Quảng Ngãi đẩy mạnh ủy thác cho vay tín dụng chính sách
Chất lượng tín dụng ủy thác không ngừng được nâng cao, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Quảng Ngãi đến cuối năm 2024 còn 4,25% (giảm 1,88% so với năm 2023), hộ cận nghèo còn 3,66% (giảm 1,31% so với năm 2023)…
Trong những năm gần đây, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Quảng Ngãi đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đến người nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn. Nhờ đó, người nghèo và các đối tượng chính sách đã biết sử dụng vốn vay hiệu quả, tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương…
Ông Trần Duy Cường, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, để cụ thể hóa nội dung công việc ủy thác, NHCSXH tỉnh và Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh đã ký kết văn bản liên tịch và văn bản thỏa thuận về việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác, NHCSXH tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai nghiêm túc, bài bản, đảm bảo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.
![Hội nghị tổng kết hoạt động tín dụng chính sách ủy thác cho vay thông qua các hội, đoàn thể ở Quảng Ngãi năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025...](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_59_51477146/167ea1cd93837add2392.jpg)
Hội nghị tổng kết hoạt động tín dụng chính sách ủy thác cho vay thông qua các hội, đoàn thể ở Quảng Ngãi năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025...
Tổng dư nợ ủy thác thông qua các hội, đoàn thể trên địa bàn Quảng Ngãi đến 31/12/2024 đạt 5.704.598 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 99,8% tổng dư nợ, tăng 504.587 triệu đồng so với đầu năm. Tổng doanh số cho vay thông qua các Hội, đoàn thể nhận ủy thác đạt 1.868.404 triệu đồng (chiếm 99,7% tổng doanh số cho vay); doanh số thu nợ là 1.362.980 triệu đồng.
Trong quá trình triển khai hoạt động ủy thác, NHCSXH tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thường xuyên củng cố, kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn, bảo đảm hài hòa giữa việc tổ chức Tổ tiết kiệm và vay vốn theo tổ chức Hội và theo địa bàn dân cư, tạo thuận lợi cho quá trình quản lý, vận hành hoạt động Tổ. Đến 31/12/2024, có 2.586 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với gần 105.602 tổ viên còn dư nợ; bình quân dư nợ 2,2 tỷ đồng/tổ và 40,8 tổ viên/tổ; bình quân 1 khách hàng có dư nợ 54 triệu đồng.
Việc thực hiện ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng. Nợ quá hạn ủy thác đến 31/12/2024 là 4.962 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,09% tổng dư nợ nhận ủy thác, giảm 1.004 triệu đồng so với đầu năm.
![Chất lượng tín dụng ủy thác không ngừng được nâng cao, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Quảng Ngãi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_59_51477146/39d28361b12f5871013e.jpg)
Chất lượng tín dụng ủy thác không ngừng được nâng cao, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Quảng Ngãi.
Song song, với việc triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH các cấp đã phối hợp với các Hội, đoàn thể nhận ủy thác tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia gửi tiết kiệm, nhằm tăng cường huy động nguồn vốn dư thừa từ dân cư, góp phần cùng nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn ủy thác địa phương để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
NHCSXH đã phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội duy trì và tổ chức tốt việc giao dịch tại 173 điểm giao dịch xã/173 xã, phường, thị trấn. Trên 93% tổng giá trị giao dịch của NHCSXH với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được thực hiện tại điểm giao dịch xã, đảm bảo chính xác, nhanh chóng, thuận lợi và an toàn.
Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt các nội dung ủy thác đã ký kết. Có phân công cán bộ chuyên trách theo dõi và thực hiện việc ủy thác, mở sổ sách theo dõi. Hàng năm, công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc của Hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp tỉnh, huyện đối với Hội, đoàn thể cấp xã và của Hội, đoàn thể cấp xã đối với các Tổ tiết kiệm và vay vốn được tăng cường.
![Các tổ chức chính trị - xã hội ở Quảng Ngãi thực hiện tốt các nội dung ủy thác đã ký kết với NHCSXH.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_59_51477146/bcc404773639df678628.jpg)
Các tổ chức chính trị - xã hội ở Quảng Ngãi thực hiện tốt các nội dung ủy thác đã ký kết với NHCSXH.
Đồng thời, chỉ đạo Hội, đoàn thể cấp xã phối hợp cùng NHCSXH cấp huyện tổ chức giao ban hàng tháng theo lịch giao dịch của NHCSXH tại xã; phối hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... hướng dẫn giúp hộ vay sử dụng vốn hiệu quả và thực hiện lồng ghép các chương trình dự án tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Hàng năm, Hội, đoàn thể các cấp tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, những vướng mắc tồn tại và giải pháp khắc phục, kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động ủy thác.
Ông Trần Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân cấp huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm, tổ chức kiểm tra các xã có nguồn vốn vay; chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các đối tượng được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước; tích cực, chủ động phổ biến những chính sách mới của Nhà nước về chương trình tín dụng ưu đãi; các văn bản nghiệp vụ về các chương trình cho vay mới của NHCSXH đến cán bộ, hội viên nông dân; tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm tự nguyện...
Tương tự, theo ông Võ Đình Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Quảng Ngãi, thời gian qua Hội Cựu chiến binh các cấp đã phối hợp cùng NHCSXH thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến người dân, đặc biệt là đối tượng thụ hưởng thông qua thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những giải pháp phù hợp về triển khai giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Chất lượng tín dụng ủy thác không ngừng được nâng cao, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Quảng Ngãi đến cuối năm 2024 còn 4,25% (giảm 1,88% so với năm 2023), hộ cận nghèo còn 3,66% (giảm 1,31% so với năm 2023)…
![Hội đoàn thể các cấp cần phân công, bố trí ổn định cán bộ làm ủy thác có đủ năng lực, trình độ, nhiệt tình và trách nhiệm để chỉ đạo và tổ chức thực hiện ủy thác ở các cấp hội...](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_59_51477146/a828169b24d5cd8b94c4.jpg)
Hội đoàn thể các cấp cần phân công, bố trí ổn định cán bộ làm ủy thác có đủ năng lực, trình độ, nhiệt tình và trách nhiệm để chỉ đạo và tổ chức thực hiện ủy thác ở các cấp hội...
Song song với những kết quả đạt được, hoạt động ủy thác ở địa phương vẫn còn những mặt hạn chế. Nguyên nhân chính do một số Hội, đoàn thể thiếu cán bộ thực hiện các nội dung công việc được ủy thác, nhất là tại đơn vị nhận ủy thác cấp xã. Điều kiện cơ sở vật chất của Hội, đoàn thể cấp xã còn thiếu thốn, kỹ năng sử dụng các phần mềm ứng dụng còn hạn chế (đặc biệt tại các xã miền núi). Một số địa phương có điều kiện kinh tế, tự nhiên, xã hội còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư sinh sống thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; một số địa phương sáp nhập địa giới hành chính, hình thành các xã quy mô lớn, địa bàn rộng nên dư nợ ủy thác ngày càng tăng, khối lượng công việc ủy thác ngày một lớn... Đặc biệt, một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã chưa đánh giá đúng mức về vai trò hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, coi việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ của riêng NHCSXH và tổ chức chính trị - xã hội…
Cũng theo ông Trần Duy Cường, trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục phối hợp cùng Hội, đoàn thể các cấp tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; phối hợp rà soát, xác nhận đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng, xây dựng kế hoạch tín dụng chính sách sát với tình hình thực tế tại cơ sở; chỉ đạo Hội cấp xã tham gia giám sát ngay từ khi bình xét cho vay tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng, đảm bảo 100% khách hàng thuộc đối tượng thụ hưởng, đủ điều kiện vay vốn và có nhu cầu vay đều được đáp ứng vốn phù hợp với phương án đầu tư đạt hiệu quả, đặc biệt tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
NHCSXH chi nhánh tỉnh và các Hội, đoàn thể các cấp chú trọng việc tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.
Hội đoàn thể các cấp phân công, bố trí ổn định cán bộ làm ủy thác có đủ năng lực, trình độ, nhiệt tình và trách nhiệm để chỉ đạo và tổ chức thực hiện ủy thác ở các cấp hội, đoàn thể. Tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội, đoàn thể và ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Ban Thường vụ hội, đoàn thể các cấp, nhất là cấp xã cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và NHCSXH trong xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm để tiếp nhận được nguồn vốn ủy thác, gắn kết giữa việc cho vay vốn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương - Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.