Người làm sống lại huyền thoại đàn đá Tây Nguyên

Nhắc đến đàn đá, một nhạc cụ truyền thống độc đáo của Việt Nam, không thể không nhắc đến nghệ nhân Trương Đình Chiếu - người được mệnh danh là 'kỷ lục gia đàn đá'.

Dành tâm huyết cho loại nhạc cụ đặc biệt

Tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), 3 bộ đàn đá quý hiếm được khắc tên nghệ nhân, kỷ lục gia Trương Đình Chiếu, là món quà ông tặng cho khu bảo tồn.

Với niềm đam mê mãnh liệt và tâm huyết dành cho nghệ thuật này, ông đã dành trọn cả cuộc đời để gìn giữ, phát triển và lan tỏa âm vang của đàn đá đến khắp mọi miền Tổ quốc. Âm thanh mộc mạc, du dương của đàn đá đã thôi thúc ông theo đuổi và học hỏi bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Nghệ nhân Trường Đình Chiếu (người mặc áo sơ mi xanh đứng thứ 3 bên trái) tặng bộ đàn đá cho khu bảo tồn dân tộc S'Tiêng Sók Bom Bo .

Nghệ nhân Trường Đình Chiếu (người mặc áo sơ mi xanh đứng thứ 3 bên trái) tặng bộ đàn đá cho khu bảo tồn dân tộc S'Tiêng Sók Bom Bo .

Nghệ nhân Trương Đình Chiếu (sinh năm 1962), dù xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng và là một chiến sĩ Công an Tp.Hồ Chí Minh, nhưng lại chịu ảnh hưởng sâu sắc từ dòng họ ngoại khi mẹ và cậu ông đều là nhà thơ.

Ông Trương Đình Chiếu chia sẻ: "Từ khi còn nhỏ, tôi đã yêu thích đàn và được gia đình tạo điều kiện học tại nhạc viện. Năm 1968, tôi bắt đầu tham gia biểu diễn piano. Càng biểu diễn, tôi càng đam mê nghệ thuật.

Bên cạnh nhiệm vụ của một chiến sĩ công an, tôi luôn tranh thủ thời gian để luyện tập nhiều loại nhạc cụ khác. Sau này, tôi còn học và biểu diễn kèn, guitar, harmonica... Hiện nay, tôi có thể chơi 100 loại nhạc cụ và phối khí cùng lúc 10 nhạc cụ".

Với sự kiên trì và nỗ lực không ngừng, nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã sớm chinh phục được đàn đá. Ông không chỉ thành thạo các kỹ thuật, mà còn sáng tạo ra nhiều điệu nhạc mới, mang đậm dấu ấn văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.

Với niềm đam mê âm nhạc dân tộc và thực hiện di nguyện của thầy giáo, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc dân tộc Trần Văn Khê, hơn 10 năm nay, nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã rong ruổi mọi miền đất nước để tìm kiếm loại đá phát âm thanh nhằm mục đích chế tác nhạc cụ đàn đá.

Cho đến năm 2017, trong một lần đến huyện Bù Đăng ông đã có duyên gặp gỡ những cụm đá cây có thể phát ra âm thanh độc đáo.

Nghệ nhân Trương Đình Chiếu tặng 50 bộ đàn đá cho 24 Nhà văn hóa thiếu nhi Tp.Hồ Chí Minh.

Nghệ nhân Trương Đình Chiếu tặng 50 bộ đàn đá cho 24 Nhà văn hóa thiếu nhi Tp.Hồ Chí Minh.

Nghệ nhân Trương Đình Chiếu chia sẻ: "Những cụm đá cây phát ra âm thanh tự nhiên nằm ngay trong vườn rẫy của người dân. Khi tôi đề nghị mua đá để chế tác nhạc cụ dân tộc, nhiều người dân vui vẻ bán lại. Sau khi có nguồn đá, tôi mang về Tp.Hồ Chí Minh và chế tác thành công bộ đàn đá đầu tiên với trọng lượng 3 tấn. Bộ đàn này tôi đã tặng cho Nhà văn hóa thiếu nhi Tp.Hồ Chí Minh".

Năm 2020, Nghệ nhân Trương Đình Chiếu tiếp tục tặng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo 3 bộ đàn đá, mỗi bộ có trọng lượng 5 tấn. Đặc biệt, sau 6 tháng chế tác, ông đã tặng khu bảo tồn bộ đàn đá lớn nhất Việt Nam, với trọng lượng lên tới 20 tấn.

Bộ đàn này gây ấn tượng đặc biệt nhờ sự kết hợp của 20 thanh âm, trong đó thanh nhẹ nhất nặng 250kg và thanh nặng nhất lên đến 400kg. Để biểu diễn bộ đàn đá này, cần đến 4 người cùng đánh một lúc.

Bộ đàn đá tại sóc Bom Bo được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục huyền thoại Bom Bo - Bộ đàn đá lớn nhất Việt Nam với trọng lượng 20 tấn với số lượng 20 thanh âm Thanh nhẹ nhất có trọng lượng 250kg, thanh nặng nhất 400kg với khối đá tự nhiên. Để diễn tấu bộ đàn đá này phải có 4 người đánh cùng lúc. Được xác lập kỷ lục vào năm 2022.

Bộ đàn đá tại sóc Bom Bo được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục huyền thoại Bom Bo - Bộ đàn đá lớn nhất Việt Nam với trọng lượng 20 tấn với số lượng 20 thanh âm Thanh nhẹ nhất có trọng lượng 250kg, thanh nặng nhất 400kg với khối đá tự nhiên. Để diễn tấu bộ đàn đá này phải có 4 người đánh cùng lúc. Được xác lập kỷ lục vào năm 2022.

Âm vang đàn đá

Trong suốt 8 năm qua, nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã chế tác thành công hơn 1.000 bộ đàn đá các loại và tặng 50 bộ cho 24 Nhà văn hóa thiếu nhi tại Tp.Hồ Chí Minh. Trong năm 2023, ông đã tặng 50 bộ đàn đá cho các trường học ở huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), cùng với nhiều bộ đàn khác cho các địa phương vào các dịp lễ, kỷ niệm.

Riêng tại tỉnh Bình Phước, nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã ưu ái tặng 3 bộ đàn đá, trong đó bộ đàn 20 tấn là bộ lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tất cả các bộ đàn đá mà ông tặng đều mang đậm tâm huyết của ông trong việc gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Nghệ nhân Trương ĐÌnh CHiếu tặng bộ đàn đá cho thiền viện Trúc lâm Phương Nam, Tp.Cần Thơ.

Nghệ nhân Trương ĐÌnh CHiếu tặng bộ đàn đá cho thiền viện Trúc lâm Phương Nam, Tp.Cần Thơ.

Nhận thức được giá trị to lớn của đàn đá trong kho tàng âm nhạc dân tộc, Nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã dành nhiều tâm huyết để truyền bá và phát huy loại hình nghệ thuật này.

Không chỉ tặng đàn đá, kỷ lục gia Trương Đình Chiếu còn trực tiếp hướng dẫn và dạy miễn phí cách chơi đàn đá cho thanh niên đồng bào S'tiêng tại sóc Bom Bo. Các thanh niên tại Sók Bom Bo đã nhanh chóng thành thạo bài hát "Tiếng chày trên Sók Bom Bo" bằng nhạc cụ đàn đá đặc sắc và biểu diễn cho du khách đến tham quan khu bảo tồn.

Anh Điểu Cường (ngụ xã Bình Minh, huyện Bù Đăng,) là một trong những thanh niên đồng bào dân tộc S'Tiêng theo học đàn đá tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, cho biết: "Từ ngày có thầy Chiếu về giới thiệu, giảng dạy đàn đá, em rất vui và tự hào.

Có lẽ vì tự hào và đam mê, sau hơn 1 ngày, em đã đánh được bài hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" của cố nhạc sĩ Xuân Hồng bằng đàn đá. Âm thanh được phát ra từ loại đá có trên vùng đất mình sinh sống càng khiến em tự hào hơn về quê hương cũng như các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam".

Anh Điểu Cường (ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu bộ đàn đá do nghệ nhân Trương Đình Chiếu tặng khu bảo tồn cho du khách đến thăm quan.

Anh Điểu Cường (ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu bộ đàn đá do nghệ nhân Trương Đình Chiếu tặng khu bảo tồn cho du khách đến thăm quan.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm Văn hóa, thể thao và Đài truyền thanh – Truyền hình huyện Bù Đăng cho biết, những bộ đàn đá nghệ nhân Trương Đình Chiếu tặng đang góp phần tạo thêm điểm nhấn cho khu bảo tồn. Từ khi đưa vào sử dụng, bộ đàn đá nặng kỷ lục này đã thu hút du khách mọi miền tới thăm quan, tìm hiểu về mảnh đất lịch sử Bom Bo nhiều hơn.

"Đàn đá là một trong những nhạc cụ quan trọng của người dân tộc S'Tiêng, đàn đá thường được sử dụng trong các lễ hội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây kỹ thuật chơi đàn đá của người dân tộc S'Tiêng đã bị mai một.

Ngoài việc chế tác ra những bộ đàn đá, nghệ nhân Trương Đình Chiếu còn có ảnh hưởng rất lớn đối với khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'Tiêng sóc Bom Bo, đó là truyền dạy kỹ thuật chơi đàn đá cho người S'Tiêng", ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm.

Với những đóng góp to lớn của mình, nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã được ghi nhận với nhiều giải thưởng cao quý. Ông vinh dự được nhận danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", "Kỷ lục gia Việt Nam" và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Nghệ nhân Trương Đình Chiếu là một tấm gương sáng về lòng đam mê và nhiệt huyết trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ những cống hiến của ông, đàn đá ngày càng được biết đến rộng rãi hơn và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

Nguyễn Văn Khánh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-lam-song-lai-huyen-thoai-dan-da-tay-nguyen-204241129093942217.htm
Zalo