Bình dân học AI: Khai mở tư duy cộng đồng giáo dục
Trong làn sóng số hóa đang lan tỏa mạnh trên toàn cầu, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã và đang cho thấy quyết tâm cao trong hành trình chuyển đổi số toàn diện. Không chỉ cải tiến phương pháp giảng dạy, quản lý, ngành Giáo dục Thái Nguyên đang cùng tỉnh tiên phong đưa chương trình 'Bình dân học AI' đến cộng đồng - một chương trình mang tính khai sáng công nghệ, từng bước xây dựng năng lực số cho toàn dân.

Cô và trò Trường THPT Chu Văn An trong giờ Tin học.
Chuyển đổi số không còn là một xu hướng nhất thời mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục - nơi đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Với tinh thần hành động quyết liệt, ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên đã từng bước chuyển mình, tích cực ứng dụng công nghệ vào quản lý và giảng dạy, từ đó tạo nên những thay đổi sâu sắc cả về tư duy lẫn phương pháp dạy học.
Điều dễ nhận thấy là 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai sử dụng các nền tảng số để quản lý hồ sơ học sinh, giáo viên, tổ chức lớp học trực tuyến, vận hành thư viện điện tử, thanh toán học phí không dùng tiền mặt và ứng dụng dữ liệu số trong quản lý tài chính. Nhiều trường học đã chủ động xây dựng kế hoạch tích hợp công nghệ AI vào dạy - học, hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp công nghệ để bồi dưỡng kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả là việc Thái Nguyên trở thành địa phương tiên phong triển khai chương trình “Bình dân học AI” - một sáng kiến mang tính đột phá, kế thừa tinh thần của phong trào “Bình dân học vụ” lịch sử, nay được tái hiện trong kỷ nguyên số. Không dừng lại ở phổ cập công nghệ, chương trình “Bình dân học AI” hướng tới xây dựng một hệ sinh thái AI trong cộng đồng, nơi mỗi người dân đều có thể hiểu, ứng dụng và sáng tạo cùng trí tuệ nhân tạo. Thông qua nền tảng luyenai.vn, hơn 23.000 người dân Thái Nguyên đã tham gia luyện tập AI và đạt được các cấp độ ứng dụng khác nhau từ cơ bản đến nâng cao.
Trong lĩnh vực giáo dục, chương trình đã tổ chức 34 lớp tập huấn chuyên sâu với sự tham gia của hơn 9.000 cán bộ, giáo viên. Qua đó, một lực lượng giáo viên “biết dùng AI, khai thác AI, sáng tạo cùng AI” đang từng bước hình thành - trở thành những người dẫn dắt học sinh tiếp cận với công nghệ tiên tiến, phát triển năng lực tự học và tư duy sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ đơn thuần là đưa máy tính hay phần mềm vào lớp học. Cốt lõi là thay đổi tư duy giáo dục - từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực cá nhân; từ giáo dục đại trà sang cá nhân hóa. AI chính là công cụ giúp hiện thực hóa điều đó.
Thời gian qua, các thầy cô giáo đã không ngừng học hỏi, thích nghi và đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu thời đại; đội ngũ giáo viên là lực lượng tiên phong đưa công nghệ vào lớp học, từ đó tạo nên môi trường học tập linh hoạt, sinh động và giàu tính cá nhân hóa cho học sinh. - ông Nguyễn Văn Hưng

Giáo viên Trường THPT Trần Phú (Võ Nhai) hướng dẫn học sinh lớp 12 truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu, phục vụ đăng ký, thay đổi thông tin trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
AI đang từng bước thay đổi cách dạy và cách học. Với khả năng xử lý dữ liệu lớn, phân tích hành vi học tập, đề xuất nội dung phù hợp với từng học sinh, AI giúp cá nhân hóa việc học - điều mà trước đây khó thực hiện ở quy mô rộng. Những lớp học số đang dần trở nên linh hoạt, sinh động và phù hợp hơn với năng lực, nhu cầu của từng học sinh.
Thực tế cho thấy, hàng loạt trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động tích hợp AI vào giáo án, xây dựng các hoạt động học tập theo hướng “học sinh làm trung tâm”, đồng thời khai thác các phần mềm trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu học tập, đánh giá năng lực. Việc hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và tích hợp các nền tảng dạy - học đang là nền móng để Thái Nguyên sẵn sàng ứng dụng những công nghệ mới hơn trong tương lai.
Dù đã đạt được những kết quả tích cực, hành trình chuyển đổi số và phổ cập AI trong ngành giáo dục vẫn còn không ít thách thức. Một số khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn gặp khó khăn về hạ tầng công nghệ; một bộ phận giáo viên còn e ngại trước các công nghệ mới; tài liệu học AI cho đại chúng vẫn cần đa dạng hóa để phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự chủ động của ngành Giáo dục và tinh thần học hỏi, đổi mới trong đội ngũ giáo viên, học sinh, những rào cản này đang dần được tháo gỡ.
Chuyển đổi số là chiến lược dài hơi để xây dựng nền giáo dục thông minh và công dân số trong tương lai. Bài học từ Thái Nguyên cho thấy: Khi có sự đồng thuận và hành động từ cấp lãnh đạo đến mỗi nhà giáo, học sinh và người dân, thì chuyển đổi số không chỉ khả thi mà còn mang lại giá trị thực tiễn rõ rệt. “Bình dân học AI” không chỉ là phổ cập kỹ năng mà còn hướng tới hình thành một hệ sinh thái ứng dụng AI trong cộng đồng. Khi người dân hiểu, làm chủ và sử dụng được AI, chúng ta không chỉ nâng cao năng suất cá nhân mà còn tạo nên lợi thế cạnh tranh về mặt nhân lực, văn hóa số.
“Bình dân học AI” không chỉ là một chương trình phổ cập kỹ năng công nghệ, mà là bước khởi đầu cho việc đưa AI trở thành một phần của văn hóa học tập và sáng tạo tại Thái Nguyên - nơi đang từng bước hiện thực hóa khát vọng về một “AI xứ Trà”, nơi mỗi người dân đều có thể làm chủ công nghệ, góp phần xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, theo đúng định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.