Vị vua đầu tiên của Việt Nam bỏ lệ quỳ lạy trước sứ giả phương Bắc, khẳng định vị thế dân tộc

Vị minh quân này có vai trò vô cùng to lớn trong lịch sử Việt Nam. Nói đến ông, không thể không kể đến thái độ mạnh mẽ, kiên quyết bỏ lệ quỳ lạy khi nhận chiếu chỉ từ phương Bắc.

Trong lịch sử phong kiến, các vua chư hầu thường phải quỳ lạy khi nhận chiếu thư từ thiên triều. Tuy nhiên, vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn, 941–1005) đã kiên quyết từ làm việc này, thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc. Vị vua này chính là một trong 14 anh hùng tiêu biểu của lịch sử Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lê Hoàn từ nhỏ đã nổi bật với tư chất thông minh và tài năng xuất chúng. Khi trưởng thành, ông trở thành bộ hạ thân cận của Nam Việt vương Đinh Liễn, con trai vua Đinh Bộ Lĩnh, và được cả hai cha con hết mực tin cậy. Năm 27 tuổi, Lê Hoàn được phong làm Thập đạo tướng quân, giữ vai trò chỉ huy tối cao của quân đội Đại Cồ Việt.

Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng và con trai Đinh Liễn bị ám sát, nhà Tống chuẩn bị xâm lược nước ta. Trước tình hình nguy cấp, Thái hậu Dương Vân Nga và triều đình đã tôn Lê Hoàn lên ngôi vua. Năm 981, ông lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt đánh bại quân Tống, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Không dừng lại ở đó, Lê Hoàn còn chinh phục quân Chiêm Thành và dẹp tan các cuộc nổi loạn trong nước, thống nhất lãnh thổ, đưa đất nước vào thời kỳ hòa bình và ổn định.

Không chỉ nổi bật với tài năng quân sự kiệt xuất, Lê Hoàn còn được biết đến như một nhà lãnh đạo có tầm nhìn sâu rộng, với những chính sách đối nội, đối ngoại vô cùng khéo léo. Dưới sự trị vì của ông, Đại Cồ Việt giữ vững một nền ngoại giao vừa cứng rắn, bảo vệ chủ quyền, vừa mềm dẻo, khéo léo trong ứng xử, khiến quân Tống dù luôn dòm ngó cũng phải kiêng dè và nể phục.

Năm 987, khi vua Lê Hoàn cho các trí thức Phật giáo đối đáp với Lý Giác, sứ thần nhà Tống. Với trí tuệ uyên thâm và sự ứng đối tài tình, đoàn sứ thần Đại Cồ Việt đã khiến Lý Giác kinh ngạc và cảm phục. Không những vậy, sứ thần nhà Tống còn làm thơ ca ngợi vua Lê, ví ông chẳng kém gì vua Tống, một sự tán dương hiếm thấy trong bối cảnh giữa hai nước khi đó. Câu chuyện này đã góp phần khẳng định trí tuệ và vị thế của Đại Cồ Việt trên trường quốc tế thời bấy giờ.

Đến năm 990, vua Tống lại sai sứ thần Tống Cảo mang chế sách sang phong thêm cho vua Lê Hoàn hai chữ "Đặc tiến." Để tiếp đón sứ thần, Lê Hoàn đã cho người sang tận biên giới đón tiếp, đồng thời khéo léo phô trương sức mạnh quốc gia, gửi thông điệp rõ ràng về tiềm lực hùng mạnh của Đại Cồ Việt.

Khi Tống Cảo đến kinh đô Hoa Lư, ông không khỏi ngạc nhiên trước khung cảnh tưng bừng, đâu đâu cũng có quân lính trong trang phục chỉnh tề, trang bị đầy đủ, tạo nên một không khí trang nghiêm, hùng tráng. Trên các cánh đồng, trâu bò rong ruổi theo hàng lối, chứng tỏ sự giàu mạnh và thịnh vượng của đất nước. Tất cả như một lời khẳng định về sự lớn mạnh của Đại Cồ Việt trước mắt sứ thần phương Bắc.

Đặc biệt, khi nhận chiếu chỉ từ nhà Tống, vua Lê Hoàn kiên quyết không quỳ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta không cúi mình trước chiếu chỉ của thiên triều phương Bắc. Hành động cứng rắn và đầy khí phách này không chỉ khẳng định vị thế độc lập, tự chủ của Đại Cồ Việt mà còn đánh dấu một bước ngoặt về lòng tự tôn dân tộc trong mối quan hệ với phương Bắc.

Theo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/vi-vua-dau-tien-cua-viet-nam-bo-le-quy-lay-truoc-su-gia-phuong-bac-khang-dinh-vi-the-dan-toc/20241130080739136
Zalo