Phong vị Tết xưa
Tết không chỉ là dịp sum vầy, mong ước những điều mới mẻ, mà còn để hoài niệm về những ký ức một thời, nhớ về nguồn cội. Tết xưa với những hình ảnh trong trẻo của không khí Tết truyền thống như sợi dây níu giữ, chuyển tiếp những nét văn hóa xưa qua từng thế hệ vào mạch sống hiện đại.
Phong vị Tết xưa mang hương sắc, âm thanh và cảm giác đậm đà của những ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Tết xưa không chỉ là dịp để đoàn viên, mà còn là thời gian để tưởng nhớ tổ tiên và đón chào năm mới với mong ước sức khỏe dồi dào, gia đình an khang, hạnh phúc.
Hoài niệm Tết xưa là một cảm xúc rất đặc biệt của những người con xa quê, hoặc những ai đã từng sống qua những mùa Tết truyền thống. Tết xưa không chỉ là dịp lễ lớn, mà còn là thời điểm đong đầy kỷ niệm và cảm xúc, nơi những giá trị văn hóa truyền thống được thể hiện qua những phong tục, tập quán và cách thức mà mọi người đón chào năm mới.
Mới tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) đã nghe “mùi” Tết. Ngày đưa Ông Táo về trời (23 tháng Chạp) là không khí Tết đã hiện hữu khắp nơi nơi. Nhớ nhất là cảnh chụp đìa (hoặc tát đìa) bắt cá để ăn Tết. Khoảng 29 Tết là nhà nào cũng tranh thủ chụp đìa (hoặc tát đìa), những anh thanh niên thì hì hục dọn cỏ tát đìa, đám con nít cũng hưởng ứng theo. Những đôi tay phủ đầy bùn đất lấm lem, những con cá đồng mập ú được bắt lên, cùng với những tiếng cười rộn vang của mọi người tạo nên không khí thật ấm cúng. Đó là khoảnh khắc giản dị nhưng đậm tình làng, nghĩa xóm.
Tết xưa còn hòa quyện trong hương thơm của mùi khói từ góc bếp nấu bánh tét, nhớ tiếng quết bánh phòng rộn rã, mùi rạ mới thơm lừng trên từng thửa ruộng sau thu hoạch, nhớ mùi khói hương trên bàn thờ tổ tiên trong khoảnh khắc đón giao thừa… Nhớ cả cái mùi pháo Tết thoảng đưa trong gió, tuy cấm đốt pháo mấy chục năm rồi, nhưng dư âm về mùi pháo Tết vẫn còn len lỏi trong ký ức của nhiều người.
Nhớ Tết xưa là nhớ về những buổi sáng mùng một, khi không khí tràn ngập mùi hương của hoa mai (đặc trưng của Tết phương Nam), những khoanh bánh tét được bày biện ra dĩa, những món ăn giản dị nhưng nghĩa tình (cá lóc nướng trui, cá khô nướng… nhà nào kha khá thì có thêm món thịt kho ăn với dưa cải) và các loại mứt Tết (mứt dừa, mứt gừng, mứt bí…) tự tay nhà làm để đón khách. Ngày Tết, người ta thường dắt vợ chồng, con cái đi chúc Tết bà con thân hữu. Những buổi tối quây quần bên gia đình, cùng nhau chia sẻ niềm vui, lời chúc tốt đẹp và tận hưởng không gian đầm ấm, sum vầy… là hình ảnh mà nhiều người ao ước trong dịp Tết.
Những ngày Tết xưa, người ta ít khi lo âu, thay vào đó là niềm vui, hy vọng và lòng biết ơn đối với tổ tiên, đất nước. Bây giờ cuộc sống hiện đại hơn nhiều, ngày Tết không còn giữ được hoàn toàn những nét xưa, nhưng ký ức về những ngày Tết yên bình vẫn luôn hiện hữu. Những ký ức ấy dù cho năm tháng trôi qua vẫn luôn giữ một vị trí đặc biệt, ấm áp trong lòng mỗi người Việt Nam.