Phải trải qua 4 công đoạn
Các dự luật của Chính phủ sau khi được trình Quốc hội, dự luật sẽ phải trải qua 4 công đoạn trong đó có 3 lần trình ra phiên họp toàn thể và 1 lần thảo luận chi tiết tại ủy ban.
. Bộ máy giúp việc - Cánh tay đắc lực của cơ quan lập pháp
. Nét chung và riêng từ mô hình Westminster
Tại lần trình đầu tiên, chỉ có tên đầy đủ của dự án luật được nêu rõ trước phiên họp toàn thể của Quốc hội. Sau đó, dự luật được chuyển cho bộ phận thư ký phục vụ Quốc hội để in ấn, chuyển đến cho từng nghị sĩ và in trên Công báo.
Trừ các dự luật mang tính khẩn cấp, ít nhất là 7 ngày kể từ khi dự luật được chuyển đến tay các nghị sĩ và đăng trên Công báo, dự luật sẽ được trình lần thứ hai tại Quốc hội. Tại lần trình này, các nghị sĩ sẽ thảo luận về sự cần thiết, hiệu quả mang lại và các vấn đề mang tính nguyên tắc của dự luật.
Tiếp đó, dự luật được chuyển sang thảo luận tại Ủy ban toàn thể Quốc hội hoặc một Ủy ban chuyên trách (Select Committee), với thành phần gồm một số nghị sĩ được lựa chọn. Ủy ban này có quyền mời công chúng gửi ý kiến đóng góp, cung cấp thêm thông tin, tài liệu liên quan đến dự án. Trên cơ sở đó, Ủy ban có thể đề xuất các sửa đổi, bổ sung trong dự án luật mà họ cho là phù hợp. Các đề xuất này, kèm theo báo cáo của Ủy ban phải được gửi để xem xét trước tại Ủy ban Toàn thể Quốc hội trước khi Ủy ban này trình ra phiên họp toàn thể của Quốc hội tiến hành lần đọc thứ ba.
Tại lần trình thứ ba, nghị sĩ có quyền đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung. Việc thảo luận trong lần trình này tập trung vào các nội dung cụ thể của dự luật.
Cuối cùng, dự luật được đưa ra biểu quyết thông qua tại Quốc hội.
Tất cả các dự luật đã được Quốc hội thông qua (trừ dự luật về ngân sách, các dự luật khẩn cấp liên quan đến quốc phòng, an ninh, an toàn trật tự xã hội...) đều phải được chuyển đến Hội đồng cố vấn cho Tổng thống về quyền của các nhóm thiểu số. Như một cơ chế giám sát xây dựng pháp luật, Hội đồng được thiết kế để ngăn việc ban hành pháp luật phân biệt đối xử chống lại các nhóm cộng đồng khác nhau dẫn đến nguy cơ đe dọa sự hòa hợp chủng tộc và tôn giáo trong bối cảnh đa sắc tộc của Singapore. Sau bước kiểm tra trên, dự luật mới được trình để Tổng thống phê chuẩn và chính thức trở thành luật.
Trên thực tế, từ thời điểm trình Quốc hội đến thời điểm dự luật được thông qua chỉ mất khoảng 1 tháng. Trong quá trình này, Chính phủ thường chỉ chấp nhận những thay đổi không quá lớn so với nội dung dự thảo trình ban đầu. Chính vì thế, đạo luật được thông qua thường không quá khác biệt so với dự luật ban đầu do Chính phủ trình.
Ở Singapore, khi một dự thảo luật đã được đưa ra đến Quốc hội thì việc sửa đổi, góp ý gần như chỉ mang tính thủ tục. Bởi lẽ bản dự thảo đã được chuẩn bị rất kỹ. Dự thảo luật trước khi đưa ra Quốc hội cũng đã được chuyển đến tay các nhà chính trị, thành viên của Quốc hội đọc và đóng góp ý kiến trước. Việc một dự thảo luật trình ra mà không được chấp thuận được cho là một sự xấu hổ, ảnh hưởng đến uy tín chính trị của vị Bộ trưởng của bộ đề xuất cũng như của Nội các trước dân chúng.
Quốc hội Singapore có thể họp bất kỳ thời gian nào trong năm, do toàn thể Quốc hội quyết định khi kết thúc kỳ họp trước, nếu không thì do Chủ tịch Quốc hội triệu tập; mỗi tháng họp 1 lần (trừ tháng 6 và tháng 12) và một lần họp thường từ 1 ngày đến 1 tuần, tùy theo số lượng dự án luật được trình. Thông báo về từng phiên họp được gửi trước cho nghị sĩ. Còn nghị sĩ gửi các câu hỏi chất vấn các bộ trưởng, các điểm sửa đổi đối với các dự luật đã được trình, các vấn đề họ muốn thảo luận tại phiên họp.
Điểm đặc biệt là Quốc hội Singapore không họp vào buổi sáng. Một ngày họp bắt đầu từ 1h30 chiều, trong đó một tiếng rưỡi đầu dành cho phiên hỏi - đáp (question time). Chỉ có những câu hỏi đã được liệt kê trong Chương trình làm việc mới được trả lời. Những câu hỏi quan trọng mà chưa kịp hỏi sẽ trả lời bằng văn bản hoặc dời sang ngày sau. Sau khi phiên hỏi - đáp kết thúc, các bộ trưởng đọc tuyên bố (nếu có). Tiếp theo, bộ trưởng chịu trách nhiệm hoặc cá nhân nghị sĩ sẽ trình dự luật tại lần đọc thứ nhất. Cuối cùng, toàn thể Quốc hội sẽ thảo luận các dự luật tại lần đọc thứ hai, thứ ba và tranh luận về các kiến nghị do cá nhân nghị sĩ đề xuất.