Phát triển vì con người
Hôm nay, 22/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về hai dự thảo Nghị quyết có ý nghĩa xã hội sâu rộng: dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi và dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi tắt là chính sách miễn, hỗ trợ học phí).
Cả hai dự thảo Nghị quyết đều thuộc lĩnh vực giáo dục nhưng ý nghĩa và tác động của các chính sách này vượt ra ngoài “địa hạt” của giáo dục, trở thành minh chứng sống động cho quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về phát triển bao trùm, lấy con người là trung tâm, mọi chủ trương, quyết sách đều vì nhân dân.
Trong bối cảnh đất nước đang huy động tối đa nguồn lực cho các mục tiêu chiến lược như phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và đầu tư hạ tầng trọng điểm, việc lựa chọn tiếp tục đầu tư mạnh cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non là quyết định không dễ dàng, bởi đi kèm với đó sẽ là áp lực rất lớn về nguồn lực đầu tư.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc triển khai thực hiện chính sách miễn, hỗ trợ học phí, ngân sách nhà nước sẽ cần bảo đảm thêm khoảng 9.000 tỷ đồng mỗi năm học, trong đó khoảng 6.900 tỷ đồng cho khối công lập, 1.300 tỷ đồng cho khối dân lập, tư thục, và hơn 770 tỷ đồng cho cơ sở giáo dục thường xuyên và các hình thức giáo dục khác. Mức ngân sách cần bảo đảm ở từng địa phương phụ thuộc vào quy định đóng học phí của HĐND cấp tỉnh quyết định.
Với phổ cập giáo dục mầm non từ 3 đến 5 tuổi, tổng kinh phí dự kiến trong giai đoạn 2026 - 2030 lên tới 116.314 tỷ đồng, trong đó gần 92.000 tỷ đồng dành cho đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng học tập bảo đảm điều kiện tối thiểu.
Trong khi đó, dù Luật đã quy định ngân sách nhà nước dành tối thiểu 20% cho giáo dục, nhưng thực tế ngành giáo dục cũng đang phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030; do đó, việc ưu tiên, tập trung ngân sách để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 - 5 tuổi hay miễn, hỗ trợ học phí... quả thực là một thách thức lớn. Ngân sách địa phương cũng còn nhiều khó khăn, Ủy ban Văn hóa và Xã hội, trong báo cáo thẩm tra các dự thảo Nghị quyết cũng đặc biệt lưu ý, cần đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Điều đó càng cho thấy, việc lựa chọn tăng cường đầu tư vào giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng, Nhà nước ta. Giáo dục chính là nền tảng cho phát triển bền vững. Phổ cập giáo dục cho trẻ em từ 3 tuổi là bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa công bằng giáo dục, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho tương lai thế hệ trẻ. Việc miễn, hỗ trợ học phí không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho hàng triệu gia đình mà còn thể hiện tinh thần Nhà nước đồng hành với người dân trong hành trình học tập suốt đời.
Khi được thực thi hiệu quả, các chính sách này sẽ góp phần thu hẹp bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đối tượng yếu thế. Về lâu dài, hai chính sách này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia - những yếu tố then chốt trong giai đoạn phát triển mới.
Tất nhiên, còn nhiều thách thức phải giải quyết để có thể thực hiện thành công các chính sách hết sức nhân văn này. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi đòi hỏi đầu tư nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực rất lớn, trong đó, phải bảo đảm đủ hệ thống trường, lớp học cho tất cả trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; bố trí đủ giáo viên; đầu tư đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu; bố trí đủ kinh phí vận hành hoạt động thường xuyên của cơ sở giáo dục mầm non khi thực hiện phổ cập... Chính sách miễn, hỗ trợ học phí cần có cơ chế tài chính bền vững, minh bạch, đồng thời vẫn phải khuyến khích được xã hội hóa giáo dục...
Dù còn không ít thách thức ở phía trước, nhưng với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, hai chính sách được kết tinh từ "ý Đảng - lòng Dân" này chắc chắn sẽ được thực hiện thành công. Bắt đầu từ giáo dục, bằng giáo dục và thông qua giáo dục, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu phát triển bền vững, phát triển vì con người.