Tiếng chiêng vọng mãi...

Tiếng cồng chiêng vang vọng trong không gian bao la của núi rừng Tây Nguyên... Những bước chân của các già làng nhịp nhàng uyển chuyển. Đội văn nghệ truyền thống của bon Bu N'Drung, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông bắt đầu buổi sinh hoạt bằng những giai điệu đặc trưng của đại ngàn lúc trầm, lúc bổng.

Anh Điểu Thiêm luôn tự hào vì trong bon vẫn còn lưu giữ được những bộ chiêng cổ. Ảnh: Bích Nguyên

Anh Điểu Thiêm luôn tự hào vì trong bon vẫn còn lưu giữ được những bộ chiêng cổ. Ảnh: Bích Nguyên

Trong kho tàng văn hóa truyền thống phong phú của người M’Nông, văn hóa cồng chiêng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, gắn liền với các nghi lễ lớn nhỏ của cộng đồng. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và sự giao thoa văn hóa, đã có lúc tiếng chiêng thưa vắng trong không gian buôn làng. Nhưng rồi với tình yêu và sự trân quý văn hóa truyền thống của ông cha để lại, đồng bào M’Nông ở bon Bu N’Drung đã bảo nhau giữ gìn, nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có di sản phi vật thể của nhân loại - văn hóa cồng chiêng.

Tìm về bon Bu N’Drung trong không khí rộn ràng của mùa thu hoạch cà phê, tôi may mắn tới đúng lúc bà con đang luyện tập để biểu diễn cho các ngày lễ, Tết sắp đến. Các nghệ nhân mặc trang phục truyền thống, mỗi người sử dụng một chiêng đi thành hàng một. Họ khom lưng, bước đi thong thả, vừa nhún nhảy, vừa đánh chiêng, vẽ nên một đường tròn. Trong lúc biểu diễn, các nghệ nhân thả mình vào không gian, lắng nghe âm thanh của chiêng khác để hòa nhịp với tiếng chiêng của mình.

Anh Điểu Thiêm, Bon trưởng cũng là thành viên của Đội văn nghệ truyền thống bon Bu N’Drung không giấu niềm tự hào giới thiệu: “Đội văn nghệ truyền thống của bon do bà con tạo lập, sinh hoạt từ nhiều năm trước. Đến năm 2022, đội chính thức được huyện công nhận, tổ chức bài bản. Trong đó, có 8 nghệ nhân đánh chiêng và 12 thành viên múa hát. Hiện giờ, người đánh chiêng trẻ tuổi nhất sinh năm 1983, người già nhất sinh năm 1945, riêng đội múa, người trẻ nhất sinh năm 1995. Các nghệ nhân trong đội đã truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng cho thế hệ đầu tiên là những người bằng tuổi tôi. Sắp tới, theo kế hoạch, huyện sẽ mở tiếp lớp tập huấn cho thế hệ thứ 3”.

Cả cuộc đời sống trong tiếng chiêng nên hơn ai hết, nghệ nhân Điểu Đam am hiểu rành mạch về các kỹ thuật đánh chiêng. Ông là một trong những nghệ nhân còn khỏe mạnh, minh mẫn, hoạt động sôi nổi trong đội văn nghệ. Trải qua 75 mùa rẫy nhưng giọng ông vẫn sang sảng, bước chân nhanh nhẹn. Ông dành cho chúng tôi gần cả buổi sáng để giới thiệu về văn hóa cồng chiêng của người M’Nông. “Trước đây, chúng tôi thường múa cồng chiêng trong các nghi lễ như lễ mừng lúa mới, lễ đặt tên, lễ cưới hỏi, lễ đâm trâu, lễ dựng làng mới, lễ dựng nhà rông mới, lễ cúng sức khỏe, lễ cúng chọn đất, phát rẫy, gieo trỉa. Bây giờ, cồng chiêng được sử dụng cả trong những sinh hoạt đời thường, trong các dịp lễ, Tết, biểu diễn trong các hội nghị hay các sự kiện của xã, huyện” – nghệ nhân Điểu Đam kể.

Các thành viên cốt cán của Đội văn nghệ truyền thống bon Bu N’Drung luyện tập để biểu diễn trong các dịp lễ hội. Ảnh: Bích Nguyên

Các thành viên cốt cán của Đội văn nghệ truyền thống bon Bu N’Drung luyện tập để biểu diễn trong các dịp lễ hội. Ảnh: Bích Nguyên

Cất giọng hát vang một điệu hát truyền thống, nghệ nhân Điểu Đam đưa chúng tôi vào không gian huyền bí mang đậm chất sử thi của người M’Nông, rồi ông sôi nổi chia sẻ: “Người M’Nông sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa cồng chiêng. Nhiều hoạt động trong đời sống xã hội gắn với tiếng cồng, tiếng chiêng. Thế hệ chúng tôi vì thế được sống trong bầu không khí thấm đẫm tiếng chiêng. Nhìn bố, mẹ đánh chiêng, tôi tự ghi nhớ và đánh theo. Đến năm 12 tuổi, tôi đã có thể đánh chiêng thành thạo”.

Giống như chồng mình, bà Thị Joan, vợ ông Điểu Đam sống cùng nhịp chiêng từ khi còn bé. Không chỉ đánh chiêng thành thạo, bà còn thuộc làu các điệu múa. Để người trẻ không lãng quên bản sắc văn hóa của dân tộc, bà Joan và ông Đam đã không ngần ngại bỏ ra thời gian, công sức để truyền lại cho thế hệ trẻ nghệ thuật đánh chiêng. “Để con cháu tiếp nối và không lãng quên truyền thống văn hóa của cha ông, chúng tôi luôn sẵn lòng truyền dạy” – nghệ nhân Điểu Đam tâm sự.

Hoài niệm về những năm tháng rực rỡ, khi mà tiếng cồng, tiếng chiêng luôn ngân vang giữa núi rừng, nghệ nhân Điểu DJăng tiếc nuối kể chuyện: “Gia đình tôi có 2 bộ chiêng to và nặng lắm. Năm 1969, chiến sự diễn ra ác liệt, quân Mỹ thả bom làm cháy nhà, cháy cả chiêng. Chúng tôi tiếc mãi. Bây giờ có tiền cũng không mua được những bộ chiêng như thế”.

Không chỉ biết đánh chiêng, nghệ nhân Điểu DJăng còn biết chỉnh chiêng. Thực tế, có khá nhiều chiêng bị mất thang âm, tắt tiếng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Ông Điểu DJăng chính là người “bắt bệnh” và “chữa bệnh” cho chiêng để lấy lại thang âm cho chiêng. “Ngày xưa, chúng tôi chỉnh chiêng bằng vòng. Còn bây giờ, chúng tôi chỉnh bằng búa. Kỹ thuật chỉnh rất khó, mình phải lắng nghe tiếng chiêng, rồi dùng búa gõ, nắn chỉnh cho đến khi chiêng về đúng âm sắc là thành công” - ông Điểu DJăng cho hay.

Tiếp thêm động lực cho Đội văn nghệ truyền thống bon Bu N’Đrung hoạt động, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông đã mở lớp truyền dạy văn hóa truyền thống tiêu biểu nhằm bảo tồn văn hóa trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Anh Điểu Thiêm vui vẻ nói: “Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã trao cho chúng tôi 1 loa kéo di động, 1 bộ chiêng và 20 bộ trang phục truyền thống M’Nông. Hiện nay, trong đội có 2 bộ cồng chiêng, trong đó, 1 bộ cồng của dòng họ Điểu đã có trăm năm tuổi”.

Trong tiếng chiêng rộn ràng chào đón năm mới, anh Điểu Thiêm phấn khởi chia sẻ: “Điều đáng mừng là lớp trẻ bây giờ rất thích học đánh cồng chiêng. Chúng tôi đều biết đánh thuần thục nhiều bài chiêng. Trong các ngày lễ hội lớn hay trong lễ Noel, Tết Nguyên đán, đội chiêng của bon đều tham gia biểu diễn, diễn xướng để mọi người, nhất là lớp trẻ cảm nhận, yêu mến và gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc M’Nông”.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tieng-chieng-vong-mai-post486308.html
Zalo