Quản lý dạy thêm, học thêm là sự thay đổi nhận thức của xã hội
Từ hôm nay (14/2), Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD &ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu xử nghiêm các trường hợp vi phạm. Giáo viên cần tuân thủ các quy định để tránh trường hợp bị xử lý đáng tiếc.

Sẽ thay đổi thi cử, đánh giá để hạn chế dạy thêm, học thêm. (Ảnh minh họa: TPO)
Cả thầy cô và phụ huynh đều tâm tư
Thực tế, trước thời điểm này, giáo viên (GV), trường học ở TP HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Tiền Giang, Bình Dương... đồng loạt dừng dạy thêm. Trong nhà trường, Bộ chỉ cho dạy thêm đối với ba nhóm: có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; được chọn bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi; HS cuối cấp. Việc dạy này phải miễn phí, trong khi trường công không có nguồn thu đáng kể nào ngoài ngân sách nên phải dừng để chờ hướng dẫn.
Thông tư mới yêu cầu không được thu tiền đối với HS học thêm trong nhà trường cũng gây hụt hẫng với nhiều thầy cô.
Cô N.N, giáo viên Ngữ văn ở quận 1, TP HCM cho biết, thu nhập từ việc dạy học của cô khoảng 40 triệu đồng/tháng, nhưng nếu không được thu tiền HS học thêm trong nhà trường, mức này giảm 80%. Nhiều GV cho rằng, cảm thấy bị phân biệt so với nhiều ngành nghề khác khi không thể kiếm tiền chính đáng bằng sức lao động và chuyên môn của mình.
Từ góc độ quản lý, một hiệu trưởng tâm tư nếu dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được phép thu tiền của HS thì nguồn kinh phí để trường tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ lấy từ đâu. Nếu không có nguồn kinh phí cho việc này thì rất khó khăn. Đó là chưa kể GV sẽ kém nhiệt tình khi bỏ thời gian, công sức dạy miễn phí.
Trên các diễn đàn, phụ huynh cũng bày tỏ nhiều quan điểm về vấn đề “nóng” này. Chị Thanh Hà (TP HCM) chia sẻ: “Con tôi học lớp 4 đã phải thi tổng là 7 môn, với 12 buổi thi lấy điểm để đánh giá trong 2 tuần. Như vậy thì quá nặng nề với HS tiểu học. Theo tôi, việc đầu tiên là phải thay đổi cách đánh giá HS: kết hợp dựa trên quá trình học tập và điểm kiểm tra cuối kỳ. Còn hiện nay, thực tế đánh giá HS dựa trên điểm thi cuối kỳ là nặng về điểm số thì đương nhiên sẽ phải đi học thêm”.
Liên quan đến vấn đề này, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ: “Vấn đề là bớt học thêm hay là bớt học đi. Thứ chúng ta cần bớt vốn không phải chuyện học thêm, dạy thêm mà là xử lý những trường hợp học thêm, dạy thêm biến tướng. Là cách chúng ta tổ chức các kỳ thi để con trẻ không đi học thêm vẫn có thể bằng nỗ lực tự học đỗ được vào các ngôi trường tốt hơn. Là cách mà chúng ta dạy và học theo phương pháp thay vì “tầm chương trích cú”, luyện đi luyện lại dạng đề chỉ để “đua” xem đứa trẻ nào thuộc bài hơn đứa trẻ nào. Xa hơn nữa là tinh thần tự học thay vì kèm cặp, giám sát, kè kè thước kẻ trên tay…”.
Thay đổi thi cử để HS không cần học thêm vẫn vượt qua
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, về phía Bộ GD&ĐT sau khi ban hành Thông tư 29 và sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ sẽ tiếp tục có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo để các Sở GD&ĐT tham mưu và ban hành các hướng dẫn thực hiện tại địa phương. Được biết hiện nhiều Sở GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư 29 và đã tham mưu cho địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp cho phát triển GD&ĐT.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Bộ sẽ có giải pháp nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy, trách nhiệm của nhà giáo, phát huy năng lực tự học của HS. Việc kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng phải đổi mới, không đánh đố, không ra ngoài chương trình để HS không cần học thêm vẫn có thể vượt qua. Ông lưu ý các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, tăng số trường, lớp dạy học hai buổi trên ngày. Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của GV để họ nói “không” với dạy thêm không đúng quy định; đồng thời có chính sách đảm bảo đời sống cho nhà giáo.
Đối với phụ huynh HS và xã hội, ông Thưởng bày tỏ mong muốn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc và cả sự giám sát. Khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, còn chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, còn chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình ngoài giáo dục nhà trường… thì khi đó dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ là vấn đề chính sách mà là sự thay đổi nhận thức của xã hội. Những chính sách để đảm bảo đời sống cho nhà giáo cũng là giải pháp cho vấn đề này. Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều tham mưu và đang tiếp tục tham mưu về các chính sách cho nhà giáo, trong đó Luật Nhà giáo dự kiến được ban hành trong thời gian tới cũng sẽ mang lại những chính sách tích cực cho nhà giáo.
Một số chuyên gia giáo dục nhìn nhận, những điều chỉnh của Bộ GD&ĐT đang theo hướng “không quản được thì cấm”. Để không vi phạm, GV phải dạy thêm ở các trung tâm hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi lập một doanh nghiệp giáo dục là câu chuyện rất “nhiêu khê” với hàng chục quy định về cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình, giấy phép. Để có thể quản lý việc dạy thêm và học thêm hiệu quả, ngành Giáo dục cần có sự chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ bao gồm đẩy nhanh lộ trình tăng lương cho GV, chuẩn bị về hạ tầng và sớm xây dựng các quy định, tiêu chí, kiểm soát chất lượng GV, chất lượng dạy học ở các trung tâm… để các bậc phụ huynh và HS yên tâm lựa chọn.