Giáo viên bất lực, phụ huynh 'buông tay', ai sẽ giáo dục học sinh cá biệt?
Trong một môi trường học đường ngày càng nhiều biến động, liệu ba hình thức kỷ luật như trong dự thảo khen thưởng, kỷ luật có phù hợp.
.t1 { text-align: justify; }
Từ tháng 5/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh nhằm thay thế Thông tư 08 ban hành từ năm 1988.
Các thông tin thay đổi dự kiến trong dự thảo thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Điểm đáng chú ý trong dự thảo là xóa bỏ hoàn toàn hình thức đuổi học (cả ngắn hạn và dài hạn) – một quyết định được cho là mang tính nhân văn nhưng lại khiến nhiều nhà giáo, phụ huynh lo ngại.
Nếu như Thông tư cũ năm 1988 quy định 5 hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách trước lớp; Khiển trách trước hội đồng kỷ luật; Cảnh cáo trước toàn trường; Đuổi học 1 tuần; Đuổi học 1 năm. Dự thảo mới chỉ còn 3 hình thức xử lý vi phạm là: Nhắc nhở; Phê bình; Viết bản tự kiểm điểm.
Không còn hình thức đình chỉ học tập, kể cả ngắn hạn. Đây chính là điểm đang gây nhiều ý kiến tranh luận.

Ảnh minh họa: Phạm Thi
Thực trạng đáng báo động khi học sinh “chống đối” còn giáo viên “bất lực”
Là người trực tiếp đứng lớp, người viết đã có hơn 30 năm công tác thấy không còn xa lạ với cụm từ “học sinh bất trị” – cụm từ mà nhiều giáo viên dùng để gọi những học sinh thường xuyên vi phạm nhưng không còn biết sợ, không chịu sửa đổi.
Phần lớn học sinh hiện nay vẫn rất ngoan ngoãn, lễ phép – đó là niềm hy vọng để người thầy tiếp tục vững bước. Tuy nhiên, vẫn có không ít em khiến giáo viên, nhà trường phải loay hoay, lúng túng trong việc xử lý.
Những em này thường xuyên nằm trong “sổ theo dõi đặc biệt” của giáo viên chủ nhiệm. Mỗi lần bước vào lớp là ánh mắt thách thức, lời nói bất cần, hành vi ngổ ngáo. Thậm chí, có em không coi giáo viên là người hướng dẫn, mà là “kẻ làm phiền” mình.
“Cô là gì mà bắt em nghe?”, “Phạt đi, em không sợ đâu!”, đó là những câu nói của một số học sinh khiến bất cứ giáo viên nào cũng "nản". Khi các em làm sai, thầy cô nhắc nhở còn văng tục, chửi thề hoặc có thái độ vênh váo, thách thức.
Có em hút thuốc lá điện tử trong nhà vệ sinh bị giáo viên bắt gặp. Có học sinh liên tục đánh bạn, rồi chửi thề trong lớp học. Khi được thầy cô nhắc nhở, những em này đã không nghe còn nói lời thách thức. Giáo viên phải mời phụ huynh đến trao đổi thì nghe được phản hồi kiểu: “Cô muốn làm gì thì làm, chúng tôi cũng bó tay với nó rồi!”
Đây không còn là trường hợp cá biệt. Đồng nghiệp tôi dạy tại một trường trung học đã bị chính học sinh của mình lên mạng nói xấu bằng những ngôn từ vô cùng khó nghe.
Ở nhiều trường trung học hiện nay, hiện tượng học sinh mang dao đến lớp hăm dọa các bạn cũng không phải chuyện hiếm. Cũng có em cãi tay đôi với giáo viên giữa lớp học khi ngồi trong lớp sàm sỡ bạn khác giới bị thầy cô nhắc nhở. Thậm chí có em còn xưng “mày – tao” với thầy cô.
Vì thế, với ba hình thức kỷ luật như trong dự thảo, nhiều giáo viên chỉ biết... thở dài. Không ai muốn đuổi học trò, nhưng nếu chỉ nhắc nhở rồi cho viết bản kiểm điểm thì đó không còn là “kỷ luật” mà là “biện pháp ghi nhận vi phạm”.
Học trò chưa ngoan, thay vì được gia đình phối hợp giáo dục thì không ít gia đình lại “ buông tay” vì bất lực.
Đã có lần, tôi trực tiếp nói chuyện với phụ huynh vì những vi phạm của học sinh ở trường thì lập tức nhận lại câu trả lời: “Chúng tôi cũng nói mãi rồi, giờ nó không nghe ai cả. Cô muốn làm gì thì làm.”
Khi phụ huynh không hợp tác, giáo viên sẽ không thể thực hiện được giáo dục đạo đức, bởi bất kỳ hình thức nào cũng cần sự phối hợp ba bên: nhà trường – gia đình – xã hội.
Viết bản kiểm điểm: Liệu có thay đổi được những “học sinh khó bảo”?
Viết bản kiểm điểm vốn là một hình thức nhẹ, mang tính nhắc nhở. Tuy nhiên, đối với những học sinh đã không còn sợ thầy cô, coi thường nội quy, thì hình thức này gần như vô hiệu.
Cô giáo Nguyễn Thị Linh (Bình Thuận) chia sẻ: “Có em viết kiểm điểm như... làm bài tập, viết xong, nộp, rồi tái phạm. Không cảm xúc, không suy ngẫm, không thay đổi gì cả.”
Khi nhà trường muốn uốn nắn thì hình thức kỷ luật hiện tại như nhắc nhở, phê bình hay viết bản kiểm điểm lại quá nhẹ, quá hình thức, không còn tác dụng răn đe.
Chỉ cần vài “hạt sạn” không thể xử lý, cũng đủ làm vẩn đục một môi trường giáo dục vốn cần sự an toàn và nghiêm túc. Vì vậy, đừng vội xem “kỷ luật học sinh” là hình thức trừng phạt, mà hãy nhìn nó như một công cụ giáo dục quan trọng.
Bởi nếu không can thiệp đúng lúc, đúng cách, những hành vi sai lệch hôm nay sẽ không dừng lại ở cổng trường, mà có thể ảnh hưởng đến xã hội ngày mai.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc loại bỏ hình thức đuổi học là quyết định mang tính nhân văn, nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức “nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm” thì sẽ thiếu đi tính răn đe cần thiết, khiến giáo viên bất lực trước các hành vi sai trái.
Đề xuất một số giải pháp mang tính giáo dục nhưng đủ sức răn đe
Thứ nhất, lao động công ích có giám sát. Thay vì nghỉ học, học sinh vi phạm phải tham gia dọn vệ sinh lớp học, vệ sinh sân trường, chăm sóc cây xanh, sắp xếp thư viện... Việc này giúp các em hiểu hậu quả hành vi và đóng góp cho cộng đồng.
Thứ hai, ghi nhận hành vi tái phạm trong hồ sơ học tập. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, việc lưu hành vi vào hồ sơ học tập là biện pháp cảnh báo và theo dõi. Từ đó, hội đồng nhà trường có thể xử lý theo hướng hỗ trợ tâm lý, cải tạo hành vi.
Thứ ba, có trường đào tạo, dạy học cho học sinh cá biệt. Với những trường hợp bạo lực học đường, xúc phạm giáo viên, tái phạm nghiêm trọng, cần có mô hình đào tạo ngắn hạn (1 – 3 tháng) để cách ly khỏi môi trường học bình thường, giúp các em rèn kỷ luật, điều chỉnh hành vi, trị liệu tâm lý.
Sự nhân văn trong giáo dục không phải là “xóa bỏ kỷ luật”, mà là “xử lý nghiêm để học sinh biết sửa sai và được giáo dục lại”. Nếu cứ tiếp tục “mềm hóa kỷ luật” mà không có cơ chế mạnh mẽ đi kèm, thì không chỉ giáo viên, mà cả môi trường học đường sẽ trở thành nạn nhân.
Là giáo viên, không ai muốn học sinh phải chịu hình phạt nhưng nếu kỷ luật không nghiêm, sẽ tạo ra lỗ hổng trong môi trường học đường. Một hệ thống giáo dục mạnh là hệ thống có thể giúp học sinh sai lầm đứng dậy, nhưng phải biết sợ và tôn trọng các quy tắc trường học, xã hội.