Mô hình 'Nhà trường - gia đình - xã hội': Bảo đảm giao thông an toàn cho học sinh
Nhằm nâng cao hiệu quả, trách nhiệm trong công tác phối hợp quản lý về an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã triển khai mô hình 'Nhà trường - gia đình - xã hội' với thông điệp chung tay tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành quy định khi tham gia giao thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tuyên truyền các quy định của pháp luật giúp học sinh tham gia giao thông an toàn
Cách làm hay
Trao đổi với P.V, Thượng tá Nguyễn Minh Tấn, Phó trưởng Công an (CA) TP.Bến Cát, cho biết để triển khai mô hình “Nhà trường - gia đình - xã hội” mang lại hiệu quả cao, trước hết CA thành phố tổ chức tuyên truyền đến 100% trường học các cấp và trung tâm giáo dục thường xuyên. Sau đó, đơn vị sẽ tổ chức thống kê trường học, số lượng học sinh, phương tiện và phân rõ trách nhiệm của mỗi gia đình. Theo thống kê, TP.Bến Cát có 37 cơ sở giáo dục với hơn 56.000 học sinh các cấp. Với nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh trên tuyến, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) -TT CA thành phố đã lập mẫu báo cáo gồm các nội dung như tên trường; số lượng học sinh; số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên; xe mô tô, xe máy trên 50cm3, xe mô tô điện; xe máy điện, xe mô tô, xe gắn máy dưới 50cm3; xe đạp điện, đi bộ, xe đạp; phụ huynh đưa rước; đi xe đưa rước. Mẫu báo cáo này được gửi đến các trường, nhà trường sẽ điền đầy đủ thông tin và gửi về CA thành phố.
Việc thống kê giúp lực lượng CSGT-TT nắm được số lượng học sinh tham gia giao thông và triển khai kiểm tra đột xuất việc chấp hành trong học sinh cũng như tại bãi gửi xe các trường. “Hiện tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy không còn do quy định về mức phạt cao của Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về việc giao phương tiện cho người chưa đủ tuổi đã tác động đến ý thức chấp hành của phụ huynh”, Thượng tá Nguyễn Minh Tấn thông tin.
Tương tự, thầy Phạm Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP.Thủ Dầu Một), cho biết thực hiện hiệu quả mô hình “Nhà trường - gia đình - xã hội”, trường đã phối hợp cùng Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh, Phòng CSGT CA tỉnh tổ chức tuyên truyền về ATGT và ký cam kết chấp hành quy định khi tham gia giao thông. Để gắn kết trách nhiệm với phụ huynh, thông qua giáo viên chủ nhiệm, nhà trường đã phổ biến quy định của pháp luật và thực hiện ký cam kết với tất cả phụ huynh hiện có con học tại trường về việc không giao phương tiện cho người chưa đủ tuổi. Đối với học sinh, chấp hành nghiêm quy định khi tham gia giao thông như không vượt đèn đỏ, đội mũ bảo hiểm, không chở quá số người quy định; không chạy dàn hàng ngang, đi ngược chiều; lạng lách, đánh võng. Ngoài ra, nhà trường cũng quán triệt đến đội ngũ bảo vệ không giữ xe đối với các học sinh chưa đủ tuổi, học sinh không có mũ bảo hiểm điều khiển phương tiện; tất cả các thầy cô giáo trong trường phải gương mẫu chấp hành quy định khi tham gia giao thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP.Bến Cát kiểm tra đột xuất tại bãi gửi xe một trường học
Cần sự chung tay
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết để thực hiện hiệu quả mô hình “Nhà trường - gia đình - xã hội”, sở đã chỉ đạo 100% các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm, kết hợp tuyên truyền, giám sát xây dựng thói quen, văn hóa giao thông cho học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên là tấm gương cho học sinh noi theo trong thực hiện pháp luật giao thông và văn hóa giao thông. 100% các đơn vị trường học tổ chức cho cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT cũng như thông báo các lỗi học sinh vi phạm đến nhà trường và gia đình để phối hợp nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời. Ngoài ra, học sinh đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy đến trường phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và đăng ký phương tiện, chủng loại với nhà trường.
Trung tá Trần Minh Tuấn, Phó trưởng phòng CSGT CA tỉnh, cho biết thời gian qua lực lượng CSGT CA tỉnh đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền về ATGT đến các trường, các cấp học. Sau đó cùng nhà trường, phụ huynh ký cam kết bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về ATGT đối với học sinh và phụ huynh. Theo báo cáo từ lực lượng làm nhiệm vụ, với sự kiểm soát quyết liệt của lực lượng CSGT về giấy phép lái xe, đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện nên hiện nay học sinh chấp hành tốt các quy định. Việc bảo đảm an toàn cho học sinh không chỉ là xử phạt lỗi vi phạm để răn đe mà còn sự chung tay của các cấp, các ngành; trong đó có trách nhiệm giáo dục từ nhà trường, sự quan tâm từ gia đình cùng với việc kiểm tra từ lực lượng chức năng để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viên; từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, từ ngày 15-12-2023 đến ngày 14- 2-2024, có 285 đơn vị giáo dục đăng ký mô hình Cổng trường an toàn giao thông. Lực lượng CSGT Công an tỉnh đã tổ chức gần 20 buổi tuyên truyền với hơn 17.500 lượt học sinh, giáo viên tham gia, ký hơn 1.700 bản cam kết chấp hành các quy định khi tham gia giao thông.