Người trẻ tìm về Tết cổ truyền

Tìm về và trải nghiệm những nét văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc trong những ngày Tết đến, xuân về là cảm hứng và việc làm sinh động, ấm áp của đông đảo giới trẻ hiện nay.

Cứ ngỡ giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống sôi động và hiện đại, giữa sự phát triển không ngừng của thời đại công nghệ 4.0, những người trẻ sẽ bị xoáy theo những vòng quay náo nhiệt ấy mà ít nhiều quên đi những vẻ đẹp bình dị, đích thực xung quanh mình, đặc biệt, nhiều người trở nên “vô cảm” với những giá trị truyền thống của quê hương.

Nhưng điều đó không hoàn toàn là tất cả bởi lẽ, hiện nay, đã và đang có nhiều bạn trẻ ở đủ các lứa tuổi, ngành nghề đã có xu hướng tìm về để trải nghiệm bản thân qua những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc, họ tìm về nét xưa như một điểm tựa tinh thần vững chắc cho tâm hồn. Tết Nguyên đán là minh chứng sinh động cho xu hướng ấy.

Nữ sinh Trường THPT Xuân Áng (Hạ Hòa, Phú Thọ) tham gia đội Tế Nữ quan tại Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ.

Nữ sinh Trường THPT Xuân Áng (Hạ Hòa, Phú Thọ) tham gia đội Tế Nữ quan tại Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ.

Tạm gác lại công việc và những mục tiêu mà mình đang miệt mài thực hiện, tạm xa chốn thị thành tấp nập, mỗi khi Tết đến, xuân về, trong tâm hồn mỗi bạn trẻ lại trào dâng cảm hứng về mùa xuân, đất nước và đặc biệt, họ trở về bên nếp nhà xưa, nơi có ông bà, cha mẹ, người thân và cả một không gian làng quê thanh bình, yên ả, chất chứa bao ký ức đằm ngọt của tuổi thơ để hòa mình vào không khí Tết cổ truyền được gìn giữ từ bao đời nay.

Học sinh tham gia cuộc thi gói bánh chưng truyền thống tại không gian sân trường và lễ hội.

Học sinh tham gia cuộc thi gói bánh chưng truyền thống tại không gian sân trường và lễ hội.

Trở về Tết xưa trong cảm quan của những người trẻ tuổi, những nét văn hóa Tết được người trẻ tìm đến rất phong phú và hấp dẫn. Đó là những phong tục Tết được gìn giữ, trao truyền từ xa xưa cho đến ngày nay như gói bánh chưng, giã bánh dày, không khí sum vầy gia đình tất niên chiều 30 Tết, trải nghiệm chợ Tết nơi làng quê, tham gia các trò chơi dân gian, xin chữ đầu năm, lễ chùa cầu may, hòa mình vào không gian lễ hội tại các di tích lịch sử hay khám phá những nét văn hóa Tết của đồng bào các dân tộc tại các bản làng xa xôi… Bởi thế, ngày xưa, đền chùa, miếu mạo vốn dĩ chỉ có đa phần người cao tuổi đến vào dịp Tết thì nay, tại những di tích lịch sử, những ngôi chùa, đã có sự hiện diện của số đông người trẻ tuổi.

Sinh viên Phạm Việt Hoàng (Học viện Ngân hàng) quê ở Thanh Ba (Phú Thọ) chia sẻ: “Em đi học xa nhà cả năm, khi được nghỉ Tết, em về quê tham gia các hoạt động thiện nguyện, chung tay chăm lo Tết cho người nghèo, cùng gia đình chuẩn bị Tết với công việc và nét văn hóa đậm đà bản sắc. Em nghĩ, mỗi người trẻ cần trải nghiệm bản thân qua Tết cổ truyền để thấy được những giá trị bền vững của quê hương mình”.

 Xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống được các em học sinh, sinh viên trải nghiệm trong dịp Tết cổ truyền.

Xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống được các em học sinh, sinh viên trải nghiệm trong dịp Tết cổ truyền.

Điều dễ nhận thấy, trong những năm gần đây, giới trẻ có xu hướng tìm về Tết xưa ngày càng nhiều và biểu hiện ngày càng rõ rệt, sinh động. Mỗi bạn trẻ tự giác mà không hề có sự đốc thúc hay ép buộc trải nghiệm các nét văn hóa Tết cổ truyền. Họ tìm về như một nhu cầu tự thân trong cảm xúc của tâm hồn như để cân bằng cuộc sống và con người mình. Trở về Tết xưa, mỗi bạn trẻ như tìm được chính mình trong phong tục, tập quán, trong những vẻ đẹp xưa nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Bởi thế, dù có đi đến tận nơi chân trời góc bể, có bị xoáy vào vòng quay vô tận của cuộc sống và công việc đến đâu, những ngày giáp Tết, các bạn trẻ đều ngoảnh lại để trở về quê hương, trở về với gia đình để nhận thức được cội nguồn sinh thành, dưỡng dục và những cảm nhận được những giá trị nhân văn, những triết lý sâu xa trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Để từ đó, mỗi bạn trẻ luôn cảm thấy tự hào về cội nguồn của mình, nhận thức và phân biệt được đúng, sai, tốt, xấu, biết ứng xử đúng mực trong cuộc sống, để trở thành người tốt.

Khi trở về Tết xưa, người trẻ có cách trải nghiệm và thể hiện của riêng mình, đúng cách của những người trẻ tuổi. Họ giữ đúng lễ nghĩa khi trở về gia đình sum họp, họ trực tiếp làm những công việc mà người già truyền lại như tập gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, dọn dẹp nhà cửa, chúc Tết ông bà, cha mẹ, thầy cô, đi lễ chùa, tham gia lễ hội tại làng quê, tham gia vào các nhóm thiện nguyện đi trao tặng quà Tết cho người nghèo… Mỗi khi có những trải nghiệm văn hóa Tết, các bạn trẻ thường ghi lại những hình ảnh, video để đăng lên trang cá nhân như để nói lên những cảm xúc của bản thân về Tết cổ truyền và từ đó, góp phần lan tỏa những nét đẹp văn hóa của dân tộc trên các nền tảng xã hội như facebook, tiktok, youtube.... Từ xu hướng “sống chậm” với Tết cổ truyền của giới trẻ, những tai tệ nạn xã hội, những thói hư tật xấu sẽ bị đẩy lùi, nhường chỗ cho những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

 Nhiều hoạt động trải nghiệm trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Nhiều hoạt động trải nghiệm trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Vì vậy, trải nghiệm Tết luôn là đề tài được người trẻ đón nhận và hào hứng tham gia. Tại các nhà trường, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán ít ngày, các trường thường tổ chức các hoạt động trải nghiệm trên không gian sân trường như “Tết về trên quê hương em”; “Trải nghiệm Tết cổ truyền của dân tộc”; “Chợ Tết quê em”; “Tết ấm trên sân trường”… Trong mỗi không gian ấy, các em học sinh các cấp được hòa mình vào những phong tục, tập quán, gặp hình ảnh Tết mà mình chưa được thấy bao giờ. Các em còn được tự tay mình làm nên những dư vị Tết như gói, nấu bánh chưng, bày mâm ngũ quả, trang trí không gian Tết, chơi những trò chơi dân gian… Có những bạn trẻ lập nên những nhóm bạn để cùng nhau đi du xuân tại các vùng đất xa xôi để có thêm những khám phá về văn hóa Tết ở mọi miền.

Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi (Bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Tết cổ truyền hội tụ nhiều tinh hoa văn hóa bền vững của đất nước, quê hương. Điều đáng mừng là giới trẻ hiện nay hướng về Tết Nguyên đán với nhiều cách thể hiện khác nhau. Đó là biểu hiện sinh động của sự trao truyền, tiếp nối trong dòng chảy vô tận của nền văn hóa dân tộc”.

Có thể thấy, trở về Tết xưa trong xu hướng của giới trẻ hiện nay là tín hiệu đáng mừng và đáng trân trọng. Giữa thời đại công nghệ 4.0, giới trẻ đã không quay lưng với những giá trị văn hóa mà luôn biết cân bằng mình bằng điểm tựa truyền thống để hướng tới tương lai. Mỗi bạn trẻ bằng sự trải nghiệm ý nghĩa của mình trong không gian Tết sẽ góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc, làm cho những bản sắc ấy thăng hoa trong tâm hồn người trẻ, trong cuộc sống với bao bộn bề, hối hả hôm nay. Và điều quan trọng, tìm về Tết xưa chính là sự tự giáo dục bản thân về lòng yêu nước của mỗi người trẻ. Bởi lẽ, tình yêu nước bao giờ cũng bắt nguồn từ tình yêu quê hương xứ sở.

Bài, ảnh: NGUYỄN THẾ LƯỢNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nguoi-tre-tim-ve-tet-co-truyen-814032
Zalo