Trường chuyên nên chuyển từ chuyên một môn sang đào tạo liên ngành

Theo PGS.TS Lê Thái Hưng, chương trình học chuyên nên thay đổi theo hướng tích hợp để học sinh chuyên một môn có thể tiếp cận các kiến thức liên ngành.

Việc có nên giữ trường chuyên, lớp chọn là vấn đề gây đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Trường chuyên đang là mô hình đặc thù được hưởng các chính sách ưu đãi về ngân sách đầu tư, cơ sở vật chất, giáo viên. Tuy nhiên, sứ mệnh tạo nguồn đào tạo nhân tài của trường chuyên hiện nay chưa rõ hiệu quả. Điều này đang đặt ra rất nhiều băn khoăn.

Cần chuyển dịch từ việc luyện thi thuần túy sang phát triển tư duy nghiên cứu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thái Hưng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định mô hình trường trung học phổ thông chuyên giữ vai trò đặc biệt trong hệ thống giáo dục hiện đại, nhưng cần có những cải tiến về chất.

“Khi giáo dục hiện đại hướng đến việc phát triển toàn diện cả năng lực lẫn phẩm chất của người học, điều đó không có nghĩa là có thể bỏ qua các mô hình chuyên biệt, vốn rất cần thiết để phát hiện và nuôi dưỡng những năng lực nổi trội.

Một nền giáo dục thực sự toàn diện không thể chỉ dừng lại ở sự bình quân hóa, mà cần kiến tạo những mô hình phù hợp với từng loại trí tuệ và thiên hướng phát triển riêng biệt.

Chính vì thế, trường chuyên là một thiết kế giáo dục đặc thù, nơi dành riêng cho những học sinh sở hữu năng lực chuyên biệt xuất sắc, để họ có thể phát triển thành các nhà khoa học, kỹ sư, nhà nghiên cứu hay lãnh đạo tư duy trong tương lai.

Tuy nhiên, để trường chuyên tiếp tục giữ được giá trị trong kỷ nguyên giáo dục hiện đại, mô hình này cần được cải tiến về chất. Cần chuyển dịch từ việc luyện thi thuần túy sang phát triển tư duy nghiên cứu, tư duy hệ thống, khả năng sáng tạo và các kỹ năng thiết yếu của thế kỷ 21. Học sinh trường chuyên không chỉ cần giỏi về chuyên môn mà còn phải vững vàng trong kỹ năng giao tiếp, năng lực ứng dụng thực tế, khả năng thích ứng xã hội và tiềm năng lãnh đạo.

Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn duy trì và không ngừng cải tiến hệ thống trường chuyên như một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển nhân tài quốc gia”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thái Hưng cho hay.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thái Hưng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thái Hưng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu mô hình trường chuyên chỉ tập trung vào mục tiêu thi cử thì đó là biểu hiện của sự lệch hướng. Tuy nhiên, việc học sinh đạt giải quốc tế nên được nhìn nhận như một chỉ báo cho năng lực tư duy và sáng tạo - chứ không phải là mục tiêu tối thượng. Vấn đề cốt lõi không nằm ở bản thân mô hình trường chuyên, mà ở cách thiết kế và vận hành chương trình đào tạo.

Việc đầu tư ngân sách cho các trường chuyên là cần thiết và hợp lý, bởi đây là nơi đào tạo lực lượng học sinh có năng lực vượt trội, phục vụ chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia. Tuy nhiên, nếu nguồn lực này chỉ tập trung cho việc luyện thi học sinh giỏi, thì rõ ràng đang đi lệch khỏi tinh thần giáo dục phổ thông hiện đại, vốn nhấn mạnh vào sự phát triển toàn diện.

Thực tế tích cực là nhiều trường chuyên hiện nay đã chủ động chuyển mình, mở rộng định hướng đào tạo vượt ra ngoài “săn giải”, chú trọng hoạt động trải nghiệm như các câu lạc bộ khoa học, STEM, nghệ thuật, khởi nghiệp… qua đó phát huy sức sáng tạo và năng lực vượt trội của học sinh.

Vì thế, thay vì đặt câu hỏi “có nên tiếp tục đầu tư cho trường chuyên?”, điều cần thiết hơn là xác định rõ: “cần đầu tư như thế nào để trường chuyên phát triển đúng hướng, bền vững và thực sự đóng vai trò dẫn dắt?”. Nếu được thiết kế và định hướng đúng đắn, trường chuyên sẽ không chỉ là nơi rèn luyện thành tích, mà còn trở thành trung tâm đổi mới giáo dục, ươm mầm các tài năng khoa học, công nghệ và nghệ thuật cho tương lai đất nước.

Cùng bàn về mô hình trường chuyên hiện nay, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chia sẻ: “Theo tôi, hệ thống trường chuyên vẫn cần được duy trì và khẳng định vai trò quan trọng, bởi mục tiêu giáo dục của giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, mô hình trường chuyên hiện nay cần được xem xét, điều chỉnh toàn diện để phù hợp với yêu cầu của thời đại mới.

Trường chuyên vốn xuất phát từ khái niệm “trường năng khiếu”, không chỉ dành cho học sinh có năng khiếu học tập mà còn bao gồm các lĩnh vực như văn hóa, nghệ thuật, thể thao... Tất cả đều cần được phát hiện, bồi dưỡng và phát huy đúng mức.

Trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay, các trường chuyên chủ yếu tập trung vào những môn khoa học cơ bản như Toán, Ngữ văn, Vật lý... với chương trình đào tạo chuyên sâu. Tuy nhiên, mục tiêu phát triển tư duy và năng lực toàn diện của học sinh lại chưa được chú trọng đúng mức.

Nhiều em học sinh giỏi vượt trội ở các môn tự nhiên nhưng lại yếu ở các môn xã hội, cho thấy việc đào tạo chuyên sâu chưa thực sự giúp các em phát triển cân đối. Do đó, cần có sự điều chỉnh định hướng đào tạo trong trường chuyên để hướng tới việc bồi dưỡng tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng và hội nhập quốc tế”.

 Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ nhấn mạnh thêm, một vấn đề nữa cần nhìn nhận rõ là mục tiêu đào tạo của trường chuyên hiện nay vẫn chủ yếu xoay quanh việc luyện thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Nhiều trường chuyên tập trung cao độ vào rèn luyện kiến thức chuyên sâu và kỹ năng làm bài theo định dạng các kỳ thi, một phần vì những chính sách ưu tiên xét tuyển đại học dành cho học sinh đạt giải cao. Truyền thống của trường chuyên từ lâu đã gắn với thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi, tạo nên áp lực và định hướng đào tạo nghiêng về thành tích.

Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả của mục tiêu "bồi dưỡng nhân tài" mà hệ thống trường chuyên đang theo đuổi. Rõ ràng, việc chỉ tập trung vào thi cử và thành tích chưa đủ để tạo nên những cá nhân kiệt xuất, đóng góp sâu rộng cho đất nước trong dài hạn”.

Cần thay đổi mô hình trường trung học phổ thông chuyên như thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thái Hưng nêu ý kiến, nếu mô hình trường chuyên tiếp tục được duy trì, điều tối quan trọng là cần có những cải tiến sâu sắc nhằm tránh rơi vào lối mòn “lò luyện thi học sinh giỏi”, xa rời mục tiêu giáo dục toàn diện.

Trước hết, cần chuyển đổi tư duy từ đào tạo “chuyên một môn” sang phát triển “chuyên sâu có định hướng liên ngành”, đồng thời không xem nhẹ các lĩnh vực phát triển toàn diện như Ngữ văn, Giáo dục công dân, Nghệ thuật, Thể chất - vốn góp phần hình thành nhân cách và năng lực tổng thể cho học sinh.

Cụ thể, chương trình học nên được thiết kế theo hướng tích hợp, tạo điều kiện để học sinh chuyên một môn có thể tiếp cận các kiến thức liên ngành phục vụ nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. Ví dụ, học sinh chuyên Sinh cần nắm vững kiến thức của Hóa học, Toán, Công nghệ sinh học và tiếng Anh học thuật.

Việc đánh giá kết quả học tập cũng cần toàn diện hơn, không chỉ dừng lại ở thành tích môn chuyên mà còn phải thông qua sản phẩm tích hợp, hoạt động dự án, kỹ năng giao tiếp, hợp tác và tư duy phản biện.

Song song đó, cần nâng cao vai trò của các môn học “không chuyên” nhằm phát triển trí tuệ cảm xúc, cảm thụ thẩm mỹ và thể chất - thông qua việc lồng ghép vào hoạt động ngoại khóa hoặc dự án đa dạng. Môi trường học tập trong trường chuyên cũng nên hướng đến sự cân bằng giữa đào tạo chuyên sâu và trải nghiệm mở, như tổ chức các câu lạc bộ nghệ thuật, khoa học xã hội, chương trình giao lưu quốc tế hay phát triển kỹ năng lãnh đạo.

Cuối cùng, một giải pháp mang tính chiến lược là gắn kết chặt chẽ giữa trường chuyên với các trường đại học, viện nghiên cứu - nhằm kiến tạo hệ sinh thái phát triển tài năng liền mạch, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, qua đó đáp ứng định hướng phát triển khoa học công nghệ mà Chính phủ đang quan tâm thúc đẩy.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn chứng thêm, tại Hàn Quốc, các trường như Science High Schools và Foreign Language High Schools vẫn là nơi cung cấp nguồn học sinh ưu tú cho các đại học hàng đầu. Ở Singapore, mô hình Integrated Programme giúp học sinh có năng lực xuất sắc phát triển liên tục mà không cần qua kỳ thi O-level.

Hoa Kỳ có những trường magnet danh tiếng như Bronx High School of Science hay Thomas Jefferson High School for Science and Technology, vốn là cái nôi của nhiều tài năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tại Nga, các trường chuyên về vật lý - toán như Lyceum 239 ở St. Petersburg vẫn nhận được sự đầu tư mạnh mẽ từ chính phủ.

Điểm chung của những quốc gia này là họ không xóa bỏ trường chuyên, mà liên tục tái cấu trúc và tích hợp các yếu tố như công nghệ, nghiên cứu khoa học và kỹ năng liên ngành vào chương trình học. Nhờ đó, họ tạo ra một hệ sinh thái giáo dục vững bền cho việc phát triển tài năng.

Tóm lại, trường chuyên cần phải phát triển theo hướng mở, linh hoạt, cá thể hóa và hội nhập quốc tế. Chỉ khi đó, mô hình này mới có thể thực hiện trọn vẹn mục tiêu kép: bồi dưỡng nhân tài và phát triển toàn diện con người.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cho rằng, sau khi sáp nhập các tỉnh, nguyên tắc tổ chức bộ máy cần được thống nhất, đối với hệ thống trường chuyên, nên giảm bớt để đảm bảo hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lực.

Việc duy trì hai hoặc ba trường chuyên sau khi sáp nhập tỉnh có thể dẫn đến phân tán nguồn lực và giảm hiệu quả hoạt động. Khi số lượng trường chuyên giảm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tập trung và cộng hưởng các nguồn lực như đất đai, tài chính, đội ngũ giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.

 Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) của Quốc hội. Ảnh: Thành An.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) của Quốc hội. Ảnh: Thành An.

Theo ông Lê Như Tiến, việc xây dựng và duy trì đội ngũ giáo viên chất lượng cao phải là trọng tâm trong chính sách phát triển nhân lực chất lượng cao. Khi trò giỏi có thêm thầy giỏi cùng đồng hành, chắc chắn sẽ tạo ra thế hệ tài năng.

Ngoài ra, khi tài năng đã được phát hiện và bồi dưỡng, sau khi ra trường cần có chính sách thu hút và sử dụng nhân tài một cách hiệu quả. Đào tạo được nhân tài đã khó nhưng giữ chân và tạo điều kiện cho họ phát huy năng lực còn khó hơn. Do đó, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức cần xây dựng môi trường làm việc tốt, minh bạch, năng động cùng chính sách đãi ngộ xứng đáng để thu hút người tài, người giỏi vào đúng những lĩnh vực đang cần, đặc biệt là các ngành về trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin…

Chỉ khi người tài có “đất dụng võ” thì những hạt giống ươm mầm mới thực sự nảy mầm và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ góp ý cách thức tuyển sinh vào các trường chuyên cũng cần được đổi mới. Việc chỉ dựa vào thi kiến thức như hiện nay là chưa đủ để phát hiện những học sinh thực sự có năng khiếu. Thay vào đó, cần bổ sung các hình thức đánh giá năng lực toàn diện, giống như nhiều trường đại học đang áp dụng.

Như vậy, để trường chuyên tiếp tục phát huy vai trò trong bối cảnh hội nhập, cần có cải tiến cả hình thức tuyển sinh, nội dung chương trình và xác định rõ mục tiêu đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.

Đình Nam

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-chuyen-nen-chuyen-tu-chuyen-mot-mon-sang-dao-tao-lien-nganh-post251127.gd
Zalo