'Ai sẽ quyết chi tiền, chỉ định thầu?'
Tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đại biểu Quốc hội đề nghị, cần quy định rất rõ về thẩm quyền, phạm vi, trách nhiệm. Chẳng hạn, ai sẽ quyết chi tiền hoặc chỉ định thầu, nếu không sẽ khó triển khai.
Không gỡ trong quý I này, các dự án chuyển đổi số sẽ tắc
Thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên) sáng 15.2, các đại biểu cơ bản tán thành việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (dự thảo Nghị quyết).
![ĐBQH Trần Lưu Quang (TP. Hải Phòng) phát biểu. Ảnh: Trần Thu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51483973/2cfad055e31b0a45530a.jpg)
ĐBQH Trần Lưu Quang (TP. Hải Phòng) phát biểu. Ảnh: Trần Thu
ĐBQH Trần Lưu Quang (TP. Hải Phòng) cho biết, Nghị quyết số 57 mang tính chất chủ trương, có nhiều cái mới, rất mạch lạc, rõ ý tứ; chỉ tiêu cụ thể; giao nhiệm vụ xác đáng chứ không nói chung chung.
“Việc còn lại là chúng ta phải có hành lang pháp lý để thực hiện. Nếu không làm ngay trong năm nay, đặc biệt là trong quý I, không tháo gỡ một số cơ chế, đặc biệt trong chuyển đổi số mà không tiêu tiền được thì tất cả các dự án liên quan chuyển đổi số, Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 – PV) sẽ bị tắc”, đại biểu Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Do vậy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm này sẽ giúp nhanh chóng đưa Nghị quyết số 57 vào cuộc sống. Tuy nhiên, đại biểu Trần Lưu Quang lưu ý hai vấn đề.
Một là, dự thảo Nghị quyết cần phải quy định rất rõ thẩm quyền, phạm vi, trách nhiệm. Chẳng hạn, về thẩm quyền thì ai sẽ quyết chi tiền hoặc chỉ định thầu?
Hai là, quan trọng hơn, khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành chắc chắn sẽ có xung đột pháp lý với các luật đang có sẵn, thậm chí với các luật đang trong quá trình dự thảo sửa đổi. Do đó, cần phải có nguyên tắc rất mạnh mẽ là: nếu nội dung nào trùng Nghị quyết này thì phải làm theo Nghị quyết. Khi có quy định mạch lạc sẽ tạo sự yên tâm cho cán bộ triển khai thực hiện.
![ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Trần Thu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51483973/24b1261e1550fc0ea541.jpg)
ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Trần Thu
ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, quy định về áp dụng khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thông qua quỹ khoa học công nghệ là một chính sách rất nổi trội, đặc thù để giải quyết khó khăn, vướng mắc hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể để các tổ chức quản lý quỹ có cơ sở triển khai, bảo đảm yêu cầu đặt ra.
Bày tỏ thống nhất cao với quy định chỉ định thầu trong hoạt động chuyển đổi số, nền tảng số, đại biểu đề nghị cần xem xét trách nhiệm của chỉ định thầu để bảo đảm thực hiện theo Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. “Cần phải rõ ràng, minh bạch trong chỉ định thầu”, đại biểu lưu ý.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ. Đồng tình với sự cần thiết xây dựng nhà máy này, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, việc xây dựng, tổ chức nhà máy cần có hướng dẫn, quản lý chặt chẽ.
Thế nào là “quyền tự chủ cao nhất”?
Một nội dung được đại biểu quan tâm là vấn đề miễn trừ, không truy tố trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học (Điều 6 dự thảo Nghị quyết). Dù đồng tình với quy định này, song đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị, cần phải kiểm soát, không để lợi ích nhóm, tiêu cực lớn xảy ra.
![ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) phát biểu. Ảnh: Trần Thu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51483973/64a3650c5642bf1ce653.jpg)
ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) phát biểu. Ảnh: Trần Thu
Cùng về nội dung trên, ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) cho biết đồng tình với báo cáo thẩm tra. Đó là đề nghị làm rõ cơ quan nào quyết định cho tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước? Đồng thời, cần có quy định để xác định được tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đó đã làm, đã nỗ lực hết sức, đã thực hiện “đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học nhưng vẫn xảy ra rủi ro”.
Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, trong đó nêu “được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở mức độ cao nhất…”.
Đại biểu Lã Thanh Tân kiến nghị, cần làm rõ “quyền tự chủ cao nhất” là thế nào? Bởi thực tế, Chính phủ đã có nghị định quy định về tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu muốn tự chủ cao hơn, phải có quy định cụ thể đối với người đứng đầu cũng như tổ chức đó, nhằm tạo cơ sở thực hiện.
Tạo điều kiện tối đa cho nhà khoa học
Cho rằng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã rất sắc sảo, rất rõ, ĐBQH Lê Tiến Châu (TP. Hải Phòng) nêu, dự thảo Nghị quyết chủ yếu mới xác định về mặt nguyên tắc, còn trình tự thủ tục thực hiện sẽ ở cấp Chính phủ quy định.
![ĐBQH Lê Tiến Châu (TP. Hải Phòng) phát biểu. Ảnh: Trần Thu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51483973/7d187ab749f9a0a7f9e8.jpg)
ĐBQH Lê Tiến Châu (TP. Hải Phòng) phát biểu. Ảnh: Trần Thu
Tuy nhiên, điều khiến đại biểu băn khoăn là có nhiều nội dung báo cáo thẩm định cho rằng thuộc thẩm quyền Chính phủ nên để Chính phủ quy định. Trong khi đó, Nghị quyết này được ban hành sẽ khác với quy định của luật, mà nếu dẫn chiếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết thí điểm thì cần phải rà soát lại, bởi nếu không rất có thể sẽ phát sinh điểm nghẽn, khó đạt mục tiêu đề ra.
Nhấn mạnh Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị rất mạnh, rất đột phá, ĐBQH Phan Xuân Dũng (Ninh Thuận) nêu ý kiến, dự thảo Nghị quyết mới “gần tiệm cận với mong muốn của Bộ Chính trị, của Trung ương”. Do đó, đại biểu kiến nghị cần nhìn lại kinh nghiệm thời kỳ đầu xây dựng đất nước, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời những chuyên gia giỏi nhất người Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng đất nước. Theo đó, đại biểu đề nghị, với những nhà khoa học lớn, những người có uy tín thì không phải đi đăng ký các nhiệm vụ khoa học công nghệ, mà trách nhiệm của chúng ta là phải biết họ là ai, đến mời họ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ.
“Hơn bao giờ hết, chúng ta muốn có một cuộc cách mạng mới, muốn tiến nhanh hơn nữa thì không có gì khác chính là phải nhờ vào những đội ngũ đi đầu, tạo nên những công trình sư, tạo nên những con người có thể dẫn dắt đất nước trong khoa học công nghệ. Do đó, cần phải có một nội dung mời, tạo điều kiện tối đa cho những nhà khoa học”, đại biểu Phan Xuân Dũng đề nghị.