Phụ nữ Vân Hồ có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Theo giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vân Hồ, chúng tôi đến thăm HTX Nông nghiệp Tân Xuân 269 tại bản Bướt, xã Tân Xuân, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông sản sấy, như: Măng sấy, gừng sấy, sắn sấy... Trong đó, sản phẩm măng sấy khô được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Mô hình trồng ớt trong nhà lưới của phụ nữ xã Vân Hồ.

Mô hình trồng ớt trong nhà lưới của phụ nữ xã Vân Hồ.

Qua trao đổi, hằng năm, HTX sản xuất trung bình 15-20 tấn măng khô, hơn 22 tấn sắn sấy khô và gần 1.700 tấn gừng sấy. Gần đây, HTX ra mắt sản phẩm trà lá tre và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

Chị Cao Thị Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Xuân 269, chia sẻ: HTX thành lập năm 2019, ban đầu có 4 thành viên, được hỗ trợ vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2020, HTX đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng xưởng, trang bị 2 lò sấy đạt tiêu chuẩn Úc mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, HTX có 60 thành viên, bình quân mỗi thành viên thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tạo việc làm ổn định 5-10 hội viên phụ nữ của bản, với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng.

Nhận thấy tiềm năng của nông sản sạch và tận dụng lợi thế đặc trưng của vùng nông nghiệp địa phương, chị Vì Thị Phiêng, hội viên Chi hội phụ nữ bản Mường Khoa, xã Chiềng Khoa ấp ủ ý tưởng thành lập HTX nông sản sạch. Với vốn vay 600 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tháng 7/2021, chị Phiêng đã kêu gọi 20 thành viên chính thức và 4 thành viên liên kết thành lập HTX Hoa quả sạch Phiêng Ngân.

Thành viên HTX Nông nghiệp Tân Xuân 269 đóng gói, hoàn thiện sản phẩm trà lá tre.

Thành viên HTX Nông nghiệp Tân Xuân 269 đóng gói, hoàn thiện sản phẩm trà lá tre.

Hiện nay, HTX có hơn 8 ha rau củ, 32 ha chè, 32 ha cây ăn quả, trong đó 15,2 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nâng cao chất lượng sản phẩm, thành viên HTX tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và tìm kiếm các dự án hỗ trợ sản xuất. Nhờ đó, thu nhập bình quân của mỗi thành viên đạt khoảng 120 triệu đồng/năm.

Chị Vì Thị Phiêng, Giám đốc HTX Hoa quả sạch Phiêng Ngân, thông tin: HTX dự kiến triển khai thêm mô hình trồng măng gấu trúc và áp dụng các giải pháp công nghệ cao, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hướng tới phát triển bền vững, nâng cao thu nhập các thành viên.

Phụ nữ xã Chiềng Khoa chăm sóc cây chè.

Phụ nữ xã Chiềng Khoa chăm sóc cây chè.

Chị Hà Thị Thân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Hồ, cho biết: Hội có trên 10.000 hội viên sinh hoạt ở 115 chi hội. Hưởng ứng các phong trào thi đua “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” và “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi”, Hội LHPN huyện Vân Hồ đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, như nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thông qua 52 tổ tiết kiệm vay vốn, cho trên 3.200 hộ vay với tổng dư nợ trên 122 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hội LHPN các xã duy trì 109 mô hình tiết kiệm với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng, hỗ trợ gần 500 lượt hội viên vay vốn. Qua khảo sát, hầu hết các nguồn vốn được hội viên sử dụng đúng mục đích, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Năm 2025, Hội LHPN huyện Vân Hồ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, phát triển kinh doanh, dịch vụ du lịch; tích cực kết nối hội viên cập nhật các kiến thức, cách thức tiếp thị bán hàng mới trên môi trường số, giúp hội viên quảng bá, giới thiệu sản phẩm... giúp các hội viên làm chủ từng mô hình sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu, cải thiện cuộc sống.

Bài, ảnh: Linh Trang (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/phu-nu-van-ho-co-nhieu-mo-hinh-kinh-te-hieu-qua-4tEunzcHg.html
Zalo