Phu Văn Lâu - 'tòa công báo' thời xưa

Thời chưa có báo chí, thông tin của triều đình ban bố cho dân chúng phải truyền đạt bằng loa miệng. Các văn bản quan trọng được sao chép, treo ở thành trấn, làng xã và bản chính được treo tại Phu Văn Lâu.

Theo bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, bài ký của tiến sĩ Bùi Xương Trạch viết năm Hồng Đức thứ 24 (1489) ghi về việc xây Quảng Văn Đình theo lệnh vua Lê Thánh Tông, trong đó, kể nguyên nhân ra đời của công trình này.

“Nay nhà vua lo rằng chính sự nhiều, thần dân đông, không thể bảo tận mặt, nói tận tai được, nên mới gọi các thợ vẽ kiểu mẫu, dùng tài ông Thùy, cái khéo ông Thâu (tên 2 người thợ giỏi thời xưa) xây dựng ngôi đình ở trong cửa Đại Hưng để làm chỗ dán các giấy nói về công việc chính trị của vua”.

Bài ký của Bùi Xương Trạch xác định, đình Quảng Văn treo các văn bản của triều đình giúp quan lại tuân theo phép tắc, biết học hỏi, khuyên răn lẫn nhau. Đối với dân chúng thì được hưởng lợi ích: “Dân nghe “đức hóa” vui mừng, vâng theo “đức âm” cổ vũ, trông thịnh trị hòa vui, xem chính sách rộng lớn ai cũng vui mừng, hớn hở.

Thế thì dựng lên đình này là để thêm phần thịnh trị cho cơ nghiệp được vững bền...”. Những tòa đình, lầu treo chiếu chỉ của nhà vua có vị trí quan trọng, giống như “tòa công báo” của thời kỳ đầu, tương tự cơ quan truyền thông ngày nay.

Phu Văn Lâu thời Nguyễn

Có vai trò như Quảng Văn Đình ở Thăng Long, lầu Phu Văn đặt trước kinh thành Huế, sát bờ sông Hương. Bộ sử “Đại Nam thực lục” của triều Nguyễn cho biết, tại vị trí này, trước đó triều đình cho “đặt bảng đình, các chiếu thư, dụ chỉ đem bá cáo thì treo yết ở đó”, đến tháng 6 năm Gia Long thứ 18 (1819) dựng ngôi lầu Phu Văn.

Phu Văn Lâu là ngôi nhà 2 tầng, tầng dưới chỉ có cột mà không có tường, quay mặt về hướng Nam. Hai bên lầu có đặt 2 tấm bia đá khắc 4 chữ “khuynh cái hạ mã”, có nghĩa là ai đi qua đây đều phải cởi mũ và xuống ngựa để tỏ lòng tôn trọng.

Năm vua Minh Mạng thứ 3 (1822), triều đình chuẩn định từ đây về sau, các chiếu văn phải niêm yết ở lầu Phu Văn. Các chiếu thư được tuyên đọc ở Ngọ Môn hoặc điện Thái Hòa sẽ được đặt trên long đình, có che lọng và quân lính theo hầu 2 bên để đưa ra niêm yết tại Phu Văn Lâu. Tri huyện trong kinh kỳ phải dẫn kỳ lão, hương lý và thân hào đến trước lầu để lạy xem.

Cũng năm đó, vua Minh Mạng cho mở khoa thi Hội và định phép thi, đến kỳ đệ tứ thì dâng những quyển trúng để lấy số trúng cách, sau đó làm danh sách đệ tâu và yết bảng ở lầu Phu Văn. Năm sau, vua Minh Mạng cho định lại phép thi Điện (như thi Đình thời trước), sau chấm thi, xét duyệt thứ bậc người đỗ tiến sĩ, triều đình đặt đại triều nghi ở điện Thái Hòa để xướng danh, treo bảng vàng ở lầu Phu Văn và trong 3 ngày cất bảng ở Quốc Tử Giám. Sau khi phát bảng 2 ngày, vua ban yến cho các tiến sĩ ở công đường Bộ Lễ, cho trâm và hoa lụa cùng cờ biển vinh quy.

Sự kiện lịch sử liên quan Phu Văn Lâu

Phu Văn Lâu là tòa nhà lầu cao gần 12m, mái lợp ngói ống tráng men vàng, với 16 cột sơn màu đỏ sậm, có lan can bao xung quanh, không gian tầng dưới hoàn toàn để trống. Tòa nhà tuy không lớn, nhưng ở vị trí giữa mặt tiền kinh thành. Đến đời vua Minh Mạng, nơi này là một điểm rất được coi trọng. Các chiếu thư của nhà vua sau khi được tuyên đọc sẽ được đặt trên long đình, che lọng và có quân lính hầu 2 bên để đưa ra niêm yết tại Phu Văn Lâu.

Đặc biệt, việc niêm yết chỉ dụ tại Phu Văn Lâu quan trọng và rất nghiêm minh. Một chuyện được ghi trong “Đại Nam thực lục”- Minh Mạng thứ 5 (1824), xảy ra đã 200 năm xác định việc này. Nguyên có tờ dụ niêm yết ở lầu Phu Văn, người coi giữ không cẩn thận để cho rách. Thiêm sự Bộ Hộ Hoàng Công Dương (hàm tứ phẩm) nhận lời nhờ tha tội cho lính canh và sự việc bị phát giác.

Nghe chuyện, vua Minh Mạng dụ Bộ Hình rằng: “Công Dương do nghề mọn xuất thân, làm quan đến tứ phẩm, lại chẳng giữ mình cho sạch, cam chịu nhơ bẩn, phép nước ơn vua đã không để bụng”. Nhà vua sai lột bỏ mũ áo Hoàng Công Dương, giao vệ Cẩm y đóng gông đợi xét giáng chức.

Năm 1829, vua Minh Mạng cho tổ chức cuộc thi đấu giữa voi và hổ. Năm sau, nhà vua làm yến tiệc tại đây suốt 3 ngày 3 đêm để mừng sinh nhật của mình. Về sau, các vua Thiệu Trị, Tự Đức giữ cái lệ này, nhân những ngày khánh thọ của mình. Năm 1843, vua Thiệu Trị cho dựng một nhà bia bên phải của lầu để khắc bài thơ Hương Giang Hiểu Phiếm (Buổi sớm bơi thuyền trên sông Hương). Năm 1904, có 1 cơn bão mạnh thổi bay Phu Văn Lâu, vua Thành Thái cho xây dựng lại với kiến trúc giống y như cũ. Trong đó, 2 bên mặt trước Phu Văn Lâu có đặt 2 khẩu súng thần công nhỏ bằng đồng hướng vào nhau.

Đáng lưu ý, Phu Văn Lâu là nơi chứng kiến nhà vua Duy Tân yêu nước bị quân Pháp bắt và đày ra đảo trong lần vua giả vờ ngồi câu cá để bí mật gặp chí sĩ Trần Cao Vân, Thái Phiên bàn chuyện khởi nghĩa chống giặc. Sau sự kiện này, tổ chức kháng chiến bị giặc đàn áp dã man.

Dân gian còn ghi lại những câu hò mái nhì nói lên nỗi lòng của những người yêu nước: “Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi, ai câu, sai sầu, ai thảm?/ Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông? Thuyền ai thấp thoáng bên sông/ Nghe câu mái đẩy, chạnh lòng nước non!”.

N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phu-van-lau-toa-cong-bao-thoi-xua-a391880.html
Zalo