản xuất rau tại đây không còn phụ thuộc vào thời tiết và có thể cung cấp sản phẩm chất lượng cao với sản lượng ổn định. Mỗi ngày, vùng rau của xã cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn rau sạch.
![Cánh đồng rau tại xã Tiền An, thị xã Quảng Yên. (Ảnh: QMG)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_56_51473722/79b54cc87e8697d8ce97.jpg)
Cánh đồng rau tại xã Tiền An, thị xã Quảng Yên. (Ảnh: QMG)
Đến nay, Quảng Yên đã hình thành hàng trăm ha sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP và có 37 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Quảng Yên đã được tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Năm 2024, dù phải đối mặt với thiên tai và khó khăn, nhất là cơn bão số 3 (Yagi), song nhờ sự chủ động và linh hoạt trong việc triển khai các kế hoạch sản xuất và phòng chống dịch bệnh của địa phương, ngành Nông nghiệp Quảng Yên vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định, với giá trị sản xuất đạt 2.256 tỷ đồng, đạt 93,1% so với kế hoạch năm.
Những kết quả đã đạt được sẽ giúp Quảng Yên hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, tạo ra một khu vực nông thôn giàu đẹp, văn minh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh.